Cuộc đời nghiệt ngã của người phụ nữ đơn thân khuyết tật, sống nhờ mẹ 60 tuổi
Chị Nguyễn Thị Thúy bị liệt toàn thân, trí tuệ khiếm khuyết, nay mắc thêm nhiều bệnh hiểm nghèo khiến gia đình kiệt quệ.
Bà Mến túc trực chăm sóc con gái bệnh tật.
Nằm bất động trong phòng điều trị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khuôn mặt chị Nguyễn Thị Thúy (33 tuổi) liên tục nhăn nhó chống chọi lại những cơn đau quặn thắt. Đôi mắt chị vô hồn, chăm chăm nhìn lên trần nhà như thể cố tìm tia hy vọng nào đó giữa hành trình u tối.
Chị Thúy sống cùng mẹ và con trai trong căn nhà nhỏ thuộc tổ dân phố Chùa Thành, phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang.
Khi mới một tháng tuổi, cơn sốt cao kèm co giật đã cướp đi sức khỏe và tương lai của chị. Chị không còn khả năng vận động, cũng không biết nói. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ - bà Thân Thị Mến. "Trí tuệ của Thúy mãi mãi chỉ như đứa trẻ 6 tuổi", bà Mến lau nước mắt.
Cách đây 10 năm, bi kịch một lần nữa giáng xuống gia đình bà Mến. Chị Thúy phát hiện mang bầu. Gia đình không có lựa chọn. Đứa trẻ chào đời, lớn lên trong sự thương xót và lo toan không dứt của bà ngoại.
Đến nay, con trai chị học lớp 4, không có cha, mẹ không thể chăm sóc, mọi yêu thương đổ dồn lên đôi vai gầy guộc của bà Mến - người phụ nữ mất chồng vì ung thư - giờ lại gồng mình làm chỗ dựa duy nhất cho con gái và cháu ngoại.

Hình ảnh Thúy trước phẫu thuật cắt túi mật.
Suốt những năm qua, cuộc sống của gia đình bà là chuỗi ngày tăm tối. Thân thể bất động, tâm trí thơ dại, chị Thúy chỉ biết nằm im, nhiều khi thốt ra vài tiếng nhưng không ai hiểu rõ chị muốn gì. Thấy người lạ hay đám đông, chị lại co rúm người, ánh mắt hoảng loạn như thể đang bị đe dọa bởi chính ký ức hãi hùng từng trải qua.
Trước kia, bà làm bảo vệ còn có chút đồng ra đồng vào. Nay con gái đổ bệnh triền miên, bà đành nghỉ việc để theo con chạy chữa. Cuộc sống khốn khó, nay lại càng bế tắc.
Tháng 9 năm ngoái, chị Thúy kêu đau bụng dữ dội. Không có tiền, bà Mến chỉ biết mua vài viên thuốc giảm đau cầm chừng. Gần đây, cơn đau tái phát dữ dội, nhập viện Bệnh viện Việt Đức. Bác sĩ chẩn đoán chị bị tắc sỏi mật, cần phẫu thuật cắt túi mật, lấy sỏi ở ống mật chủ. Vừa mổ xong, chị lại có dấu hiệu suy thận, phải chuyển sang khoa Thận để chạy thận lọc máu.
Đang điều trị thận, chị xuất hiện ban đỏ toàn thân. Xét nghiệm dương tính với đậu mùa, chị lập tức được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. “Tôi không sợ khổ, chỉ sợ con không chịu nổi nữa”, người mẹ nói.
Những ngày tới, sau khi điều trị đậu mùa, chị sẽ được đưa trở lại Bệnh viện Việt Đức tiếp tục lọc máu. Những chặng đường chuyển viện dài dằng dặc, chi phí chồng chất vắt kiệt đồng tiền cuối cùng mà bà Mến đi vay mượn.
“Lúc đầu đi viện tôi vay được 10 triệu đồng, giờ chẳng còn gì. Nhà nghèo, không ai thân thích, không biết nương cậy vào ai”, bà Mến nói trong tiếng nấc. Trong túi bà chỉ còn vài chục nghìn, không đủ để mua suất ăn tối. Bữa cơm trong viện thường là gói mì tôm chan nước nóng, còn phần cháo bệnh nhân thì dành hết cho Thúy.
Ở quê, đứa cháu trai được bà Mến gửi nhờ nhà hàng xóm. Mỗi đêm không thấy bà ngoại, bé lại khóc ngằn ngặt không ngừng. “Cháu chỉ mong mẹ khỏi bệnh, nhanh được về nhà để ôm vào lòng. Nhưng tôi biết ước mơ ấy xa vời…”, bà Mến nghẹn giọng.

Bà Mến túc trực bên giường bệnh của con gái.
Mỗi lúc nhắc đến viện phí, bà gần như tuyệt vọng, chỉ biết khất lần rồi gục đầu vào tường khóc. Người phụ nữ 60 tuổi chịu quá nhiều mất mát, nhưng không được phép gục ngã. Bà biết, nếu bản thân ngã xuống, con gái nằm kia và đứa cháu ở nhà sẽ không còn nơi bấu víu, "sinh mệnh nghiệt ngã của cả gia đình gắn chặt lấy nhau".
Ba con người, ba thế hệ không mong gì nhiều, chỉ cần một bàn tay dang ra nắm lấy giữa lúc tuyệt vọng. Một suất cơm, một tấm chăn, một khoản hỗ trợ dù nhỏ cũng có thể là ánh sáng le lói cứu số phận đã quá nhiều lần bị vùi dập.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Nhung, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết các nốt thủy đậu trên cơ thể bệnh nhân Thúy đã khô và đóng vảy. Tuy nhiên, bệnh nhân đang đối mặt với tình trạng nhiễm trùng ổ bụng sau mổ cắt túi mật, lấy sỏi ống mật chủ. Để kiểm soát nhiễm trùng, các bác sĩ phải bơm rửa dịch mủ hàng ngày qua dẫn lưu Kehr (dẫn lưu ống mật chủ) và sử dụng kháng sinh phổ rộng.
"Diễn biến nhiễm trùng khá phức tạp. Nếu tình trạng không cải thiện, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật nội soi để làm sạch và sát khuẩn ổ nhiễm trùng", bác sĩ Nhung nói. Hiện bệnh nhân được rút ống thở nội khí quản, chuyển sang thở máy không xâm nhập. Tuy nhiên, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân có vấn đề tâm thần, không hợp tác với nhân viên y tế.
Ông Nguyễn Văn Cường, tổ trưởng tổ dân phố Chùa Thành xác nhận, hoàn cảnh của gia đình bà Mến là trường hợp khó khăn tại địa phương. “Chúng tôi vẫn hỗ trợ hàng tháng theo chính sách người khuyết tật, nhưng bệnh tật dồn dập, đi viện tuyến trung ương thì chi phí vượt quá khả năng”, ông Cường chia sẻ. Ông mong muốn thông qua truyền thông, các nhà hảo tâm có thể chung tay giúp đỡ để mẹ con Thúy vượt qua cơn hoạn nạn.
Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả cho gia đình chị Nguyễn Thị Thúy xin gửi về số tài khoản 1053494442, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội.
Nội dung xin ghi rõ: Giúp đỡ 25020
Hoặc quý độc giả có thể quét mã QR code.
Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến cho nhân vật sớm nhất.
Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email toasoan@vtcnews.vn hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.