Truyền hình trên nền tảng số là để tìm những khán giả ngày mai

Khi theo dõi các fanpage, kênh youtube, tiktok... của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), chúng ta dễ dàng bắt gặp các buổi truyền hình trực tiếp. Những vấn đề thời sự, nóng hổi đăng tải trên các nền tảng số này thu hút sự quan tâm lớn của công chúng. Và đằng sau câu chuyện đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, thiết bị, đặc biệt là việc đổi mới quy trình sản xuất của mỗi phóng viên, BTV.

Xây dựng quy trình sản xuất đa năng, tiện dụng hơn

Trong thời đại hiện nay, người dân ít dành thời gian cho việc xem các chương trình truyền hình cố định về giờ trên tivi, dần chuyển sang xem truyền hình trên môi trường số, mạng xã hội vì sự tiện dụng, có thể xem bất kỳ khi nào, bất kỳ nơi đâu. Nắm được xu hướng này, nhiều bản tin, phóng sự của Đài VTV đã thực hiện phát trực tiếp trên fanpage và kênh youtube...của Đài.

Đã có rất nhiều buổi phát sóng có những thời điểm thu hút được hàng trăm nghìn lượt xem. Như lần ê kíp của nhà báo Nguyễn Trường Sơn - Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) tác nghiệp tại cầu phao Phong Châu vào ngày đầu tiên cầu được bắc để nối liền hai bờ sông. Bản tin được phát trực tiếp những hình ảnh chân thật đã thu hút người xem. Thông thường nếu như làm một tin, phóng sự truyền hình thì ê kíp sẽ có thời gian để trau chuốt, tìm góc máy hợp lý, tìm nhân vật, tìm câu chuyện, bối cảnh. Nhưng ở đây mọi thứ đều diễn ra tự nhiên, không sắp đặt.

 Nhà báo Nguyễn Trường Sơn - Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) trong một lần phát trực tiếp.

Nhà báo Nguyễn Trường Sơn - Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) trong một lần phát trực tiếp.

Nhà báo Nguyễn Trường Sơn cho biết, khi dẫn hiện trường và phát trên nền tảng số, chúng tôi lắp đặt thiết bị khá đơn giản và ngay lập tức là có thể đưa tin luôn. Chúng tôi chia sẻ thông tin hình ảnh về không khí ngày đầu tiên người dân được di chuyển qua hai bờ sông qua cầu phao Phong Châu. Thông tin này lúc phát trực tiếp đã thu hút hàng triệu lượt xem.

Thông thường phóng viên đi thực tế tại hiện trường sẽ dành thời gian quay, phỏng vấn sau đó trở về cơ quan để dựng, chỉnh sửa, biên tập lại, chờ đến khung giờ thì phát sóng. Nhưng giờ thì không, nhiều ê kíp của VTV sẽ ưu tiên trên số trước. Bởi vì truyền hình có khung giờ còn trên nền tảng số ê kíp sẽ đưa tin hình ảnh bất cứ lúc nào cũng được. Có những thời điểm thông tin đang nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, ê kíp sẽ ưu tiên thời gian sản xuất phục vụ lượng người dùng trên số trước.

“Dù là nội dung phát triển trên sóng hay trên số thì chúng tôi vẫn sẽ tìm hiểu về nội dung đó rất kỹ từ trước khi ra hiện trường, liên hệ với các đầu mối thông tin ở các cơ quan chức năng tại địa phương, các ngành chức năng để thông tin đảm bảo tính chính xác khách quan, trung thực”, nhà báo Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.

Tuy nhiên việc dẫn trực tiếp từ hiện trường sẽ có những vấn đề phát sinh riêng. Ở hiện trường mà phóng viên không khai thác được thông tin thì rất khó có thể kéo dài được nội dung trong vòng 30 phút đến 1, 2 tiếng đó. Đó cũng là một khó khăn đối với những phóng viên đang làm truyền hình truyền thống theo thói quen trước đây, chúng ta làm hậu kỳ quen rồi. Một đúp quay phim dẫn hiện trường nếu dẫn sai hoặc dẫn hỏng, chúng ta dẫn lại hai, ba lần, quay đi, quay lại đến khi đạt, khi về làm hậu kỳ cắt đi không ai biết. Nhưng khi dẫn trực tiếp thì mọi thông tin, hình ảnh đưa lên đều không thể sửa lại.

Lên nền tảng số là để chúng ta tìm những khán giả ngày mai

Thực tế cho thấy, để dẫn trực tiếp trên nền tảng số, bản thân phóng viên cũng phải tự trau dồi cái kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Cố gắng để việc diễn giải vấn đề sự kiện cho đạt được những hiệu quả trên sóng và trên nền tảng số.

Trên thực tế, khi làm truyền hình truyền thống quá lâu năm, người làm báo đã có những tư duy, thậm chí là có những "lối mòn" trong việc tạo ra các tác phẩm truyền hình nhưng trên số thì lại không phải như thế. Đổi lại trên nền tảng số người làm truyền hình vô tư về thời lượng, thoải mái thời gian lên sóng, dông dài và có thể phân tích một cách rõ ràng, sắc nét chi tiết tất cả những nội dung cần truyền tải. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu người làm truyền hình vẫn có thể đăng tải thông tin, đó cũng là một số những thuận lợi khi tác nghiệp trên nền tảng số.

 Buổi livestream thu hút 6,4 triệu lượt xem và hơn 300 nghìn bình luận...

Buổi livestream thu hút 6,4 triệu lượt xem và hơn 300 nghìn bình luận...

Nội dung quay trên nền tảng số sẽ hỗ trợ đắc lực cho nền tảng sóng truyền thống. Tại VTV, quay phim phát trên nền tảng số vẫn được yêu cầu làm sao để các nội dung đó có thể sử dụng lại, được chắt lọc để có thể đưa vào các chương trình truyền hình có giờ cố định. Những nội dung sẽ được phân tích sâu hơn, thậm chí có thêm ý kiến chuyên gia để làm rõ hơn những nội dung đã đăng tải trên số.

Cùng với các đồng nghiệp tại VTV thực hiện nhiều chương trình phát sóng trực tiếp trên các nền tảng số, BTV Thư Hiền - VTV Digital cho biết: VTV là một đơn vị báo chí chính thống, chúng tôi đặc biệt quan tâm sản xuất những nội dung ở trên nền tảng số, vì thông tin cần phải đi đầu, đi nhanh và đưa những thông tin chính thống, đặc biệt là trong những vấn đề nóng của xã hội.

"Đội ngũ làm livestream breaking news như chúng tôi đều là những người làm truyền hình truyền thống, thực sự là không có một ai được đào tạo chuyên sâu về việc phát trên nền tảng số. Nhưng để thu hút khán giả tìm đến, ở lại lâu hơn, chúng tôi phải cố gắng tập livestream và qua từng bước, từng buổi tập chúng tôi vẫn có thể làm được. Như buổi livestream về vụ cháy nhà trọ tại phố Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội khiến cho 14 người thiệt mạng. Dù chỉ có một bạn phóng viên ở hiện trường nhưng phiên livestream đã có 6,4 triệu lượt xem và hơn 300 nghìn bình luận cho khoảng 30 phút livestream" BTV Thư Hiền lấy ví dụ.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nhận định: Hiện nay khán giả ở trên nền tảng số, vì thế chúng ta phải lên nền tảng số là để chúng ta tìm lấy những khán giả ngày mai của truyền hình và chúng ta cũng dần dần định nghĩa lại thế nào là truyền hình. Bây giờ không còn là truyền hình tuyến tính, không còn khái niệm là lúc nào khán giả cũng phải chờ đón xem chương trình nữa.

“Công nghệ số giúp chúng ta làm rất nhiều thứ, từ việc đơn giản hóa quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí mang tác phẩm truyền hình đến được với khán giả của mình. Cũng nhờ công nghệ số này mà chúng ta dễ dàng đánh giá, đo lường được lượng khán giả, và đó cũng là kết quả lao động thực tế để chúng ta hoàn toàn có thể hài lòng với những nỗ lực của mình”, ông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.

Lê Tâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/truyen-hinh-tren-nen-tang-so-la-de-tim-nhung-khan-gia-ngay-mai-post341672.html