Truyện ngắn: Như là tình yêu

Cô gặp anh lần đầu khi đang là sinh viên ngữ văn năm cuối. Một tờ báo nhận cô về thực tập.

Trưởng ban biên tập giao cho cô đến phỏng vấn anh nhân dịp tập thơ mới vừa ra mắt. Mỗi tập thơ của anh đều mang sắc thái riêng và đến tập thứ năm này thì có vẻ hứa hẹn nhiều điều.

Giới phê bình và giới truyền thông nhắc đến dồn dập, không biết có phải vì nó đặc biệt, mới lạ như người ta giật tít hay vì chiến dịch PR khá chuyên nghiệp. Trong con mắt của cô sinh viên tỉnh lẻ nhút nhát thì một nhà thơ đã thành danh như anh là ẩn số to đùng, đầy lạ lẫm và thách thức.

Như đọc được nỗi e dè ấy, trưởng ban biên tập động viên: “Yên tâm đi. Cậu ấy là bạn anh, hiền lắm. Lại chưa vợ”. Câu “lại chưa vợ”, anh nháy mắt, cười cười đầy ngụ ý. Cô chột dạ. Trưởng ban biên tập trấn an ngay: “Em cứ đọc kĩ tập thơ rồi nêu những nhận xét của mình. Nhà thơ bây giờ có bạn đọc chia sẻ là sướng lắm. Anh sẽ bảo lãnh cho em về phần nội dung”.

Ngày hẹn, cô khoác ba lô đến nơi làm việc của anh. Trước đó, cô đã tìm hiểu và biết một vài thông tin cá nhân, ví dụ như anh hơn cô đúng 20 tuổi và trùng ngày sinh tháng đẻ. Thế là, khi liên lạc qua điện thoại, cô chủ động gọi chú xưng cháu.

“Gọi chú cho nó chắc”! “Chắc” để không phải anh anh-em em, mệt người. Dù vậy, khi dắt xe xuống lòng đường, cô vẫn còn chậc lưỡi: “Không chết được đâu mà lo”. Cái ý này chẳng phải tự cô nghĩ ra mà mượn của người bạn gái thời học phổ thông. Hồi ấy, lớp cô có một cây đơn ca rất tự tin tên là Giang - Hương Giang.

Ngoài những dịp biểu diễn văn nghệ đã được lên lịch sẵn thì khi cần, nó sẵn sàng xung phong đứng hát trước toàn trường. Bọn trong lớp bảo khiếp, Giang bạo thế. Nó trả lời thản nhiên: “Có chết được đâu”. Ừ nhỉ, có chết được đâu. Chết là sợ nhất rồi. Lên đứng hát trước toàn trường có chết được đâu. Đi phỏng vấn cũng có chết đâu. Vậy là đi.

Cộc! Cộc! Cộc! Tiếng gõ vào cửa kính nghe đục và khô chứ không giòn và đanh như khi gõ vào cửa gỗ. “Xin mời vào”. Cô vặn tay nắm cửa: “Dạ, cho cháu hỏi nhà thơ Vũ”. “Tôi đây, cô cần gì”. Đôi mắt ở đằng sau cặp kính lão (ờ, kính lão chứ không phải kính cận.

Anh đeo kính lão từ rất sớm, chưa 40 tuổi đã phải đeo), đôi mắt đó hơi nhướng lên rồi nheo lại đầy vẻ bề trên. “Trẻ hơn là mình nghĩ. Bụi bặm chứ không ẻo lả. Có vẻ hơi ngạo đời thì phải”. Ý nghĩ chạy nhanh trong đầu khiến cô bật cười. Cười mất mấy chục giây. Giòn tan.

Đôi mắt sau cặp kính lão kia lại nhìn cô đầy dò xét. “Chắc hắn khó chịu lắm, hay hắn nghĩ mình hâm”? Bằng một phản xạ hết sức tự nhiên, cô buột ra trôi chảy: “Em là Thu Loan, thực tập bên báo Diễn đàn văn nghệ. Em đã có hẹn phỏng vấn với anh”. Rồi không đợi anh mời, cô bước vào, đặt cái ba lô lỉnh kỉnh đồ đạc xuống ghế.

Giây phút chạm trán giữa cô và anh diễn ra như thế đấy. Mãi sau này, khi đã yêu anh rồi, cô vẫn không lý giải nổi tại sao một con bé nhút nhát như cô, đi phỏng vấn còn phải mượn câu nói của cô bạn “không chết được đâu” để xốc lại tinh thần.

Vậy mà khi đứng đối diện với anh, một người khá nổi tiếng, cô lại có thể dạn dĩ đến thế, chủ động đến thế.

“Em biết anh ấn tượng với em điều gì nhất không? Là đôi mắt em. Khi em phỏng vấn anh, em nhìn thẳng vào anh. Hiếm có người con gái nào lại dám nhìn thẳng vào anh như thế, có lẽ vì họ... sợ. Nhưng em thì không. Ánh mắt em đầy tin cậy, chân thành và thẳng thắn. Anh biết, từ giây phút đó, anh đã thuộc về em”.

Anh thì thầm với cô những lời này khi anh và cô đứng bên bờ sông Hường thành phố cổ Bình Am, nghe sóng nhẹ nhàng xoa vào bờ cát. Gió thổi lộng làm rối mái tóc ngắn của cô. Anh đứng đằng sau, vòng tay ôm lấy cô. Cô run lên vì lạnh hay vì cánh tay anh xiết chặt. Hơi thở anh buồn buồn phả vào gáy cô. Râu cằm anh cọ vào cổ cô nhột nhạt.

“Ừ, em cũng không biết tại sao lúc ấy em lại bạo dạn thế. Qua điện thoại em cũng đã gọi anh là chú. Vậy mà khi gặp, em lại vuột ra tiếng “anh”. Em trẻ con quá anh nhỉ!” Anh thơm nhẹ mái tóc cô: “Anh có nhớ lúc em cười không, anh trợn mắt lên nhìn em như nhìn người hành tinh khác. Bộ dạng anh lúc đó dữ dằn khiến em càng buồn cười. Chắc anh nghĩ là em vô duyên lắm”.

“Anh đâu có. Em là người con gái rất đặc biệt. Em chẳng giống ai cả”. Anh lại âu yếm cọ cọ cằm vào cổ cô. Cô nghẹt thở, hồi hộp. “Anh có nhớ lúc anh dẫn em đi ăn phở không? Chưa làm việc đã đi ăn phở rồi. Anh vắt chanh, rắc hạt tiêu, thêm chút ớt vào cho em. Chưa người đàn ông nào chăm sóc cho em như thế. Ăn xong rồi, anh lại nhìn chòng chọc vào em và hỏi: Em cần gì ở anh? Một lần nữa em lại phá lên cười: Em chẳng cần gì ở anh cả”.

“Anh nhớ chứ. Tất cả kỉ niệm về em anh đều nhớ. Nào, quay lại và ôm anh đi”. Cô run rẩy xoay người, choàng hai tay lên cổ anh. Gió thổi.

* * *

Sau lần gặp đầu tiên ấy, cô không liên hệ gì với anh. Tờ báo nơi cô thực tập in bài phỏng vấn anh do cô thực hiện. Báo chưa ra, trưởng ban đã gọi điện thoại cho anh rồi, cười hề hề con bé khá ghê, bài được lắm. Cô còn lý do gì để liên lạc? Tự nhiên gọi điện hỏi thăm này nọ ư? Anh thiếu gì kiều nữ theo đuổi. Dây vào anh cũng đâu có hay ho gì!

Thành phố này nhỏ hẹp nhưng cũng thật rộng lớn. Bẵng đi mấy năm cô mới gặp lại anh. Cô theo dõi fesival thơ trẻ với tư cách phóng viên. Anh vừa nhận được giải thưởng một cuộc thi thơ, nên anh là khách mời danh dự. “Đi với anh em cho vui thôi, chứ mấy cái trò này, anh quen quá rồi!”.

Anh phân trần với cô như vậy khi ngồi đối diện với cô trong quán cà phê nhìn ra sông Hường. Fesival thơ trẻ lần đầu tiên tổ chức ở Bình Am, một thành phố nhỏ vừa cổ kính, vừa yên bình và lãng mạn. Suốt bốn năm ngày, đám viết trẻ thỏa sức mà giao lưu mà giao du xa gần.

Nhìn thấy cô trên ô tô với ba lô và đồ đạc lỉnh kỉnh, anh nhận ra cô ngay và gọi đúng tên cô. Điều này làm cô rất xúc động. Gần ba năm đi làm, gặp gỡ không ít người, thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn, vậy nhưng đa phần trong số đó, nếu có gặp lại họ cũng không nhận ra cô.

Có trường hợp cô mặc kệ. Có trường hợp phải cười cười, em là Thu Loan, phóng viên văn nghệ của báo Đời Sống, hôm trước có phỏng vấn anh về vấn đề x nội dung y, anh còn nhớ không? À à, nhớ rồi, em là quân của thằng M chứ gì? Ừ, bài báo anh không đọc, anh quên mất.

Cô không khỏi chạnh lòng. Cái nghề nó bạc thế đấy. Lúc cần nhau thì anh anh em em, lúc không cần nữa thì lại như người chưa bao giờ quen biết. Nhiều lúc cô cũng thấy chán, nhưng nghĩ lại không phải mình chán nghề mà mình chán người.

Nghề nghiệp không có tội. Huống chi đây lại là công việc luôn đòi hỏi sự mới mẻ, luôn kích thích sự tìm tòi phát hiện. Vả lại, thời buổi này, tìm được một công việc tử tế, vừa sức mình và hợp với chuyên ngành đào tạo thì đâu phải dễ.

Sau những buổi giao lưu tọa đàm hay những chuyến đi chơi xa, trở về khách sạn, anh lại gọi điện cho cô. Lúc đầu cô không hào hứng lắm, vì còn bận phỏng vấn người này, đặt lịch hẹn với người kia. Nhà văn trẻ mà, họ đi chơi là chính nên không phải ai cũng sẵn sàng tiếp chuyện phóng viên.

Nhưng cô thì phải làm việc. Lo bài cho số tới và chuẩn bị lương khô cho những số sau chứ. Một chuyến đi dài mà không làm được việc gì thì lãng phí lắm. Ấy vậy mà anh cứ ồ ạt kéo cô đi. Anh bảo làm làm gì nhiều, anh đưa đi chơi cho biết Bình Am, chứ mai kia về rồi, tiếc lắm.

Ồn ào là vậy, nhưng khi chở cô đi, khi thì bằng xe đạp, khi thì bằng xe máy thuê ở khách sạn, anh lại im lặng nhiều hơn. Cả khi sánh bước cùng cô trên con phố cổ chật chội. Máu nghề nghiệp nổi lên.

“Hay anh cho em phỏng vấn anh một tí nhé”, "Phỏng vấn về điều gì?” “Về ấn tượng của anh khi đi giữa những con phố này”. “Anh chẳng biết nữa. Thế còn em?” “Em ư? Em có cảm giác là em không dám bước mạnh. Nếu em bước mạnh, mọi thứ sẽ vỡ ra mất”. Anh nhìn cô thoáng ngỡ ngàng.

Tình yêu của cô và anh đến nhanh như vậy đấy. Như tự nhiên phải thế. Như tự nhiên đã vậy. Chưa bao giờ cô thấy bất ngờ đến thế, bình yên đến thế và hạnh phúc đến thế. Đêm phố cổ lung linh ánh đèn lồng. Dòng sông Hường lặng lẽ chảy trôi, rướn mình ra biển.

Anh gọi cô là cô bé. Cũng phải thôi. Anh hơn cô những hai mươi tuổi. Cô ngơ ngác rung động trong vòng tay anh siết chặt. Còn anh, anh đầy rẫy kinh nghiệm trường tình.

“Sao anh chưa lấy vợ? Anh yêu nhiều thế cơ mà?”.

“Ừ, có những người phụ nữ yêu anh. Anh cũng rất yêu họ. Mỗi lần yêu lại hăm hở lao vào, như thể chưa bao giờ được yêu. Nhưng rồi giống như người chạy maraton, chạy mãi, chạy mãi, khi đến đích rồi thì kiệt sức. Anh yêu, càng yêu lại cảm nhận khoảng trống ngày một lớn. Đến khi khoảng trống ấy loang rộng ra, thì không thể tiếp tục được. Thế là chia tay”.

“Em thì sao?”

“Em là một cô gái rất đặc biệt. Anh chưa gặp ai như em cả. Em hấp dẫn anh không phải vì nhan sắc mà vì một điều gì đó lớn hơn. Anh cảm thấy em có thể hiểu được anh, chia sẻ được với anh những điều anh dằn vặt”.

Anh kéo cô lại gần, ấp iu gương mặt cô bằng hai bàn tay rắn rỏi. Mái tóc anh xòa cả vào mặt cô.

“Em có yêu anh không”

Anh gần như thì thầm.

...

“Nhìn thẳng vào mắt anh đây này, và trả lời anh đi. Em có yêu anh không, yêu con người thật của anh chứ không phải những gì anh đã có”.

Cô run rẩy “Có...ó...”.

Anh siết chặt cô vào người và vội vã đặt lên môi cô một nụ hôn dài. Tim cô nhói đau.

Chưa bao giờ cô nghĩ mình yêu một nhà thơ. Trong con mắt cô, nhà thơ là những người nói rất hay và làm thì chẳng hay như nói. Nhà thơ vốn đa tình và hay thay đổi. Anh không là ngoại lệ. Vậy sao cô lại yêu anh? Không, có lẽ anh khác họ. Anh hồn nhiên hơn, chân thật hơn và cũng nồng nàn hơn.

Trái tim anh đã tổn thương quá nhiều từ những cuộc tình vội vã. Tuổi trẻ anh đã quá thiệt thòi bởi những tháng nắng ngày mưa dầm dã trên đất bạn. Trong khi con cái các ông quan bà lớn hưởng sung sướng ở trời Âu thì anh và đồng đội rệu rã bước ra từ những cánh rừng khộp, vật vã với cơn sốt rét rừng để làm lại từ đầu.

Cô nhớ như in buổi trưa mùa Đông nào, khi cô cầm tập thơ mới của anh – một tập trường ca, chui vào chăn tranh thủ đọc trước khi mi mắt sập xuống. Càng đọc, đầu óc cô càng tỉnh lạ lùng. Càng đọc, càng như bị hút vào. Và khi gấp lại trang cuối cùng, người cô như phát sốt.

Cái tôi trữ tình ở đây cô đơn quá. Cái tôi ấy tự soi chiếu vào nội tâm mình với tinh thần phản biện mạnh mẽ cùng sự giễu nhại đầy hài hước, đau đớn. Cái tôi ấy mâu thuẫn với chính mình, vừa khát khao vượt lên khuôn khổ của đời thường chật hẹp, vừa thèm muốn những điều bình dị nhất, để rồi rơi vào trạng thái không xác định, trống rỗng, vô nghĩa.

Cô không khỏi liên tưởng đến nhân vật chính trong một tiểu thuyết của Dostoevsky - nhân vật với cá tính và nội tâm đầy giằng xé đã ám ảnh cô suốt thời sinh viên. Cô thử bóc tách con người thật và con người thơ trong anh. Cô tin, đằng sau vẻ ngoài như suồng sã ít nhiều kiêu ngạo ấy là một lòng chân thành, trong sáng.

Cô đã nhận thấy ánh mắt đắm đuối của anh khi nhìn cô, cảm thấy vòng tay anh nồng nhiệt khi siết chặt cô như giữ gìn một thứ gì quý giá. Cô không thể làm anh tổn thương thêm lần nữa. Cô không được phép làm anh đau đớn.

* * *

Cầm tờ báo trên tay, cô đi như chạy lên phòng làm việc của anh. Cô muốn anh là người đầu tiên chia sẻ với cô niềm vui này.

Anh vẫn động viên cô viết lách. “Viết, trước hết là để giãi bày lòng mình với con chữ. Khi em viết được cái gì, nỗi buồn trong em sẽ dịu đi và niềm vui được nhân lên. Vả lại, em rất có năng khiếu, được đào tạo bài bản chứ không như thế hệ của anh, vừa học vừa mò...”

Nghe lời anh, cô trở lại với niềm đam mê bị bỏ ngỏ. Cô háo hức như đứa trẻ. Ồ không, cô vẫn chỉ là một đứa trẻ. Cô thấy anh thấp thoáng đằng sau từng con chữ. Những dòng chữ tuôn ra đầy hứng khởi. Những dòng chữ như nuôi lớn tình yêu của cô.

Cô khao khát được chia sẻ cùng anh cảm giác hạnh phúc, cái lâng lâng bay bổng khi hoàn thành một tác phẩm. Cô muốn được sống cùng anh niềm vui nỗi buồn của người cầm bút.

Hôm nay, truyện ngắn đầu tay của cô được in trang trọng ngay trang đầu của tờ báo Văn. Khỏi phải nói là cô đã sung sướng đến thế nào. Và anh nữa, chắc chắn anh còn mừng hơn cô.

Cô vội vã đẩy cửa bước vào. Anh sẽ bất ngờ.

Hai mắt cô mở to. Chết lặng.

Người phụ nữ đang ngồi trên đùi anh, đong đưa đôi chân trần và cười rúc rích.

Cô vùng chạy.

Thu Loan, Thu Loan...

Anh gọi tên cô ư? Còn gì đâu để gọi. Cô chua chát mỉm cười, run rẩy chui vào taxi. Không hiểu sao cô lại đủ tỉnh táo để nhận ra rằng giây phút này cô không thể lái xe trên con đường nườm nượp người. Phải về ngay, về ngay trước khi con tim sập xuống.

“Em là một cô gái đặc biệt. Em chẳng giống ai cả”

“Em vừa thông minh tinh nghịch, lại vừa ngây thơ. Vừa cả tin lại vừa già dặn. Em làm anh thay đổi cái nhìn về phụ nữ”

“Anh nhớ em. Lúc nào anh cũng nhớ em. Nhớ em phát điên lên được”

...

Còn bao lời nồng nàn nữa của anh. Làm sao cô quên được. Chúng đã được anh thốt lên với tất cả sự dịu dàng, ấm áp. Cô tin. Và chưa bao giờ hối tiếc.

Cô tin anh như tin vào thơ anh.

Nhưng tất cả những điều ấy không còn ý nghĩa. Nỗi cô đơn của anh cũng trở thành giả dối.

“Em trẻ con lắm, Thu Loan à…

Anh đã nói câu này khi nào nhỉ? Một lời trách móc ư? Hay một lời nhắc cô cần rộng lượng?

Phải rồi, cô đúng là trẻ con.

Cả điều ấy nữa, giờ đây chẳng có giá trị gì.

Truyện ngắn của Anh Thư

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-nhu-la-tinh-yeu-post667529.html