Truyện ngắn Lửa thiêng tháng Tám

Đã qua hết rồi thời máu lửa. Qua hết rồi thời bom dội như mưa. Hà Nội ngày nay thanh bình, duyên dáng giữ nét cổ kính của riêng mình...

Minh họa: Vietpink

Minh họa: Vietpink

Mẹ bảo con gái đi sư phạm cho nhàn, năm làm 9 tháng nghỉ 3 tháng hè. Sướng. Thế là An đăng ký thi sư phạm thật. Sư phạm Sử. An thích đọc những câu chuyện lịch sử của đất nước. Mỗi lần đọc, An thấy hiện ra trước mắt mình khung cảnh ấy, những anh hùng ấy. Dẫu nhiều người khi hỏi ngành học của An đã trề môi khinh thường nhưng An chẳng buồn. Mỗi người sinh ra trong cuộc đời này đều mang một sứ mệnh riêng, An nghĩ sứ mệnh của mình là đi kể lại những câu chuyện lịch sử hào hùng có, bi thương có cho các thế hệ trẻ. Lịch sử một đất nước là lịch sử hình thành dân tộc đó. An ghi nhớ mãi câu nói của người thầy đáng kính.

Sau 4 năm đại học, cuối cùng An cũng tốt nghiệp, về dạy một trường cấp 3 trên thành phố. An không chọn về quê, An lỡ yêu cái không khí náo nhiệt, yêu nếp sống nơi phố thị ồn ào, rực rỡ ánh đèn, trở về nơi sinh ra mình đêm chỉ thấy bát ngát sao trời và những cánh đồng tối đen rộng lớn. An thấy buồn. Mẹ luôn ủng hộ quyết định của con gái. Mẹ bảo, dạy ở đâu cũng được, ở thành phố thì có nhiều cơ hội phát triển hơn, con cứ dạy, khi nào thấy không muốn ở thành phố nữa thì về quê. Những lời mẹ nói làm trái tim An bớt day dứt bởi ý nghĩ mình là đứa con bất hiếu. An tự nhủ sẽ chăm chỉ làm việc, học hỏi, khi nào đã vững tay nghề, kinh tế ổn định rồi sẽ chuyển về quê, ở gần chăm sóc cha mẹ.

Ai dè…

Từ cái hồi ra trường tới giờ cũng ngót nghét mười năm mà An vẫn chưa muốn về quê. Bởi An hiểu ra một điều rằng thay đổi môi trường là điều không dễ dàng. Những ngày đầu về trường, cô phải chật vật làm quen môi trường mới, cố gắng tuân thủ nội quy, cố gắng học hỏi phương pháp, kiến thức. Những kiến thức khi ngồi ở giảng đường rõ ràng chỉ là hạt cát trên sa mạc, muốn phát triển phải luôn luôn học hỏi, trau dồi thêm. Mất ba năm cô mới vượt qua cái mác giáo viên mới, tìm được sự tự tin khi đứng trên bục giảng. Dẫu vậy, có một điều làm An khá buồn là học sinh ngày càng ít thích học Sử. Chúng kháo nhau môn Sử chỉ là môn phụ mà cũng bắt học bài nhiều, lại còn phải bắt đọc sách tìm hiểu thêm, quá áp lực. Có học sinh còn chống đối bằng cách không viết bài, rồi than vãn với phụ huynh đến độ phụ huynh lên trường um sùm lên. Tổ trưởng chuyên môn bảo An thôi đừng gây áp lực cho tụi nhỏ em ạ, chúng còn phải ưu tiên mấy môn chính để thi tốt nghiệp.

Chính – phụ, An rất khó chịu khi thấy sự phân biệt này. Môn học nào mà chẳng quan trọng. Môn học nào mà chẳng cần thiết. Dù bực bội nhưng An đành phải nhún nhường, chẳng thể làm khác được. Thôi đành truyền cảm hứng bằng cách kể những câu chuyện lịch sử mà An đã tìm tòi đọc, xem phim tư liệu. Tụi nhỏ có vẻ hứng thú với việc nghe kể chuyện hơn là phải học theo sách giáo khoa. Thế là An đầu tư tìm tài liệu, một sự kiện lịch sử phải đọc nhiều tài liệu khác nhau để có cái nhìn bao quát nhất, khi đó câu chuyện mình kể mới sinh động, thu hút được học sinh.

Nhưng người đầu tiên bị cuốn hút đó chính là An. Đêm nào An cũng thấy mình trở về quá khứ, khi là cô giao liên trên tuyến lửa Trường Sơn, khi lại là người nông dân hòa vào dòng thác người hô vang khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc, đả đảo tay sai”. Cứ mỗi lần thức dậy sau cơn mơ, An lại khát khao được một lần đặt chân đến Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến, mảnh đất lưu giữ trong mình bao dấu son lịch sử của dân tộc. An bắt đầu để dành tiền, mỗi tháng lãnh lương, cô đều nhét vào ống heo có dán chữ “du lịch” nuôi hy vọng một ngày đủ tiền để đi trải nghiệm Hà Nội.

 Lễ thượng cờ tại Lăng Bác. Ảnh: ITN

Lễ thượng cờ tại Lăng Bác. Ảnh: ITN

An rất thích câu nói: Khi bạn quyết tâm làm việc gì, cả vũ trụ sẽ hợp sức giúp bạn. Và, chính niềm tin đó đã giúp ước mơ của cô thành hiện thực. Hè này, trường cô tổ chức tour du lịch xuyên Việt cho giáo viên kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường. Dẫu công đoàn chỉ tài trợ một phần nhỏ, còn 80% tự bỏ tiền túi nhưng An vẫn rất vui mừng. Cô chạy ào về phòng trọ, xin lỗi chú heo mũm mĩm rồi quăng mạnh xuống nền. Những tờ polyme màu xanh lơ tím sẫm thỏa thích bung mình sau bao nhiêu lâu chen chúc nhau trong bụng heo. An háo hức đếm. Ngoài sức tưởng tượng của cô. Như vậy là chi phí đi du lịch không phải lo nữa, nhiêu đây còn đủ để mua vài món quà tặng cho cha mẹ.

Sau 9 tháng vất vả, thầy cô nào cũng vui sướng khi được đi chơi. Trường chọn di chuyển bằng tàu lửa để ngắm cảnh và thăm thú các nơi. Dừng chân tại đâu cũng thấy cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Không ngờ rằng đất nước mình lại nhiều cảnh đẹp đến vậy, hèn chi du khách khắp nơi lại đổ xô tới Việt Nam du lịch. An thầm xấu hổ vì mình là người Việt mà chẳng bao giờ bước chân khỏi nhà, ngay cả quê hương mình cũng chưa đi được mấy nơi. Cô thầm nhủ từ nay về sau phải để dành một khoản tiền để mỗi năm tự thưởng cho mình một chuyến du lịch, đi để trải nghiệm, đi để thêm yêu đất nước, thêm yêu cuộc sống này hơn.

Cuối cùng thì đoàn cũng tới Hà Nội. Đầu Thu, khí trời mát mẻ, trong lành. Mùa Thu Hà Nội quả là khác trong Nam. Nắng vàng trải nhẹ, gió thoảng qua, thơ mộng đúng như những bài thơ, bài hát về Hà Nội. Nơi đây mang vẻ cổ kính, những góc phố nhỏ, ngõ nhỏ, những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Thật khó để tin rằng, nơi đây, từng xảy ra những sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc, ghi lại dấu son hào hùng của cuộc cách mạng vĩ đại.

 Quảng trường Cách mạng tháng Tám (Hà Nội). Ảnh minh họa: ITN

Quảng trường Cách mạng tháng Tám (Hà Nội). Ảnh minh họa: ITN

Tách khỏi đoàn, An quyết định bắt grab đến Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Nhà hát Lớn sừng sững uy nghi đứng đó, giống y hệt trong thước phim lịch sử mà cô đã được xem qua. Khác chăng, trong thước phim, tòa nhà hiện ra chỉ hai màu đen trắng, còn bây giờ trước mắt cô nó sống động, lộng lẫy bằng tông màu vàng. Đến độ An phải bật kêu khẽ:

- Đúng là một tuyệt tác nghệ thuật của con người.

Quảng trường rộng lớn ngày xưa vẫn còn đó, chỉ khác có xây một vòng xoay ở giữa. An nhờ một khách du lịch chụp cho mình vài kiểu ảnh. Khi cô choàng tay ôm chân cột tạo kiểu, tự dưng một luồng điện chạy dọc sống lưng. An như tê liệt đi. Trước mắt cô thước phim lịch sử tua nhanh…

Buổi chiều hôm ấy, chính tại nơi này, giữa quảng trường này, hàng trăm ngàn người lô nhô đứng tham dự cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức tổ chức để ủng hộ chính quyền bù nhìn. Bỗng, lá cờ đỏ sao vàng từ tầng 2 mặt tiền phủ xuống. Hàng vạn người bên dưới reo hò, lấy lá cờ nhỏ giấu trong người ra, hô vang khẩu hiệu “đả đảo đế quốc”, “ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Lời hiệu triệu được đọc lên, kêu gọi toàn thể đồng bào chung sức đồng lòng giành lại độc lập, lật đổ chính quyền tay sai bù nhìn. Rồi dòng người diễu hành qua các con phố, hô vang khẩu hiệu. Cả thành phố sục sôi như ngọn đuốc cháy bừng trong đêm. Dòng thác người đi tới đâu, nhân dân hai bên đường vội nhập hàng chung, cùng hô vang khẩu hiệu. Đêm ấy, Hà Nội thực sự cháy.

Âm thanh vang dội ấy, những ánh mắt lấp lánh ngời sáng niềm tin, không khí sục sôi ý chí quyết thắng, và cái màu cờ ấy, màu đỏ như máu, điểm xuyết sao vàng rực rỡ tung bay. Ôi, tất cả khiến tim An như ngừng thở. An như cũng muốn giương cao khẩu hiệu, cũng muốn hòa vào dòng người cùng chung nhịp đập con tim nhiệt huyết. Con tim An như vỡ òa, cô gập người ôm lòng ngực đau đớn. Vài du khách đứng bên đang tạo dáng thấy vậy vội chạy lại đỡ, hỏi han. An gượng cười trấn an họ, bảo không sao. Thực ra cô đang nói dối, rõ ràng ngọn lửa cuộc mít tinh năm đó đã lan tới trái tim cô rồi. Tim đang cháy, hừng hực, bừng bừng, An vội vã ngoắt một chiếc taxi.

 Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

- Tới Quảng trường Ba Đình giúp cháu với.

Xe lao nhanh, còn An cứ ôm chặt tim mình, cô sợ ngọn lửa kia vụt tắt.

Ôi ngọn lửa của tinh thần đoàn kết dân tộc. Ngọn lửa thiêng từ quá khứ dội về. An phải giữ nó, phải nghe thấy không khí hào hùng năm ấy một lần nữa. Lần đầu tiên cô có cảm giác được chạm tay vào lịch sử khi đứng trước Quảng trường Ba Đình rộng lớn, nơi ngày xưa Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn độc lập” trên lễ đài, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. An như nghe thấy lời Bác văng vẳng bên tai: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Sau dấu son lịch sử này, quả thực toàn dân tộc đã dồn hết sức để thống nhất non sông về một mối.

Buổi sáng hôm ấy, một sáng mùa Thu trong trẻo mà sao người An lại rừng rực ngọn lửa của ngày xưa. Kia kìa, hơn một triệu đồng bào đang hô to lời thề độc lập, hơn một triệu trái tim cùng hòa chung một nhịp, mặt sáng ngời ý chí quyết tâm. Kia kìa, trên lễ đài, Người đứng đó, vẫn bộ áo kaki quen thuộc, vẫn chòm râu bạc trắng, vẫn mắt ngời sáng, người nở nụ cười vẫy tay chào đồng bào Thủ đô.

Đã qua hết rồi thời máu lửa. Qua hết rồi thời bom dội như mưa. Hà Nội ngày nay thanh bình, duyên dáng giữ nét cổ kính của riêng mình, thu hút du khách khắp nơi đổ về. Kìa, lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay phấp phới trên cột cờ trước lăng Người, như hò reo chào mừng khách tới tham quan.

An phải cố kiềm chế cơn sóng cảm xúc đang dâng trào. Cô hòa cùng dòng người xếp hàng vào lăng viếng Bác.

Mùa Thu năm xưa hòa với mùa Thu nay.

Xưa là niềm tự hào của những người dân của một đất nước độc lập, dân chủ, nay là niềm tự hào của thế hệ con cháu trước truyền thống yêu nước của cha anh. Chính cảm xúc đã kết nối hai thế hệ để những đợt sóng xúc động cứ dâng trào mãi trong tim An.

Chính trong thời khắc ấy, An biết sứ mệnh của mình là mãi mãi đi kể những câu chuyện về lịch sử dân tộc cho các thệ hệ kế cận nghe. Cô sẽ không nêu những sự kiện khô khốc đâu, mà sẽ kể, kể về những con người góp sức mình tạo nên dáng đứng của một dân tộc. Kể về những địa điểm còn lưu giữ dấu ấn về một cuộc chiến hào hùng của cha anh. Kể về tình yêu Tổ quốc, tình yêu đồng bào của những con người hiện đang ngày ngày xả thân âm thầm bảo vệ đất nước. An sẽ khơi lên ngọn lửa tự hào dân tộc trong mỗi trái tim còn trong trẻo của các em, để sau này dẫu có đi khắp bốn phương, đi tới đâu các em cũng tự hào nói rằng: “Tôi là người Việt Nam”. Người Việt Nam không chỉ anh hùng, gan dạ trong chiến đấu mà còn tài giỏi trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Cũng chính ngay lúc đó, một buổi sáng mùa Thu ở Hà Nội, cách xa quê nhà cô cả ngàn km, An đã nhận ra được giá trị mình cần tìm trong cuộc đời đó là lịch sử của một đất nước, là lịch sử phát triển của dân tộc đó, là lịch sử phát triển của một dòng họ, một gia đình, một cá nhân. An sẽ xin về quê dạy học để vừa tiếp tục tình yêu với nghề vừa có thể chăm sóc cha mẹ. Hơn hết, An muốn viết về lịch sử gia đình mình, dòng tộc mình, lịch sử về miền đất mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành…

Trần Thị Kim (Giáo viên Trường THCS & THPT Lê Lợi, Phan Thiết, Bình Thuận)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-lua-thieng-thang-tam-post697182.html