Truyền cảm hứng, niềm say mê nghiên cứu khoa học

'Nước Nga, con người Nga trong trái tim tôi là sự thanh bình, thân thiện, chân chất, hào hiệp mà còn ở niềm đam mê, thái độ lao động, tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc, hăng say, hết mình'. Đó là những chia sẻ chân tình của Đại úy, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Trợ lý Kế hoạch khoa học, Chi nhánh phía Nam Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga.

Học và nghiên cứu suốt đời

Hơn 11 năm gắn bó với Liên bang Nga là trải nghiệm không thể nào quên được đối với Đại úy, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh. Trao đổi với chúng tôi khi nhắc về nước Nga, Hoàng Anh tâm sự: “Nước Nga đã là một phần trong sự trưởng thành của tôi. Khí chất người Nga, đặc biệt là sự đam mê, trân trọng và tình yêu dành cho nghiên cứu khoa học đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi và các bạn cùng thế hệ khi được học tập nghiên cứu ở xứ sở bạch dương. Đối với những chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên người Nga, sự học, sự nghiên cứu khoa học là suốt đời, không có điểm dừng.

Thời gian ở Nga của Đại úy Nguyễn Hoàng Anh chủ yếu gắn với Trường Đại học Xây dựng Quốc gia Moscow (Moskva) với chuyên ngành Cơ học kết cấu. Đây là trường đại học kỹ thuật, nghiên cứu hàng đầu của Nga trong lĩnh vực xây dựng. Ngôi trường rất thơ mộng, cổ kính nằm trên đường Yaroslavskoe Shosse, ngay Thủ đô Moscow. Cái duyên đến với xứ sở bạch dương của Hoàng Anh bắt đầu từ năm 2003 khi anh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học bậc đại học tại Nga theo diện Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga. Anh rất tự hào vì được đến nước Nga vĩ đại để học tập với sự phát triển rất cao về khoa học công nghệ và một nền văn hóa giàu bản sắc.

 Đại úy, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh. Ảnh: HỒNG GIANG.

Đại úy, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh. Ảnh: HỒNG GIANG.

Hoàng Anh nhớ lại, đã có những bỡ ngỡ trong những ngày đầu đặt chân lên nước Nga nhưng chính sự hướng dẫn, dìu dắt tận tình và hơn hết là tinh thần trân trọng tri thức, khoa học của đội ngũ giảng viên nước Nga đã làm ấm lòng những sinh viên xa nhà như anh. Từ năm 2003-2009, Hoàng Anh hoàn thành chương trình cử nhân Đại học với kết quả tốt nghiệp giỏi (đạt 4.75/5) và trở về nước giảng dạy tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Cái duyên với nước Nga của anh được tiếp nối khi năm 2010, được trở lại chính ngôi trường Đại học Xây dựng Quốc gia Moscow để học cao học, nghiên cứu sinh. Và từ lúc này, thử thách về nghiên cứu khoa học liên tục đặt ra các bài toán khó đối với anh. Bài học anh luôn khắc ghi mà các giảng viên hướng dẫn đã dặn dò rằng: Nghiên cứu khoa học là một công việc đòi hỏi phải vô cùng nghiêm túc và cẩn thận. Đó là quá trình đưa ra những vấn đề mới, từ lý thuyết đưa vào giải quyết, ứng dụng thực tế và phải có tính kinh tế trong khoa học mới đạt độ hoàn thiện của nghiên cứu khoa học.

Trong quá trình nghiên cứu sinh, Hoàng Anh ấn tượng nhất là chính là các giáo viên hướng dẫn không chỉ ở vai trò người thầy mà như chính những đồng nghiệp, người bạn. Điều đó giúp anh cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm của người Nga dành cho Việt Nam với mong muốn giúp đào tạo nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao. Bất kỳ vấn đề khó khăn nào, giáo viên sẵn sàng trao đổi, phản biện, cùng tìm ra hướng giải quyết. Hoàng Anh còn nhớ rất rõ, thầy Gabbasov R.F trong tổ giáo viên hướng dẫn luôn ngồi cùng anh trong thư viện, ở trường hay phòng thí nghiệm đến tận khuya để giúp anh giải quyết vấn tình huống khó khăn. Chẳng hạn, khi nghiên cứu “Ứng dụng phương pháp sai phân hữu hạn trong tính toán tấm vỏ mỏng” đã có lúc anh khó hiểu trong vấn đề tìm phương án giải hệ phương trình tuyến tính cho tấm vỏ có số ẩn ít nhất có thể và thầy đã gợi mở các phương án xử lý cho anh.

Bên cạnh tận tình, giáo viên hướng dẫn vẫn luôn nghiêm khắc căn dặn Hoàng Anh phải luôn dành sự tập trung cao nhất cho việc học, nghiên cứu. Nhờ vậy, năm 2015, anh đã bảo vệ luận án Tiến sĩ “Ứng dụng phương pháp sai phân hữu hạn trong tính toán tấm vỏ mỏng” đạt loại ưu. Một tấm gương lớn mà đến bây giờ mỗi lần nhắc đến, Hoàng Anh không giấu được xúc động khi chính một người thầy hướng dẫn của anh là GS, TS Belov V.A dù đang lâm bệnh nặng nhưng trên giường bệnh, thầy luôn cầm sách khoa học để đọc. Khi đến thăm thầy, anh rất xúc động vì tinh thần đam mê, tận tụy, cống hiến cho khoa học của một người trí thức Xô Viết kiểu mẫu.

Hoàng Anh tâm sự: “Các thầy cô không chỉ cho tôi kiến thức, phương pháp làm việc, nghiên cứu mà ứng xử với khoa học và cuộc sống. Tôi đã áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm này khi làm việc tại Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Công việc trợ lý kế hoạch khoa học là cơ hội để tôi gặp gỡ, giao tiếp với các chuyên gia Nga, giúp tôi có cảm giác như đang sống lại thời thanh xuân với những ký ức về nước Nga. Nhất là học được cùng làm việc với thái độ, tác phong, tinh thần nghiên cứu của người Nga”. Thời gian làm việc tại Chi nhánh phía Nam của trung tâm, Hoàng Anh đã cùng đồng nghiệp thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về chất bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật, sức bền vật liệu, chống ăn mòn công trình quân sự… ở các cấp, được cấp trên, trung tâm và địa phương đánh giá cao.

Sự chân tình, thân thiện, trong sáng

Đại úy, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh vẫn nhớ như in mùa thu năm 2003, anh và các bạn đặt chân đến Thủ đô Moscow của Liên bang Nga. Cảm xúc ấy không thể nào diễn ra bằng giấy mực, ví như một chân trời mới được mở ra. Nhưng điều đọng lại sâu sắc nhất trong tâm trí, tình cảm của anh và mọi người lúc ấy chính là sự chân tình, thân thiện, trong sáng từ sự đón tiếp đến hỗ trợ sinh viên Việt Nam của người Nga.

Đó là cô giáo Kazakova E.V đã trở thành người thân của anh và các bạn ngay từ lần đầu gặp gỡ. Sự đôn hậu, niềm nở và tận tâm của cô đã giúp anh và mọi người cảm thấy hào hứng hơn, mong muốn khám phá nhiều điều mới cũng như chinh phục chặng đường học tập phía trước. Trong năm đầu tiên học dự bị tiếng Nga, cô Kazakova E.V đã hướng dẫn mọi người từ làm các thủ tục giấy tờ cần thiết, giới thiệu thư viện, chợ… Thậm chí là báo thức cho anh và các bạn do những ngày đầu tiên chưa quen vì lệch múi giờ. Chính cô cũng truyền cảm hứng cho Hoàng Anh về học tiếng Nga. Đó là phải xác định học tiếng Nga cho bản thân và ứng dụng thực tiễn việc học chứ không gói gọn trong sách vở, thi cử. Từ đó, Hoàng Anh chọn cho bản thân phương pháp đọc nhiều sách lịch sử của nước Nga và cả lịch sử Việt Nam viết bằng tiếng Nga. Lâu dần, vốn từ vựng, mẫu câu tiếng Nga đã trở nên phong phú, tích lũy sẵn trong người của Hoàng Anh.

Đại úy Nguyễn Hoàng Anh cùng đồng nghiệp phiên dịch phía Nga tại Army Games 2020. Ảnh nhân vật cung cấp.

Đó còn là các bạn sinh viên Nga luôn hòa đồng, chất phác, tích cực hỗ trợ sinh viên Việt Nam từ việc học trên giảng đường đến giờ học ngoại khóa. Theo Hoàng Anh, hiểu rõ những khó khăn của sinh viên Việt Nam về ngôn ngữ (giảng viên giảng dạy bằng tiếng Nga), các bạn sinh viên Nga đã ghi chép bài cẩn thận và chủ động cho Hoàng Anh mượn để hoàn thiện nội dung. Hay giờ học ngoại khóa, sinh viên Nga rất nhiệt tình giúp đỡ. Đồng thời, rất quan tâm hỏi về đất nước và văn hóa con người Việt Nam với sự tôn trọng sâu sắc. Nhờ vậy, Hoàng Anh và các bạn đã bắt nhịp nhanh với việc học, cuộc sống tại Nga.

Hoàng Anh luôn nhớ cảm xúc cái Tết Nguyên đán đầu tiên nơi xứ người là vào tháng 2-2004. Khi ấy, ký túc xá đã tạo điều kiện để các lưu học sinh Việt Nam có hội trường riêng để tổ chức đón Giao thừa với những món ăn, tiết mục đặc trưng của Việt Nam. Thầy cô và sinh viên Nga cũng tham gia nhiệt tình. GS, TS Gagin A.V, Phó hiệu trưởng nhà trường lúc bấy giờ cũng đến dự và gửi lời chúc Tết đến sinh viên Việt Nam, tạo nên không khí ấm áp, tình cảm gắn kết.

Lần trở lại đặc biệt

Năm 2020, sau 5 năm rời nước Nga, Đại úy Nguyễn Hoàng Anh đã có cơ hội trở lại nước Nga nhưng với vai trò đặc biệt là phiên dịch cho đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2020. Hoàng Anh đi cùng đội tuyển bếp dã chiến và đội tuyển xe tăng nên được ở gần Thủ đô Moscow. Anh tâm sự: “Ngồi trên xe, đi ngang qua những con đường như: Tverskaya, Prospeket Mira... cùng những địa danh: Quảng trường đỏ, Metro... mang lại cho tôi cảm giác quen thuộc như ngày nào còn học tập ở xứ sở bạch dương này. Rất tiếc là thời gian diễn ra Army Games vẫn đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc đi lại được quản lý nghiêm ngặt và tuân theo quy định của ban tổ chức nên tôi không có dịp về thăm lại trường cũ, thầy cô trước đây của mình. Những ký ức đẹp về năm tháng sống trên nước Nga luôn là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho tôi trong công việc và cuộc sống hiện nay”.

 Đại úy Nguyễn Hoàng Anh (thứ ba từ phải sang) cùng đội tuyển bếp dã chiến Quân đội nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Ảnh nhân vật cung cấp.

Đại úy Nguyễn Hoàng Anh (thứ ba từ phải sang) cùng đội tuyển bếp dã chiến Quân đội nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Ảnh nhân vật cung cấp.

11 năm không phải quá dài nhưng vô cùng quý giá với một đời người và Đại úy, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh cảm thấy thật ngọt ngào, ý nghĩa khi được học tập, nghiên cứu khoa học ở đất nước Nga. Nước Nga trong trái tim người tiến sĩ trẻ này là nguồn cảm hứng bất tận về nghiên cứu khoa học không có ranh giới địa lý, dân tộc và niềm đam mê nghiên cứu không có giới hạn. Điều đó sẽ thôi thúc, làm nền tảng để anh vững bước trong chặng đường công tác phía trước, cống hiến nhiều hơn tại Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, thiết thực vun đắp hơn nữa tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-nuoc-nga-trong-trai-tim-toi-nam-2020/truyen-cam-hung-niem-say-me-nghien-cuu-khoa-hoc-643892