Truyền lửa để hát then, đàn tính vang mãi trên cao nguyên

Nghệ thuật hát then, đàn tính đang ngày càng lan tỏa sâu rộng ở Đắk Lắk và cả khu vực Tây Nguyên, với nhiều câu lạc bộ đã được thành lập, nhiều hoạt động biểu diễn được tổ chức ở các địa phương.

Đắk Lắk là vùng đất rất đa dạng về văn hóa truyền thống khi có gần 2 triệu dân của 49 dân tộc trên khắp các vùng miền của cả nước cùng sinh sống. Trong đó, khoảng 130 nghìn bà con dân tộc Tày và Nùng đã đóng góp cho xứ sở này điệu hát then dìu dặt và tiếng đàn tính réo rắt.

Nghệ thuật hát then- đàn tính đang ngày càng lan tỏa sâu rộng ở Đắk Lắk và cả khu vực Tây Nguyên, với nhiều câu lạc bộ đã được thành lập, nhiều hoạt động biểu diễn được tổ chức ở các địa phương.

Điệu hát then dìu dặt và tiếng đàn tính réo rắt đã góp thêm sắc màu văn hóa cổ truyền ở Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên

Điệu hát then dìu dặt và tiếng đàn tính réo rắt đã góp thêm sắc màu văn hóa cổ truyền ở Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên

Hát Then, đàn tính có sự tham gia, giữ gìn và tiếp nối của nhiều thế hệ trong mỗi tiết mục

Hát Then, đàn tính có sự tham gia, giữ gìn và tiếp nối của nhiều thế hệ trong mỗi tiết mục

Những bài Then cổ vẫn giữ được sự trang nghiêm, tái hiện không khí và hồn cốt lễ nghi

Những bài Then cổ vẫn giữ được sự trang nghiêm, tái hiện không khí và hồn cốt lễ nghi

Là đơn vị biểu diễn mở màn tại Liên hoan Nghệ thuật hát then - đàn tính thành phố Buôn Ma Thuột lần thứ 2 – năm 2024, Câu lạc bộ đàn tính – hát then thành phố Buôn Ma Thuột thể hiện 5 tiết mục gồm Pắc Pó Ba Đình, Bài then tặng mẹ, Trẩy hội Bản Đôn, Xuân Đắk Lắk và Cắp khoăn tơ hồng. Trong đó, Cắp khoăn tơ hồng là bài then cổ của người Tày thể hiện tâm tư của người mẹ cầu xin ơn trên nối duyên để con gái đi lấy chồng và có được cuộc sống êm ấm, hạnh phúc. Tiết mục "Bài then tặng mẹ" gây xúc động bởi phần trình diễn đầy cảm xúc, kết hợp hoạt cảnh kể về sự đợi chờ thầm lặng của người mẹ khi con ra chiến trường rồi ngất lịm khi hay tin con đã hi sinh để bảo vệ bình yên Tổ quốc.

Một số cách tân trong cách trình diễn hát then - đàn tính, kết hợp hoạt cảnh và thể hiện tính biểu cảm của lời hát

Một số cách tân trong cách trình diễn hát then - đàn tính, kết hợp hoạt cảnh và thể hiện tính biểu cảm của lời hát

Bà Luân Thị Mai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn tính – hát then thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ, những tiết mục này là thành quả sau thời gian tập luyện với sự trau chuốt trong từng chi tiết, câu từ: "Chúng tôi đã chuẩn bị cả một tháng nay rồi, lúc đầu là cho tập theo nhóm, tập xong là cứ một tuần gặp nhau 3 lần để sửa, bàn những bài nào phù hợp, sửa cho thật sạch sẽ những lời then, tiếng hát chỉnh chu để chuẩn bị cho hội diễn".

Lâm Đồng cũng là tỉnh Tây Nguyên có đông đồng bào Tày, Nùng sinh sống và nghệ thuật hát then, đàn tính đã phát triển từ nhiều năm nay. Cùng các thành viên câu lạc bộ hát then – đàn tính xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng tới Buôn Ma Thuột biểu diễn, bà Hoàng Thị Kim, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, bên cạnh những bài then cổ, hát then, đàn tính ở Tân Thanh bây giờ có nhiều bài được đặt lời mới phù hợp và mang tính thời sự. Đặc biệt, nhờ có các hoạt động biểu diễn, giao lưu như Liên hoan hát then, đàn tính ở thành phố Buôn Ma Thuột lần này, các thành viên được biết thêm nhiều bài then mới, làm phong phú thêm hoạt động của câu lạc bộ.

Bà Kim nói: "Tôi thấy vui, thấy tiết mục nào cũng hay, nhiều ý nghĩa. Tôi muốn là người cùng quê với nhau vào đây để gặp gỡ, để cùng giao lưu, để làm quen, học hỏi, trò chuyện và hát hò cho vui. Các chị em cũng đam mê, cùng đến tụ tập với nhau và đến bây giờ lập nhóm, đi đâu biểu diễn là mấy chị em rủ nhau đi".

Tiết mục hát then - đàn tính do các "nghệ nhân nhí" biểu diễn

Tiết mục hát then - đàn tính do các "nghệ nhân nhí" biểu diễn

Một điều ấn tượng trong liên hoan lần này là sự xuất hiện của các “nghệ nhân nhí” nhỏ tuổi nhưng đã biết đàn hát khá tốt. Cháu Dương Bảo Châu, 9 tuổi, ở thành phố Buôn Ma Thuột, là một trong 2 thành viên nhỏ tuổi nhất của đơn vị Buôn Ma Thuột, góp mặt trong 2 tiết mục dự thi tại liên hoan.

Dương Bảo Châu kể: "Con thích làn then một bà nội nên con mới học, bà dạy con đánh đàn. Những lời then mang lại cho con một niềm vui, con rất thích. Con sẽ biểu diễn cho mọi người xem bài hát then của dân tộc con".

Theo đánh giá của ban tổ chức, dù có một số cách tân, hát then ở các câu lạc bộ dự liên hoan vẫn giữ được sự trang nghiêm, tái hiện không khí và hồn cốt lễ nghi của bài then. Nhiều đơn vị có sự sáng tạo trong trình diễn, có các động tác thể hiện được tính biểu cảm của lời hát, có sự kết hợp các thế hệ trong từng tiết mục. Điều đó cho thấy hát then đàn tính vẫn được gìn giữ, phát huy trong đời sống cộng đồng.

Bà Phạm Thị Hải Bình, Phó trưởng ban tổ chức Liên hoan, cho biết: "Các đơn vị đăng ký tham gia mang rất là nhiều hình thức biểu diễn và nội dung cũng rất là phong phú. Cũng mong muốn từ những liên hoan đàn tính hát then này thì bà con cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Thái trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột cũng sẽ bảo tồn và phát huy văn hóa, bản sắc dân tộc mình. Đồng thời gắn với phát triển du lịch để tạo nguồn kinh tế cho gia đình và cho địa phương".

Nghệ thuật hát then - đàn tính được truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ tiếp nối, giữ mạch

Nghệ thuật hát then - đàn tính được truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ tiếp nối, giữ mạch

Liên hoan Nghệ thuật hát then - đàn tính thành phố Buôn Ma Thuột lần thứ 2 cùng nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật này ở các địa phương khu vực Tây Nguyên, là dịp để cộng đồng người Tày, Nùng ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung tiếp tục giới thiệu quảng bá về Di sản văn hóa của dân tộc mình. Điều này góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật cũng như truyền lửa để tạo nên đội ngũ kế cận tiếp tục gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này cho thế hệ mai sau, làm đa dạng thêm bức tranh văn hóa cổ truyền ở Đắk Lắk và cả khu vực Tây Nguyên.

H Xíu/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/truyen-lua-de-hat-then-dan-tinh-vang-mai-tren-cao-nguyen-post1082779.vov