Truyện ngắn: Duyên muộn

Năm nay Túc đã ở hàng 'băm'. Anh có 'thâm niên' hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Rong ruổi mãi nơi đất khách, cuối cùng Túc cũng về lại quê. Gặp Túc, Chung, cậu em họ ngang tuổi với Túc, đã có vợ và hai con, hỏi:

- Anh còn nhận ra em không?

Túc cười:

- Lâu quá nên anh quên mất mày rồi.

Tưởng Túc nói đùa, ai dè nói thật khiến Chung chạnh lòng định đứng dậy bỏ về. Túc tức thì vỗ vai Chung, níu lại, cười tít:

- Anh đùa tí ấy mà. Mày là em của anh, sao anh có thể quên được.

Rồi Túc kể lại từng kỉ niệm của hai anh em. Từ kỉ niệm chăn bò, hái củi trên núi đến bắt cua, tát cá, rồi thì mót lúa, mót khoai dưới đồng… Chung ngạc nhiên nhìn Túc không chớp mắt. Cậu trộm nghĩ mọi người nói đúng thật, gì gì có thể quên chứ kỉ niệm thì mãi theo con người ta đến suốt cuộc đời. Những điều Túc kể, Chung cũng còn nhớ như in. Hai anh em thi nhau kể, cùng nhau ôn lại hàng tá kỉ niệm thời chân đất đầu trần, lúc cười nghiêng ngả như được mùa lúc lại bùi ngùi rơm rớm.

Hơn 20 năm xa quê, thân xác có lớn thêm, nặng thêm nhưng khuôn mặt Túc vẫn đặc sệt chữ điền, giọng nói vẫn the thé, chân vẫn đi vòng kiềng. Tính tình ngày càng tếu táo, hài hước. Song, cho đến hiện tại Túc vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai.

Hơn 20 năm sống ở Sài Gòn, mỗi ngày của Túc là một vòng tròn khép kín. Sáng rong ruổi cuốc bộ khắp các con phố lớn nhỏ bán vé số, trưa nghỉ tạm dưới bóng cây bên vệ đường, chiều tiếp tục đi bán, đến giờ thì trả vé, nhận tiền hoa hồng rồi thì lại thủng thẳng cuốc bộ về thẳng nhà trọ ăn cơm, đi ngủ. Ngày mai lại lặp lại ngày hôm nay. Cứ thế. Mặc cho người người thi nhau khoe vợ đẹp con khôn, tổ ấm hạnh phúc, nhà lầu, xe hơi… ào ào còn Túc vẫn không chút mảy may chạnh lòng.

Bố mẹ Túc sinh được 5 chị em, trong đó 4 chị gái, riêng Túc là con trai duy nhất, lại là con út. Vì nhà nghèo nên tất cả 5 chị em đều chỉ được học tới cấp 2 rồi nghỉ.

Bố Túc mất khi chị em Túc còn rất nhỏ, bà Thuần, mẹ Túc phải một mình chèo lái ngược xuôi kiếm gạo nuôi chị em Túc đến rạc cả người. Rồi 4 người chị gái của Túc lớn lên, lần lượt đi lấy chồng. Ba chị đầu lấy chồng quanh làng, quanh xã. Duy chỉ có chị gái kề Túc là vào miền Nam làm công nhân may từ năm 15 tuổi, sau này lấy chồng và ở trong Nam luôn.

Lí do Túc vào miền Nam bán vé số bắt đầu từ lần theo mẹ vào chăm chị gái ốm nằm viện. Bà Thuần khăn gói vào chăm con gái, đưa cả Túc đi theo, khi ấy Túc mới lên 10 tuổi.

Ông bà chủ, nơi chị gái Túc ở trọ có đại lý bán vé số, lại đang cần người làm, bà Thuần liền xin cho Túc đi bán thử một, hai hôm. Thấy công việc phù hợp, bà Thuần sau đó về quê thu xếp việc nhà rồi vào lại Sài Gòn, hai mẹ con ở chung phòng với con gái, ngày ngày đi bán vé số mưu sinh.

Mấy năm sau, chị của Túc lấy chồng và chuyển về nhà chồng ở, Túc và bà Thuần vẫn trọ ở căn phòng cũ, tiếp tục gắn bó với nghề bán vé số.

Thấm thoắt, bà Thuần cũng ngoài 60, tuổi cao, sức cũng yếu dần. Bà Thuần trăn trở mãi hai việc. Một là hương khói tổ tiên ở quê nhà, bởi từ ngày hai mẹ con chuyển vào Nam mưu sinh, ngôi nhà vẫn bỏ không. Để không bị mối mọt và lạnh lẽo, bà Thuần đã nhờ các con gái, con rể của mình thay phiên nhau cứ dăm bữa lại đến quét tước, dọn dẹp, hương khói một lần.

Mỗi năm, bà Thuần cũng sẽ về quê vào dịp giỗ chồng, lo việc xong xuôi, bà lại vào Sài Gòn. Nhưng bà nghĩ, chẳng thể bỏ nhà, bỏ quê đi mãi được. Hai là, việc trọng đại liên quan đến cuộc đời của Túc: Chuyện lấy vợ, sinh con, làm tròn trách nhiệm nối dõi tông đường.

Ông bà Thuần được mỗi thằng con trai chống gậy. Ngần này tuổi đầu, đâu còn son trẻ gì, vậy mà Túc vẫn không nghĩ đến chuyện vợ con khiến bà lo lắng. Vậy nên, sau nhiều lần nấn ná, chùng chình, bà Thuần quyết định về quê, không đi bán vé số nữa.

Từ dạo về quê đến giờ, bà Thuần lúc nào cũng vào ra than ngắn thở dài, ăn không ngon ngủ cũng chẳng yên. Gặp nội ngoại hai bên, bà đều rầu rĩ. Hễ đi đâu, gặp ai quen thân, bà cũng đều gặng hỏi thăm con gái nhà lành, nhờ mai mối cho con trai.

Việc Túc chưa lấy vợ, đúng hơn là chưa có vợ trở thành chuyện hệ trọng của cả gia đình, cả dòng họ và tất cả xóm giềng. Trong khi đó, Túc thì vẫn cứ thoải mái, ngày ngày chỉ thích làm bạn với vườn tược, rảnh lại lướt điện thoại nghe nhạc trữ tình.

Túc biết mẹ lo lắng cho mình đến mức hao gầy. Anh cũng biết là anh chị sớm chiều sang chơi đều giục giã, hối thúc anh như hối giặc; thậm chí mấy đứa cháu của Túc hễ nhìn thấy cậu là chúng hùa nhau chọc “Cậu Túc ế chỏng ế chơ” rồi nhìn nhau cười ngặt nghẽo.

Bản thân Túc trong lòng cũng cảm thấy áy náy, nhiều khi tủi thân, mặc cảm vì bản thân. Ở từng tuổi này, với bộ dạng thế này, kiếm đâu ra người con gái nào dám yêu, dám lấy Túc. Bằng vai phải lứa với Túc, nếu không học tập, lập nghiệp, lấy chồng xa nhà mà ở lại quê thì tất cả đều đã con bế, con bồng. Còn đám con gái thuộc hàng em ún, cháu chắt gọi Túc bằng anh, bằng chú, bằng cậu, bằng bác, bằng ông thì… mới nhìn thấy Túc, chúng đã vội chạy mất dép chứ nói gì yêu với đương.

Không phải Túc vô ưu vô lo. Túc cũng nghĩ ngợi, suy tư nhiều lắm, nhiều đến mức rối đầu ấy. Thế nên, hễ nghe mọi người nhắc chuyện vợ con thì hoặc là Túc giả điếc, giả câm hoặc là Túc chỉ biết cười trừ cho qua.

 Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Đang ngồi nghỉ dưới tán cây ngọc lan góc vườn, Túc bỗng nghe có tiếng động mạnh phía bên ngoài hàng rào nhà mình. Hình như ai đó đi vừa vấp ngã. Túc nhổm dậy, tiến đến bên hàng rào cúc tần nhìn qua. Một người con gái đội nón lá, khăn trùm kín khuôn mặt, cả hai chân đều bị khoèo, đang khó nhọc nắm lấy làn nhựa đựng lá chuối đứng gượng dậy. Túc tức thì chui qua hàng rào, chạy lại giúp đỡ. Nghe giọng nói quen thuộc, Túc liền nhận ra:

- Dung…!

Dung bẽn lẽn nhìn Túc, khẽ gật đầu, hai má ửng đỏ.

- Dạ… Anh Túc!

Dung kém Túc 5 tuổi, người ở xóm trên. Ngày nhỏ, Dung rất thích chơi với Túc. Cô có khuôn mặt sáng, nụ cười tươi, chỉ tội hai chân bị khoèo. Hồi nhỏ, mỗi lần bị đứa nào bắt nạt, trêu chọc, con bé đều nói với Túc và được anh bảo vệ. Vì thế, mỗi khi nhà có củ sắn, củ khoai luộc, con bé đều đem chia sẻ với anh.

Nhờ có Túc mà Dung mới được chơi cùng với đám bạn trong làng. Ngày Túc cùng mẹ vào miền Nam, Dung đứng nhìn theo, mặt buồn rười rượi. Khi Túc giơ tay lên chào tạm biệt con bé, nó cũng giơ tay chào lại. Đến khi hai mẹ con Túc đi khuất cuối con đường làng nhỏ hẹp, Dung vẫn đứng tần ngần dõi theo.

- Thấm thoát, thế mà cũng đã 20 năm rồi...

Túc nhìn Dung mỉm cười. Anh định hỏi Dung chuyện gia đình, chồng con, nhưng lại ngại, nên thôi. Chờ Dung đi rồi, Túc mới quay vào ngồi lại dưới tán cây ngọc lan, tay cầm điện thoại mở tiếp bản nhạc trữ tình đang nghe dở. Hòa tâm trí vào giai điệu dịu êm của bài hát, Túc nhắm nghiền mắt, trong đầu anh bỗng chợp chờn hình bóng cùng nụ cười của Dung.

Chung lại sang chơi, cố ý nhắc Túc chuyện tìm vợ. Túc cười:

- Anh cũng muốn có vợ cho mẹ anh vui. Nhưng mà biết tìm vợ ở đâu bây giờ.

- Anh Túc này…!

- Hửm!

- Anh còn nhớ cái Dung không? Cái Dung bị khoèo chân, hồi nhỏ anh em mình vẫn cùng chơi với nó đó.

- Ừ. Anh nhớ. Hôm qua, anh vừa gặp con bé đi ngang qua đây. Mà em hỏi có chuyện gì không?

- À… thì…

Vẻ mặt Chung hơi nghiêm trọng khiến Túc có phần ngạc nhiên.

- Cái Dung… nó… vẫn chưa lấy chồng. Nó vẫn ở vậy.

Nghe Chung nói vậy, Túc càng tò mò. Nắng trưa đã dần loang khắp cả vườn nhà, quyện hương na, hương chuối chín thơm thoảng trong gió. Chung kể cho Túc nghe về Dung kể từ khi anh xa nhà.

Dung vốn kém may mắn từ khi mới lọt lòng. Cô không có cha. Nói đúng hơn là mẹ Dung không có chồng. Vì muốn có đứa con bầu bạn, bà Mùi, mẹ Dung khi ấy đã xin người đàn ông bán chiếu thường đi ngang nhà cho mình đứa con. Kể từ ngày biết mẹ Dung mang bầu, người bán chiếu không bao giờ ngang qua đây nữa.

Mẹ Dung sinh ra Dung rồi cứ thế một mình nuôi cô khôn lớn từng ngày. Không chỉ bị bạn bè trêu chọc là con hoang, là chân khoèo, Dung còn kém may mắn hơn Túc, hơn chúng bạn là chưa một lần được đến trường học chữ.

Việc Dung biết đọc, biết viết, đều một tay mẹ dạy Dung dạy cho. Với cô, mẹ vừa là mẹ, là bố cũng là người thầy duy nhất trong cuộc đời cô.

Năm Dung vừa tròn 20 tuổi thì mẹ mất. Nối nghề mẹ, hàng ngày Dung đi khắp xóm làng mua lá chuối tươi rồi đem bán lại cho các nhà làm bánh răng bừa, làm nem chua trong làng. Biết mình khiếm khuyết, sợ sẽ trở thành gánh nặng cho người khác, và cũng vì tự ti mặc cảm vì bản thân, nên dù khát khao được yêu thương, hạnh phúc như bao người, Dung cũng chưa một lần dám nghĩ đến chuyện lấy chồng.

Nhiều người thương, đến hỏi Dung về làm vợ nhưng cô nhất định từ chối… Chuyện về Dung qua lời kể của Chung khiến Túc trầm tư. Tự dưng, Túc lại muốn được là người ở bên che chở, giúp đỡ cô như ngày xưa.

Gặp Dung xách làn lá chuối ngang qua ngõ, Túc chủ động ngỏ ý muốn giúp cô. Ban đầu Dung e ngại, nhưng sau đó, cô đã đồng ý. Hai người vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ. Thấy Dung bước đi khó khăn, Túc cố tình bước chậm lại để chờ cô. Đi được một đoạn, anh lấy cớ mệt, dừng lại nghỉ, thực chất là muốn Dung nghỉ một chút rồi mới đi tiếp.

Hai người chậm bước bên nhau, cùng nhau ôn lại kỉ niệm thuở nhỏ. Túc kể cho Dung nghe về khoảng thời gian dài bán vé số trong Sài Gòn. Dung cũng kể cho Túc nghe về công việc mua lá chuối của mình từ ngày mẹ mất. Cả hai chân thành bộc bạch, sẻ chia. Người nói, kẻ chăm chú lắng nghe. Giữa họ dường như từ lúc nào đã có một sợi dây tơ hồng kết nối.

Thời gian thấm thoắt, một năm trôi qua kể từ ngày Túc về quê. Làng trên xóm dưới đi đâu cũng truyền tai nhau tin vui:

- Túc chuẩn bị cưới vợ rồi.

Bà Thuần vui sướng ra mặt vì con trai sắp sửa có vợ, còn bà thì sắp có con dâu, tương lai sẽ cho cháu nội. Vợ Túc chẳng ai xa lạ, chính là Dung. Ai cũng bảo, hai người là duyên trời định, sinh ra là để dành cho nhau. Mà đã là duyên trời định rồi thì sớm hay muộn cũng sẽ về bên nhau.

Đám cưới của Túc và Dung được tổ chức ấm cúng ở nhà văn hóa của thôn, trước sự chứng kiến, chúc phúc của gia đình, làng xóm. Trong lễ cưới, Túc nắm chặt tay Dung, cả hai nhìn nhau cùng cười rạng rỡ. Bà Thuần đứng bên, mải ngắm hai con, niềm hạnh phúc dạt dào khiến bà hết lần này đến lần khác đưa khăn lên lau nước mắt.

Lê Thị Xuyên (Giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX Thị xã An Nhơn, Bình Định)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-duyen-muon-post709797.html