'Truyền lửa' cho những điệu xòe
ĐBP - Nếu ví múa dân gian là một trong những nét đặc sắc văn hóa nghệ thuật miền Tây Bắc, thì múa xòe là 'linh hồn' của nền văn hóa Thái giàu bản sắc. Bảo tồn vốn quý ấy, những năm qua, bằng nhiều nỗ lực gìn giữ, phổ rộng, điệu xòe đã vượt ra khỏi cộng đồng người Thái, dần trở thành nét văn hóa đặc sắc, làm giàu cho nghệ thuật múa dân gian của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung, mảnh đất Mường Then nói riêng. Và những lớp truyền dạy nghệ thuật xòe Thái được mở ra thời gian qua, chính là nơi để 'truyền lửa' cho những điệu xòe…
Trong những bộ trang phục rực rỡ sắc màu, gần 300 học viên ở nhiều lứa tuổi cùng đoàn kết trong điệu xòe vòng.
Những ngày đầu tháng 7, tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh - nơi diễn ra lớp truyền dạy nghệ thuật xòe Thái, mỗi ngày đều đặn vang lên những câu hát “Ðiệu xòe, điệu xòe có tự bao giờ, mà vẫn mê say như thuở nào…”. Ghé thăm lớp học, giữa không gian âm nhạc dân tộc, trong nhiều trang phục rực rỡ sắc màu, gần 300 học viên ở nhiều lứa tuổi đang say sưa với những nhịp xòe.
Dưới sự hướng dẫn của bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Ðiện ảnh tỉnh và nghệ nhân dân tộc Thái Lù Thị Hiền, điệu xòe vòng được thực hiện nhịp nhàng theo hai bước chính và hai bước phụ. Những bước chân đưa lên, đưa xuống rồi dậm nhẹ theo nhịp điệu. Những cánh tay được nắm chặt vào nhau phụ họa cho từng bước chân lúc tiến, lúc lùi. Cứ như vậy, các động tác được lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi vòng xòe được chuyển động từ trái sang phải thì bước chân phải trước, dậm chân trái theo rồi lùi chân trái về, chân phải trở về dậm nhịp tại vị trí bên trái và ngược lại. Sự say sưa và miệt mài của cả người dạy và người học xóa tan mọi khoảng cách về không gian, thời gian.
Bước xòe ấn tượng, nhịp nhàng của các bà, các cô, các chú ở CLB văn nghệ người cao tuổi phường Na Lay (TX. Mường Lay) thu hút chúng tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Không còn sự khỏe khoắn, sôi nổi như lớp trẻ, song bước xòe từ những đôi chân “có tuổi” lại uyển chuyển, nhịp nhàng và toát lên khí chất, linh hồn của những điệu xòe Thái thực thụ.
Tranh thủ vài phút nghỉ giải lao, bà Lò Thị Lả, chủ nhiệm CLB tâm sự: “CLB chúng tôi có 20 thành viên, nhưng vì kinh phí hạn hẹp nên dịp này chỉ có 16 người về đây học, trong đó có 10 nữ, 6 nam. Xòe Thái đã gắn bó với chúng tôi từ xa xưa và trong các chương trình văn nghệ tổ chức ở địa phương chúng tôi đều biểu diễn, nhưng chủ yếu sử dụng 1 điệu xòe duy nhất là xòe ra - vào. Khi tham gia lớp học này, mọi người được tiếp cận với 6 điệu xòe cổ. Mặc dù khó hơn rất nhiều, nhưng vì đã quen với nhịp, bước cơ bản nên hầu hết mọi người đều nhanh chóng tiếp cận. Sau khi tiếp thu ở đây về, chúng tôi sẽ truyền dạy cho các thành viên còn lại và thế thệ trẻ, với mong muốn là trong tất cả các chương trình văn nghệ, dịp lễ, tết ở địa phương, tất cả mọi người đều có thể biểu diễn và thực hành xòe Thái”.
Bên cạnh sự thuần thục của những người đã nhiều năm gắn bó với các làn điệu dân gian của đồng bào Thái, chúng tôi cũng ấn tượng bởi sự vụng về đáng yêu của Lò Xuân Trường, bản Bánh, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên). Năm nay mới 14 tuổi, lại là con trai nên việc Trường theo học múa xòe, mà lại là xòe cổ thật sự khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Lý giải cho điều này, Trường hồn nhiên chia sẻ: “Việc em theo học ở đây không có gì lạ cả, vì cũng có nhiều người là nam giới, hoặc ít tuổi như em. Một người con của dân tộc Thái mà không hiểu về xòe, em nghĩ sẽ là thiếu sót lớn. Chính vì vậy em đã đăng ký học. Lúc mới đầu cũng bỡ ngỡ lắm, vì đúng là xòe cổ khó thật. Nhưng chịu khó quan sát, ghi nhớ và kiên trì đến khi mình đã hiểu về giá trị, có tình yêu và cả niềm tự hào đối với văn hóa Thái thì sẽ làm được”.
Học viên say sưa, uyển chuyển trong điệu xòe.
Ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh cho biết: Ðây là lớp truyền dạy nghệ thuật xòe Thái thứ 2 được tổ chức tại Ðiện Biên, với mục đích nhằm giữ gìn, phổ biến rộng rãi các điệu xòe cổ của cộng đồng dân tộc Thái đến với đông đảo cán bộ, quần chúng nhân dân trong toàn tỉnh. Năm 2019, đơn vị đã tổ chức thành công 1 lớp khởi điểm, với 150 học viên. Năm nay, lớp học được mở rộng hơn cả về quy mô và đối tượng tham gia. Không còn “gói gọn” trong các nghệ nhân và những người làm văn hóa, lớp học thu hút nhiều cán bộ đoàn, đội, giáo viên các trường phổ thông, chuyên nghiệp trong tỉnh; lực lượng vũ trang và đáng chú ý là người dân hiện đang sinh hoạt trong các câu lạc bộ, bản văn hóa trên địa bàn đăng ký. Thông qua lớp học, chúng tôi kỳ vọng sẽ giúp những người yêu văn hóa Thái nói chung tiếp cận và hiểu sâu hơn về các điệu xòe; đồng thời là cầu nối để xòe cổ được phổ biến rộng rãi hơn đến các tầng lớp, cộng đồng dân cư.
Cũng theo ông Cường, dự kiến từ nay đến cuối năm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có kế hoạch tổ chức một lớp khôi phục nghệ thuật xòe cổ tại huyện Tuần Giáo. Và chính những người hoàn thành chương trình học vừa qua sẽ là nhân tố chính, không chỉ góp phần hoàn thành kế hoạch mà còn tạo dựng hình ảnh đẹp cho cộng đồng dân tộc Thái nói riêng, mảnh đất Ðiện Biên giàu truyền thống văn hóa nói chung.
Ngoài ra, một trong những mục tiêu hướng tới để xây dựng cho hình ảnh du lịch địa phương hiện nay đó là các bản văn hóa. Thống kê cho thấy, hiện toàn tỉnh có trên 2.000 đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ, bản văn hóa. Thông qua việc truyền dạy cho đội ngũ này, xòe Thái sẽ được phổ rộng hơn, đặc biệt là với du khách gần xa, thông qua những hoạt động biểu diễn, phục vụ văn nghệ quần chúng. Ðể rồi, du khách khi dừng chân ở bất cứ bản văn hóa cộng đồng nào trên mảnh đất Mường Then, ngoài thưởng thức những món ăn độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Thái, thì những đêm xòe sôi động sẽ là điểm nhấn đầy ấn tượng. Khi màn đêm buông xuống, nơi bản nhỏ ven suối, ngọn lửa giữa sân nhà sàn được đốt lên bập bùng, các cô gái với mái tóc búi cao uyển chuyển trong áo cóm, váy nhung mời khách vui điệu xòe. Chỉ vài bước chân, cái nắm tay nhịp nhàng đã giúp du khách dễ dàng hòa mình vào cùng không gian văn hóa, đất trời Ðiện Biên, và say sưa trong dòng cảm xúc trải dài.