Truyện ngắn: Chỉ là bạn thôi
An giơ tay che nắng chói, cũng vờ che để khỏi thấy Lâm đang đứng góc vườn, hẳn anh nghe câu chuyện của An với bà nội. An hơi cười, ừ, chỉ là bạn thôi.

Tranh minh họa
Phú ngồi đối diện, áo quần bảnh bao, nhìn bộ dạng giống người có tiền, thêm cái xe bốn chỗ trắng tinh đậu bên cạnh cho thấy là người có rất nhiều tiền. An bĩu môi sau ly trà, Phú ngồi một lúc mà cả làng đã biết tin "người yêu con bé An ở thành phố về", người ta nói Phú hệt con két nhà chú Hưng nhưng lại xứng đôi với An. Rằng người như Phú mới lọt vào mắt An, còn đám trai làng thì thôi đừng mơ.
Người ta nói mò mà đúng, An với Phú có thời gian có thể gọi là qua lại nhưng đã chấm dứt hơn một năm trước. Khi thành người dưng, An cũng không hiểu sao mình lại chấp nhận Phú được.
Lần này về, Phú cố tình nhập nhèm chuyện tư vào chuyện công nhưng An từ chối. An nói thẳng nếu bàn công việc thì bàn tiếp, còn không thì đi cho sớm. Phú có vẻ tức giận nói An "chưa ra khỏi vòng đã cong đuôi", thế mà vẫn ngồi lại.
Tối Phú ngủ lại dưới thị xã, sáng sớm đánh xe vào làng, lại rộ lên tin đồn An sẽ theo người ta về thành phố, có khi sẽ đưa bà ngoại đi cùng. Người như An làm sao có thể ở lại làng quê buồn tẻ này được.
An nghe người ta xì xào, có chút thấp thỏm, nửa muốn Lâm không nghe, nửa muốn Lâm biết, lại tò mò không biết Lâm sẽ có thái độ gì. Vẫn kiểu cười nhẹ nhìn từ trên cao nhìn xuống hay sẽ lo lắng, nhấp nhổm?
Lâm là người đầu tiên An gặp khi về làng. An xuống tàu, gặp bà nội Lâm ở ga, hỏi thăm mới biết người cùng làng. Sẵn kêu xe, An nói bà đi chung cho khỏi gió bụi. Bà vui vẻ đồng ý, mặc kệ thằng cháu vừa chạy tới.
Trên đường về, Lâm chạy theo xe, An có cảm giác Lâm đang kiểm tra xem An nói thật hay dối, có biết đường về nhà không. An đã buồn cười, nếu An không nhớ, đã có bà nội ngồi cạnh, Lâm thử kiểu gì. Cảnh giác như Lâm cũng tốt, bởi trước giờ bà ngoại ở một mình, nay bỗng mọc ra cháu ngoại, ai chẳng đề phòng.
Biết An sẽ về ở luôn với bà ngoại, Lâm nhiệt tình hướng dẫn An làm giấy tờ, đánh tiếng xin việc hộ. Bà ngoại muốn sửa lại mái buồng lấy chỗ cho An ở, Lâm gọi đám bạn đến giúp, nói An cần đi đâu Lâm đưa đi.
An thấy anh chàng thật thà và ngốc nghếch, ngày nào cũng gọi điện chỉ hỏi hôm nay ăn gì, đi những đâu, có quen không. Cứ chiều chiều lại ghé và mang gì đó sang, chỉ là mấy củ khoai, quả ổi, còn nói bà nội ép mang sang. An hiểu hết, chỉ cười.
An thả mùng, nhìn điện thoại mới nhớ mấy nay Lâm không gọi, không nhắn cho An, hẳn Lâm cũng nghĩ giống thiên hạ, thì Phú bảnh bao quá mà, lại xe hơi.
- Anh đang làm gì?
- Không làm gì hết. Đang ngồi cà phê. Em ngủ chưa, tôi đến đón em?
- Tôi chuẩn bị ngủ rồi.
- Vậy nói chuyện được không?
An cảm giác Lâm đang đấu tranh, muốn biết gì đó nhưng lại không chịu hỏi. An kéo cái chăn mỏng đắp ngang người.
- Phú là bạn trai cũ của tôi. Ngày trước Phú là sếp, chúng tôi làm việc với nhau khá hợp. Sau đó mới biết anh ấy có vợ chưa cưới. Nay Phú với cô kia chấm dứt rồi.

Ảnh minh họa
An kể chuyện mình mà như đang kể chuyện của ai, mối quan hệ hơn bình thường gần một năm, cộng thời gian chia tay hai năm mà gói chưa đầy bốn mươi chữ.
- Sao anh không nói gì?
- Em nói hết rồi còn gì.
- Thì anh hỏi tôi còn tình cảm với người ta không, có định quay về thành phố không?
Bên kia im lặng, An nhận ra Lâm không dám hỏi, có khi nào anh sợ nghe câu trả lời. Sợ An nói thành phố mới là nơi An thuộc về, rằng An vẫn thích anh chàng kia.
An về làng cũng gần nửa năm, mọi thứ không quá thuận lợi nhưng đều có Lâm tham gia, giúp đỡ. Thậm chí, anh còn nghĩ xa hơn, lo lắng nhiều hơn An. Đôi lúc, An thấy mình đang lợi dụng anh. Anh đưa ra thứ gì, An nhận lấy không chút lăn tăn.
Nghe nói trong làng có cô gái thích Lâm mấy năm nay, bà ngoại và mẹ Lâm đều thích, Lâm lại nói ai thích cưới thì cưới. An về, Lâm xoay mòng mòng, người ta nói Lâm bị An dắt mũi, Lâm cười "chỉ sợ người ta không thèm dắt".
Lâm là người làng, người ta bênh vực Lâm hơn, ai cũng nghĩ An thuộc về thành phố, gì mà "người như thế về quê chỉ để đổi gió".
Người ta bênh vực Lâm, nói An đang đùa giỡn, lợi dụng anh. An im lặng, tự mình thu vén cho mình, cho bà. Nếu không cần gấp, An sẽ không phiền Lâm. Mấy lần sang nhà chơi, An cảm giác được mẹ và bà nội Lâm không hoan nghênh mình.
Mẹ Lâm hay nhắc đến tên Lan. Lan học sau Lâm hai khóa, là cô gái làng ngoan hiền, làm ở trạm y tế. An có gặp Lan, lần đầu còn ngẩn người nghĩ người đẹp như tên. Còn có chút bực và hiểu suy nghĩ của mẹ, của bà nội khi Lâm cứ luôn thờ ơ.
Cũng từng có mối quan hệ trên mức bình thường với người khác, An hiểu không phải cứ muốn là yêu được. Và không phải cứ né là tránh được. Cái duyên đưa người đến gặp người, nhưng cái nợ mới làm người và người gắn kết.
***
Sáng chủ nhật. An xách giỏ đi chợ. Chợ cách nhà hai cây số, đi về thành bốn cây, coi như tập thể dục. Mua xong những thứ bà ngoại dặn, cái giỏ đầy rồi mà An còn tiếc thúng ổi mướt mắt. Lâm trờ tới, đạp chân chống xe, nhấc cái giỏ.
- Mua ít thôi, chiều tôi chở em đến vườn cho em tha hồ hái.
An nghe lời, chỉ lấy mấy quả. Trước khi nổ máy, Lâm còn hỏi An ăn sáng chưa, nay mua gì mà nhiều thế, xách được về đến nhà không?
- Tôi biết là anh sẽ đến - An cười, thấy hai vành tai Lâm đỏ hồng. Lâm là thế, không biết ác, có giận cũng chỉ tự mình giấu cho mình biết. Chỉ cần An lên tiếng, có khi An chưa kịp lên tiếng, Lâm đã có mặt.
Tối đó, bà ngoại đau bụng, An nói đi bệnh viện nhưng bà không chịu. Đến gần sáng đau quá, bà mới đồng ý đi. An gọi taxi trong làng, người ta không nghe máy. An về quê nên đã bán xe máy cho đồng nghiệp, chỗ làm cách làng hơn cây số, An thường đi bộ. Giờ taxi không gọi được, An hơi hoảng, bà ngoại mồ hôi túa ra.
An gọi Lâm, hồi chuông thứ hai, anh đã nhấc máy. Nghe giọng Lâm "Có chuyện gì, bình tĩnh nói, tôi ở đây!" An cảm thấy nhẹ người, tự dưng nước mắt cứ thế rơi. Chưa đầy mười phút, Lâm chạy tới, nói An nín khóc, chịu khó ngồi sau ôm bà, đi đêm thế này có gặp công an hay dân phòng chắc cũng được thông cảm.
Bà ngoại bị rối loạn tiêu hóa phải ở viện theo dõi. Ngày bà ra viện, anh chàng taxi cũng kẹt khách đi sân bay, nói An gọi tạm xe ngoài. Lâm dìu bà còn lẩm bẩm chắc phải mua cái ô tô, nhà có người già, những lúc thế này biết kêu ai.
***
Phú lại về, lần này quen đường quen ngõ xộc thẳng đến nhà, còn xách theo túi lớn túi nhỏ. An trả lại những túi giấy vào xe:
- Nếu anh về vì công việc thì ra quán cà phê ngồi, còn không phải thì đừng làm phiền bà ngoại. Anh đang làm những chuyện khiến tôi không muốn tiếp tục hợp tác.
Phú nhìn An, cái nhìn khiến An cảm giác mình là con mồi đang đứng trước người thợ săn:
- Nghe nói em không được nơi này chào đón. Em cố bám víu làm gì. Em lên thành phố đi, anh sẽ lo cho em đầy đủ, mình đưa bà theo cùng, bà sẽ có cuộc sống đủ đầy thoải mái hơn.
- Tôi chưa có ý định đi khỏi đây, mà có đi cũng không làm phiền anh.
Trong phút chốc, An định gọi cho Lâm. Rồi An lại cất điện thoại đi, An không muốn làm anh khó xử, nếu đã biết không được, sao cứ phải cố làm gì. An có khi chỉ là chút mới mẻ khiến Lâm bị thu hút, thà cứ là bạn bè còn hơn đẩy nhau vào cảnh khó gặp mặt nhau.
An nghe người ta nói thời gian gần đây Lâm khác, Lan thôi không đến nhà Lâm nữa. Nhìn cô ấy buồn bã hẳn, người ta xâu chuỗi thời gian và nói từ ngày An về, nhiều thứ đã thay đổi. Bà ngoại giận dữ, An im lặng, thôi không trả lời những tin nhắn, cuộc gọi của Lâm nữa.
***
Bà ngoại nấu nồi xôi đậu xanh, nói An mang biếu mấy bà bạn già trong làng, An hiểu bà đang muốn An gặp nhiều người hơn, chuyện trò thăm hỏi nhiều hơn. Về làng đã nửa năm nhưng An chỉ biết sáng đi làm, chiều về nhà và ở rịt bên cạnh bà.
Bà nói tuổi trẻ cần phải sôi nổi, hoạt bát và tỏa sáng. Bà kể ngày còn trẻ, bà không xinh nhất làng nhưng được nhiều người quý mến vì tính xởi lởi vui vẻ.
An đến nhà Lâm, tính về ngay nhưng lại bị bà nội kéo lại. Bà nội thở dài:
- Con đừng giận bà, đừng giận mẹ thằng Lâm. Bà với mẹ nó cứ nghĩ mình đang làm điều tốt cho con cháu mà không chịu hỏi con cháu mình nghĩ gì, không chịu hiểu con cháu mình cần gì.
- Bà ngoại với bố mẹ con cũng vậy mà, con không nghĩ gì đâu ạ.
- Dạo này bà thấy nó kém vui. Hỏi thì nó nói con vẫn vậy, vẫn bình thường. Làm sao mà bình thường được. Anh đi ô tô về nhà con, là thế nào với con thế?
An cười:
- Dạ là đồng nghiệp thôi ạ, cũng như với anh Lâm, tụi con chỉ là bạn bè.
An chào về, bà nội còn tần ngần nhìn theo. Hẳn bà để ý đến từ "bạn bè" của An. Con ngõ nhà Lâm ngược sáng, đi gần hết con ngõ mới thấy mặt trời bắt đầu ló lên rạng ngời. An giơ tay che nắng chói, cũng vờ che để khỏi thấy Lâm đang đứng góc vườn, hẳn anh nghe câu chuyện của An với bà nội.
An hơi cười, ừ, chỉ là bạn thôi.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/truyen-ngan-chi-la-ban-thoi-20250505152126125.htm