Truyện ngắn: Tình thân ấm áp
Tôi cảm thấy họ đang ngồi đây, ngay cạnh tôi. Họ xoa lưng, xoa tay, vuốt tóc tôi. Tôi nghe thấy được tiếng họ đang trò chuyện. Nó khiến tôi hạnh phúc...
Trước đây, lúc tỉnh táo, nghĩa là chẳng có tiếng nói nào thúc giục vang lên trong đầu của ông, ông vẫn thường dẫn tôi đi dọc qua vài con phố cổ xưa của Sài Gòn. Đó là nơi cha lớn lên, là nơi cha từng trải qua tuổi trẻ bằng những cơn vật lộn của thuốc và những ảo giác tưởng chừng như thực như hư. Tuổi trẻ cho một cuộc gặp gỡ với cô gái có tấm lưng gầy, khuôn mặt mong manh yểu mệnh.
Người ấy là mẹ tôi. Bà mất ngay sau khi sinh tôi vài phút đồng hồ. Tiếng khóc đầu tiên tôi biết khóc trong cuộc đời chính là để khóc mẹ mình. Tôi đâu ngờ rằng, tôi đã mồ côi ngay khi chưa kịp ngửi thấy mùi của đời sống này. Mẹ mất, cha tôi phát bệnh ngày một nhiều hơn. Không ai cho tôi được ở gần cha, bởi điều đó sẽ khiến tôi gặp nguy hiểm. Tôi được một người dì chăm cho lớn lên, cách cha tôi xa càng tốt. Họ lo sợ, bệnh trầm cảm này là bệnh di truyền của gia đình tôi từ nhiều đời nay.
Tôi lớn lên trong cùng một thành phố với cha. Dù lúc nhỏ chỉ đôi ba lần được gặp cha, tôi vẫn luôn tự ý thức trong tâm trí mình, cha vẫn ở đây, không thấy được cha, thì những dấu chân trên đường đi của chúng tôi vẫn có khi khít chồng lên nhau. Khi có quyền quyết định bản thân có thể lang thang ở nơi nào, tôi đã cố gắng lục lọi trong ký ức của mình những nơi cha và tôi từng được đi cùng nhau. Tôi băng qua những con đường ấy, hình dung và tưởng tượng về cha, rối bời trong niềm hạnh phúc và khổ đau.
Người ta cứ ngỡ tôi an toàn vì tôi không biết về cha mình. Nhưng thực sự họ đã sai lầm. Tôi an toàn vì tôi hiểu rõ bản thân ông. Tôi đã từng đi vào bên trong khung cửa sắt, nơi "giam giữ" ông, nơi không có vết dấu của những ganh đua, tham vọng đời thường. Tôi nhìn thấy cha tôi ngồi yên trong phòng. Một mình. Đôi mắt ông hướng về một điểm duy nhất. Ấy là chiếc chong chóng mà năm vào cấp ba, tôi đã tự tay làm cho cha. Khi ấy, tôi mặc áo dài trắng, mái tóc đen tết gọn lại phía sau. Tôi ôm cặp cầm theo chiếc chong chóng vào nơi cha ở. Vừa nhìn thấy tôi, cha đã cười hớn hở. Bác sĩ nói lúc ấy tinh thần cha rất tốt. Cha đi dạo khắp các phòng, cầm cây chong chóng, lẩm nhẩm hát gì đó rất ngọt ngào, rất lãng mạn. Làm sao tôi có thể sợ cha mình. Tôi chỉ muốn yêu thương ông.
Số tiền mà cha mẹ để lại cho tôi đến năm 18 tuổi, tức là khi tôi thi đậu vào trường Đại học Ngoại ngữ thì cạn hẳn. Ấy là dì tôi nói vậy. Dì bảo, bây giờ các em cũng lớn, dì vất vả rồi nên dì không thể lo cho tôi được. Nếu tôi muốn đi học, tôi phải tự ra ngoài bươn chải. Tôi rơi vào tình trạng không nhà cửa, không tiền nhưng tôi không thấy khó chịu, thậm chí tôi còn cảm thấy mình như một người vừa được cởi trói. Dì là người bảo lãnh tôi trước 15 tuổi. Còn giờ đây, tôi có thể đến với cha, về với những gì tôi thực sự muốn.
Tôi đăng tin tìm bạn ở ghép trên mạng, không gần trường chuyên thành phố nhưng gần nơi cha tôi ở. Mỗi buổi chiều sau buổi học tôi thường chạy về trò chuyện với cha. Những lúc cha bình thản trong sự lặng yên của tâm hồn mình, không có ai ám ảnh, không có ai chi phối và chẳng còn cái gào thét u uất, cha mỉm cười ngồi nghe tôi kể chuyện về mẹ. Tôi và cha, sợi dây duy nhất liên kết giữa chúng tôi chính là mẹ. Người đàn bà đã khuất bóng ở đây mà lúc nào cũng như chạm vào tay của cả hai chúng tôi. Cha nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến, rồi cha khẽ cầm lấy tay tôi.
"Mừng con vào cấp ba".
Cha đưa cho tôi một bọc nhỏ, đó là những lá thư, những tờ tiền được sắp xếp một cách ngay ngắn.
"Những lúc tinh thần ổn định, cha vẫn làm việc, con thấy đấy, trên bàn cha, cha đang dịch".
"Cha".
Tôi chỉ bật lên được tiếng nói ấy, rồi nghẹn lại. Lúc ấy, cha tôi cũng như bao nhiều người cha bình thường khác ngoài kia. Cha vẫn làm việc, vẫn cố gắng sống hàng ngày như một người bình thường. Khi tôi gặp bác sĩ, họ nói cha đang có dấu hiệu bình phục. Thần kinh của cha đã khá lên rất nhiều. Buổi đêm, cha không bật dậy giữa chừng, không gào thét và không khiếp sợ nữa.
Chị bảo tôi đừng nên hy vọng quá. Những người sắp đi về cõi chết hay khiến chúng ta lóe lên tia hy vọng lần cuối. Tôi mở cửa bước ra khỏi phòng ngay lúc chị vừa dứt lời. Không phải tôi ghét chị vì đã dập tắt hy vọng của tôi. Tôi ghét chị vì đã chọc vào đúng cái điều tôi đang lo lắng.
Đêm đó, lúc tôi ở chỗ cha về, chị vẫn để điện sáng đợi tôi.
"Ba chị đã hôn mê 3 năm và ông ấy tỉnh lại một lần, trong vòng một ngày, sau đó ông ấy ra đi vĩnh viễn. Chị biết cha Linh có thể không như vậy nhưng hy vọng quá, đôi khi càng khiến chúng ta đau lòng hơn".
Đó là lần đầu tiên chị nói với tôi về gia đình mình, khi mà chị biết tất cả về tôi. Tôi chợt nhận ra, bản thân mình đã vô tâm đến mức nghĩ rằng chỉ riêng tôi bất hạnh, chỉ riêng tôi cần được sẻ chia. Lần đầu tiên, chị đã cho tôi cơ hội để hiểu chị và cũng là hiểu tôi.
Tôi và chị tự nhiên gắn bó với nhau hơn. Tôi không còn cảm giác phải thui thủi một mình như khi ở nhà dì nữa. Những buổi thảnh thơi, tôi dẫn chị vào thăm cha. Chị thường im lặng, hoặc đi loanh quanh trong lúc tôi trò chuyện cùng cha. Nhưng chị luôn mỉm cười, rất trìu mến mỗi khi mắt tôi bắt gặp ánh mắt chị, có lần, tôi cảm thấy đó như là ánh mắt của mẹ tôi.
Tôi không biết nhiều về chị. Chị làm việc gì đó rất bận rộn. Chị thường đi từ chiều đến tận đêm mới về. Chị ở nhà ít nhưng chị chỉ để tôi trả một phần tiền nhà, còn chị chịu hai phần. Chị nói, tôi là sinh viên nên chị muốn giúp đỡ. Tôi tìm được công việc dịch thêm tài liệu ở một vài tờ báo. Mỗi bài dịch xong, tôi lại biết ơn cha tôi. Đến bây giờ, tôi chưa thấy dấu hiệu di truyền nào về bệnh trầm cảm di truyền của ông nhưng tôi đã thừa hưởng khả năng học ngoại ngữ và dịch thuật của ông. Tôi muốn trở thành một người dịch thuật giỏi. Tôi muốn bước tiếp những bước chân mà ông đã rất khó khăn, rất kiên nhẫn để bước đi.
Cha tôi đã chết. Ông đã thả mình từ trên sân thượng xuống. Ông nghĩ rằng mình là một cái chong chóng. Và ông muốn bay lên, rộn ràng. Là tự ông đã chết. Không có một tiếng nói nào thúc ép ông. Bản thảo đang dịch dở vẫn nằm trên bàn làm việc của ông. Tôi giữ lại chiếc chong chóng, tôi có cảm giác chính nó đã giết cha tôi. Và tôi, chính tôi là người đã tạo ra nó. Cảm giác ấy khiến tôi sợ hãi bản thân, đắm chìm trong sự ân hận.
Cha tôi chết. Và đột ngột chị cũng ra đi. Chị để cho tôi tất cả đồ đạc. Tiền thuê nhà trả trước một năm. Tại sao chị phải làm như vậy với tôi. Chị và tôi rốt cuộc cũng chỉ là những bèo nước gặp nhau sao.
***
Tôi xin về Sài Gòn công tác hai năm. Tôi muốn tìm gặp lại anh, người đã từng dịch tác phẩm "C.T" ấy. Người đàn ông có đôi mắt tưởng chừng như được bọc lại bởi hàng ngàn lớp vải lụa, mềm mại, mà sâu kín.
Khi tôi gặp anh, anh từng được nhiều người trong giới ca ngợi về khả năng cùng sự kiên cường khi chống lại căn bệnh trầm cảm ngày một nặng nhưng giờ đây, sau bao nhiêu năm xa cách, tôi không tin được rằng, tôi lại phải nhìn anh qua khung cửa của một bệnh viện tâm thần. Tôi không tin được rằng có ai có thể trấn áp anh.
Trước đây, anh đã khước từ tình cảm nồng nhiệt của một cô nhóc nữ sinh như tôi, để đến với người phụ nữ hiền từ, dịu dàng. Tôi đã từng hận anh nhưng sau nhiều năm, gặp lại, tôi nhận ra rằng, tình yêu của tôi với người đàn ông này vẫn còn âm thầm như một mầm sống. Con gái anh, nó có ánh mắt của anh, có nụ cười của vợ anh. Tự nhiên tôi nghĩ rằng tôi có thể yêu thương nó, theo cái cách mà tôi muốn cảm nhận tình yêu của anh.
Mỗi khi cùng con gái anh vào thăm anh, tôi tưởng như chúng tôi là một gia đình, dù anh không nhận ra tôi và tôi biết cha con họ chỉ đang nói về một người đàn bà khác. Ngày qua ngày, đôi mắt anh càng trở nên u uất. Khuôn mặt anh già nua và đầy dấu vết của sự mệt mỏi. Tôi có cảm giác, anh đang chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng của mình. Ngày ấy, anh đang bước đến rất gần.
Lúc anh mất, tôi đã rời đi ngay. Tôi sợ nhìn thấy một đám tang. Tôi sợ tôi sẽ khóc lóc, sẽ la hét, như đứa con gái 18 năm về trước. Thân xác anh đã nằm xuống nhưng tâm hồn anh, tôi biết đã bay rất cao.
Tôi đã về để chứng kiến những ngày sống cuối cùng của anh nhưng tôi không tuyệt vọng. Tôi nhận ra rằng, có điều gì rất mạnh mẽ đang lớn lên trong cơ thể bé nhỏ của con gái anh. Cô gái đa cảm ấy đã đem lại niềm tin rất lớn cho tôi.
***
Mộ mẹ và cha nằm cạnh nhau. Ở đó đã có hai bó hoa cẩm chướng đỏ, loài hoa mà cha và mẹ yêu thích. Tôi ngồi ở đây rất lâu. Tôi cảm thấy họ đang ngồi đây, ngay cạnh tôi. Họ xoa lưng, xoa tay, vuốt tóc tôi. Tôi nghe thấy được tiếng họ đang trò chuyện. Nó khiến tôi hạnh phúc. Tôi chỉ nhớ chị. Chị đã yêu thương tôi hệt như cách tôi muốn cảm nhận tình yêu từ mẹ của mình. Tôi sẽ ở đây, có thể một lúc nào đó, chị sẽ trở về.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/truyen-ngan-tinh-than-am-ap-20220703170729004.htm