Truyện ngắn: Ấm tình nẻo xa

Phan vân vê vỏ bao thuốc trên tay. Mọi lần hết thuốc là hắn đã băng sang tiệm tạp hóa bên kia đường mua, hôm nay lạ.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

- Biết rồi! Mai ứng rồi gửi!

Phan đáp cộc lốc vậy rồi tắt máy. Cái giọng cộc cằn, có vẻ dửng dưng, không quan tâm gì đó của hắn không che được sự lo lắng đang hiện rõ trên khuôn mặt, nhất là đôi mắt.

Đôi mắt Phan len lén nhìn về phía chủ thầu đang ngồi tựa lưng vào chiếc ghế đá đặt dưới gốc cây lộc vừng trổ hoa. Ông ta vừa lướt điện thoại, vừa hút thuốc. Làn khói thuốc trắng đục luẩn quẩn trước mặt rồi tan nhanh. Phan chợt thấy nhạt miệng, hắn chép chép vài cái rồi đưa tay sờ lên túi áo ngực móc ra bao thuốc.

Rỗng không.

Phan vân vê vỏ bao thuốc trên tay. Mọi lần hết thuốc là hắn đã băng sang tiệm tạp hóa bên kia đường mua, hôm nay lạ. Trong đầu hắn còn bận nghĩ đến món tiền mười hai triệu mà vợ hắn vừa gọi điện báo. Đó là khoản tiền học phí kì ba phải nộp cho con gái. Con mới vào học được nửa năm hắn đã xíu líu. Đó là con gái còn đi làm thêm để thêm vào trang trải sinh hoạt.

Dù con có nói công việc không nặng nhọc gì nhưng hắn cũng thấy đau lòng lắm, còn cả hổ thẹn nữa. Hắn làm cha mà không lo nổi cho con đến nơi đến chốn. Nhưng hắn chỉ để trong lòng, chưa bao giờ nói ra.

- Ê Phan! – chủ thầu ngoắc tay gọi Phan sang – Làm gì mà ngồi thần ra như người mất sổ gạo thế? Nhớ vợ à?

Phan ngồi xuống ghế đá đối diện, tay gãi gãi đầu, cười cười.

- Làm điếu! – chủ thầu đẩy bao thuốc về phía Phan – Tao còn lạ gì. Thằng đàn ông nào đi làm ăn xa mà chẳng nhớ vợ. Mày không nghe người ta nói à? Bốn chín ba sáu. Tầm đầu bốn, ba tuần cũng phải làm sáu nháy. Vậy mà đây đi cả tháng chưa được nháy nào, nhớ là chuyện thường. Mày thấy mấy quán cà phê đèn mờ phía bờ sông không? Là để bọn đực rựa đi làm ăn xa hoặc tụi xế đường dài tới để giải quyết nỗi nhớ đấy. Xa nhà mà, tiền trao cháo húp, có gì đâu phải xoắn. – Chủ thầu ngửa cổ, phả khói thuốc – Mà mày cũng hiền thật. Chưa bao giờ tao thấy mày đi vào mấy chỗ đó. Hay mày liệt con mẹ nó rồi!

- Anh cứ nói đùa! – Phan lại gãi đầu gãi tai.

- Người ta cứ nói con cái là sợi dây kết nối vợ chồng với nhau. Nhưng tao không tin, tất cả chỉ là lí thuyết thôi, cái lí thuyết màu hồng che đậy cái nhu cầu phàm tục nhưng rất thật bên trong mà người ta vì ngại ngùng hoặc sĩ diện hoặc cổ hủ mà không dám nói ra. Mày thừa nhận với tao chuyện đó không?

Phan không đáp, chỉ cười cười. Điếu thuốc vẫn đang cháy dở. Hắn dè dặt đưa lên miệng, rít một hơi rồi bỏ ra. Khói thuốc vẫn đang ngậm lại, kiểu như hắn muốn nhốt làn khói ấy trong khoang miệng, để nó len lỏi mọi ngóc ngách trước khi thả ra ngoài bằng một cái mở miệng hững hờ.

- Thiếu gì những cặp vợ chồng ra tòa li dị chẳng có mâu thuẫn gì, cứ bảo là không hợp. – Chủ thầu vẫn thao thao – nhưng mày biết không hợp gì không? Là chuyện đó chứ không hợp gì nữa. Không đáp ứng được cho nhau, thì thôi, anh đi đường anh, tôi đi đường tôi; tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi. Tao lạ quái gì chuyện đó.

- Anh rành quá ha? – Phan nói một câu đưa chuyện nhưng nghe nhạt thếch bởi đầu hắn còn đang nghĩ đến chuyện khác.

Ngày còn theo chủ thầu ở quê, dù sáng đi tối về thì chuyện ấy của vợ chồng Phan cũng thất thường như bữa cơm hôm có thịt hôm không. Có khi đi làm về mệt, hai vợ chồng chẳng thiết tha gì, sau bữa cơm tối, dọn dẹp xong là vợ chồng lại lăn ra ngủ, mai còn đi làm sớm.

Có hôm xong chuyện, tưởng có thể chìm ngay vào giấc ngủ nhưng nghe tiếng thở dài thườn thượt của vợ nhẩm tính tiền học cho con, tiền điện nước, tiền ma chay, cưới hỏi,… thành ra cái đầu lại tỉnh như sáo. Trong đầu lại nghĩ làm sao để vợ con bớt khổ. Rồi Phan quyết định đi làm công trình xa, cực hơn nhưng đồng tiền kiếm được cũng khá hơn.

- Mày hôm nay lạ lắm. Chắc chắn có chuyện gì phải không Phan? – chủ thầu hỏi khi thấy Phan mơ màng – Có chuyện gì mày nói coi, xem tao có giúp gì được không?

- Dạ, thực ra…

- Mẹ kiếp, mày có phải thằng đàn ông không vậy? Có gì cứ nói toạc ra, cứ ấp a ấp úng như gái mới về nhà chồng vậy!

Kỳ thực cái tính vốn cộc cằn của Phan giờ này biến đâu mất tiêu. Hắn không thể nào đâm ba xổ thẳng khi bản thân đang muốn đi nhờ vả người ta. Mà nhờ đâu phải lần đầu. Hắn ngại. Vì ngại nên mới ấp úng mãi như vậy. Thực sự Phan không biết mở lời như nào cho phải.

- Anh Nhân cho em ứng trước tiền lương được không? – Phan lí nhí.

- Mày nói gì đó Phan? Ứng trước lương á? Đù má, vừa phải nha mày, làm tháng mới được hai ngày đó nha mày. Tháng trước cũng mới làm được tuần mày đã ứng rồi. Sao mày không ứng luôn cả công trình đi.

 Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

- Dạ, tại… tại vì… em kẹt quá!

- Mịa, mày nghĩ chỉ riêng mày kẹt à? Mày nghĩ sao mới làm hai ngày đã ứng. Rồi thằng nào cũng như mày, tao đến bỏ nghề.

Im lặng. Phan chẳng còn biết nói sao nữa. Cái mặt cũng không dám ngẩng lên. Đôi mắt hắn dính chặt lấy điếu thuốc đang cháy dở còn kẹp trên tay, bàn tay để trên đùi bỗng trở nên nặng trình trịch.

Hai vợ chồng Phan đều ít học. Nhà có mấy sào ruộng, cấy trồng chẳng đủ miệng ăn. Nên hắn đi làm phụ hồ. Mùa đến thì nghỉ gặt lúa cùng vợ. Còn lại cỏ giả, nước non vợ ở nhà lo. Hắn theo những công trình, nơi nào có việc thì đi. Hắn thấm thía cảnh khổ cực, nhọc nhằn nên gắng làm lụng nuôi hai đứa con ăn học. Chỉ cần con được học, khổ mấy hắn cũng chịu.

Vợ Phan ở nhà, ngoài chăm mấy sào lúa thì nhận hàng về may. Từ sáng sớm, khi con gà trống còn chưa cất tiếng gáy gọi ngày mới, tiếng máy may chạy xoèn xoẹt, xoèn xoẹt đã vang lên bên nhà Phan. Rồi đến khi đứng dậy nấu cơm nước, cái lưng muốn gẫy luôn, chị ta đi cong cong người, nửa thân trên đổ về phía trước. Vậy nhưng chỉ sau nửa tiếng nghỉ trưa, tiếng máy may lại vang lên xoèn xoẹt, xoèn xoẹt cho đến chiều tối, đến đêm.

Phan thấy vợ như vậy cũng thương lắm. Nhưng biết làm sao. Bởi vậy, những khi không có việc, Phan ở nhà cũng phụ vợ cắt chỉ, lộn hàng, vắt sổ, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước. Hắn làm tất, chẳng nề hà chuyện gì.

Con gái đỗ đại học, một trường có tiếng hẳn hoi tít tận Sài Gòn, Phan hãnh diện lắm. Con rồi sẽ thoát cảnh đầu tắt mặt tối suốt ngày nhưng vẫn chẳng đủ ăn như ba mẹ nó. Con rồi sẽ có cuộc sống đỡ vất vả, chí ít không phải chân lấm tay bùn, ăn bữa nay, lo bữa mai, ráo mồ hôi là hết tiền.

Phan mừng nhưng cũng lo. Hắn đã hỏi dò trước cả rồi. Học phí mỗi kì hơn mười triệu; tiền trọ, tiền ăn, chi phí nọ kia, tằn tiện mỗi tháng cũng bay năm triệu. Vợ hắn làm may, lúc thì làm không kịp hàng nhưng cũng có khi nghỉ chơi dài vì hàng đứt. Hắn đi phụ hồ cũng lúc có việc, lúc không. Bấp bênh.

Còn thằng con trai vừa đỗ cấp ba cũng đủ các thứ phải chi nữa. Chỉ nghĩ thôi đã khiến hắn mất ngủ, đêm nằm mắt cứ mở thao láo nhìn vào bóng tối bao trùm khắp căn phòng mà nghe thạch sùng tặc lưỡi. Phan nghe trong im lặng thấy vợ thi thoảng lại lén thở dài biết là vợ chưa ngủ. Hắn vòng tay ngang eo vợ nói nhỏ:

- Chắc tôi xin theo công trình của anh Nhân đấy.

- Thầu Nhân toàn làm xa.

- Xa nhưng đều việc, mới có tiền. Chứ cứ ở nhà thế này đói dài răng.

Thế là hôm sau Phan đi. Đúng là vợ chồng xa nhau nhiều cái khổ, nhất là chuyện đó. Nhưng bù lại có tiền. Cứ cuối tháng Phan lại mang về cho vợ được một khoản kha khá từ mười đến mười hai triệu. Cỡ đó ngon rồi. Thêm vợ làm may nữa. mỗi tháng cũng mười lăm, mười bảy. Hai đứa con ăn học, chi tiêu này nọ. Ổn. Nhưng tháng trước thằng con trai đi học bị tai nạn, gãy chân. Mất cả mớ. Vợ hắn lại phải đưa đón đi học, hàng may chẳng được bao nhiêu. Hắn phải ứng tiền thầu. Tháng này, con gái nộp học phí kì ba. Cực chẳng đã chứ hắn nào muốn hỏi vậy đâu. Đành muối mặt lần nữa.

- Con gái em cần tiền đóng học phí kì hai. Kẹt quá em mới nhờ anh chứ em cũng biết…

- Biết mà mày vẫn hỏi đó thôi! – Thầu Nhân bực dọc cắt lời Phan rồi đứng lên bỏ đi chỗ khác.

Phan ngồi im lặng như pho tượng đá, đến hơi thở cũng như ngừng lại, chỉ có điếu thuốc vẫn âm ỉ cháy. Đến khi thầu Nhân đứng trước mặt, giọng lạnh tanh chìa sấp tiền ra trước mặt, Phan mới sực tỉnh. Thầu Nhân nhát gừng:

- Tiền này của tao, cho mày mượn chứ không phải tiền ứng làm. Mười triệu. Mỗi tháng lấy lương trả lại tao năm triệu.

Khuôn mặt Phan từ ngơ ngác vì bất ngờ rồi chuyển sang vui mừng sung sướng. Phan cầm lấy tiền, cầm luôn bàn tay của thầu Nhân siết chặt.

- Em cảm ơn anh nhiều lắm…

- Thôi, ơn huệ gì. Đời mà, ai chẳng có lúc ngặt.

Thầu Nhân nói xong, lững thững đi về phía công trình đang xây dở.

Phan vui mừng nhắn tin cho con gái, nhắc nhở con lo học hành, giữ sức khỏe và không quên bảo con là ngày mai ba sẽ chuyển tiền để con nộp học. Phan nhắn luôn cho vợ yên tâm, đã có tiền gửi cho con gái, lúa cứ để chín già hãy gặt.

Phan tắt máy, thở ra nhẹ bẫng, nhìn về phía thầu Nhân đang ngửa cổ, lặng lẽ đốt thuốc phía dãy nhà đang xây dở. Tự nghĩ, cuộc đời luôn có những bất ngờ, có khi nhìn vậy mà chưa chắc đã vậy, một con người cục cằn chưa hẳn bên trong không ấm áp.

Trương Thị Thúy (Giáo viên Trung tâm GDNN – GDTX Tuy Phước, Bình Định)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-am-tinh-neo-xa-post713927.html