Truyện ngắn: Trả gió trôi sông

Ngoại mất. Đúng gần cuối tháng Tư. Má không khóc. Má nói cả đời ngoại chẳng bao giờ khóc, nên khi ngoại đi đừng ai khóc.

Dòng người đưa ngoại kín cả con đường quê. Người làng xóm và các ban ngành thôi chứ không phải bà con thân thuộc. Đoàn đưa tiễn lặng im suốt quãng đường, chỉ có tiếng kèn nhạc từ xe tang. Vậy mà tới lúc hạ huyệt, ai nấy đều khóc òa, to nhất là má. Má lả đi, nó phải đỡ lấy. Nó mím chặt môi, tứa máu gắng không cho thứ nước mặn chát trào ra ngoài khóe mắt. Đau lắm chứ, nhưng nếu gục ngay lúc này thì ai sẽ lo cho gia đình. Vả chăng, ngoại hay dạy phụ nữ là phải mạnh mẽ, đừng bao giờ để cuộc đời vùi lấp mình, phải đâm thẳng lên như cỏ tranh, lá bén ngót lớ quớ đụng đứt tay. Cuộc đời ngoại đã bao lần bị vùi lấp, nhưng vẫn kiên cường như cỏ vươn lên. Ngoại thường hay kể về đời mình cho nó nghe, từ hồi còn à ơi trên võng tới khi nó đã thành thiếu nữ. Lời cuối cùng ngoại nói trước khi ra đi mãi mãi là “đừng để bị vùi lấp, nghen con!”. Đó là câu thần chú giúp ngoại đi qua những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời. Ngoại truyền cho má rồi giờ truyền cho nó…

* * *

“Đừng để bị vùi lấp”. Chị đã tự nhủ mình hàng ngàn lần như vậy. Mỗi đêm, khi ôm con trong vòng tay, thấy khuôn mặt ngây thơ đang say giấc, hít hà đôi má thơm mùi sữa, lòng chị dịu lại. Một người đàn bà cần gì hơn nữa đâu. Người ta hay nói “cây độc không trái, gái độc không con”. Làm gì thì làm, đàn bà phải có một đứa con, để chi, để mình yêu thương chở che cho nó, để nó dạy mình biết yêu thương, biết mạnh mẽ trưởng thành. Như cái cây phải dốc toàn bộ nhựa sống để nuôi trái, có những loài cây khi trái chín cũng là lúc cây kết thúc vòng đời của mình; người mẹ cũng rút tất cả máu mủ tâm huyết của mình thành sữa nuôi con. Hạnh phúc nào lớn bằng niềm vui khi thấy con bú dòng sữa mát của mình mà lớn, thấy nó cười, nó khóc, bi bô gọi “mẹ”.

Nhưng cuộc đời chẳng bao giờ toàn màu hồng, ai rồi cũng phải trải qua giông gió. Đời chị, nỗi đau lớn nhất không phải là lúc ngất lịm đi vì bị địch cưa chân ba lần, cũng không phải là lúc thằng thiếu tá kẹp điện vào mười đầu ngón tay, hay đổ nước xà phòng vào miệng tra tấn đến chết đi sống lại bao phen, bởi khi ấy, chị vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu thét vào mặt chúng nó: “Chúng mày một lũ khát máu, tàn sát đồng bào, đừng hòng moi được gì từ tao”. Mấy năm trong tù, chịu biết bao trò tra tấn, chết đi sống lại mấy lần, chị vẫn chẳng thấy đau. Bởi khi ấy, lòng căm thù lớn hơn nỗi đau thể xác. Nỗi đau lớn nhất, với chị, là khi đồng đội đã từng vai kề vai chiến đấu, từng chia nhau một vắt cơm khê lại trợn mắt trợn mũi thét vào mặt: “Đồng chí suy nghĩ thế nào mà lại làm mất mặt Đảng như vậy. Chửa hoang, trời ạ, thèm muốn lắm hay sao?”.

Chị bật khóc.

Đó là lần đầu tiên chị bật khóc. Thèm muốn ư, chị không hề thèm muốn. Khi thứ ấy luồn vào người, chị chỉ thấy thân thể mình tách làm hai nửa, nhưng vì cái khát khao được nghe tiếng trẻ con khóc quá lớn đành cắn răng chịu đựng. Xong việc, anh bảo chị hãy quên đi. Chị cười nhạt: "Yên tâm, chỉ có hai ta biết việc này, tôi biết ơn anh nhiều lắm, sẽ chẳng bao giờ hé răng nửa lời đâu". Cơ mặt anh giãn ra. Chị đã hứa thì chắc chắn làm được. Bọn địch tra tấn dã man chị còn chẳng hé răng nửa lời cơ mà. Thế là kết thúc. Chị chờ đợi một sự sống cựa mình trong cơ thể. Lúc thai nghén hành ói hết những gì vừa vào bao tử, chị đã mỉm cười hạnh phúc. Thế là niềm mong mỏi đã thành hiện thực. Một đứa con. Cảm ơn ba má đã phù hộ cho con có một đứa con. Nó sẽ được lớn lên trong hòa bình, sẽ không bao giờ phải nghe tiếng súng, ngửi mùi chết chóc, không phải chạy trốn máy bay, không bị bom rơi nát xác. Nó sẽ được cười, được chơi đùa trong hòa bình.

Bởi vậy, khi ra trước hội đồng kỷ luật, khi bị quát vào mặt: “Cha đứa bé là ai?”, chị vẫn nín thinh. Chị không khai phải không, chị sẽ bị kỷ luật khai trừ Đảng. Tổ chức không chấp nhận một người phụ nữ suy thoái đạo đức như chị. Chị cắn chặt môi. Máu tứa ra, nhưng vết thương ấy không đau bằng vết cắt trong tim. Trái tim chị đang rỉ máu. Sao không đau cho được khi ngồi đấy là đồng đội mình đó. Ngồi đấy là những người mình yêu thương, bảo vệ đó. Giờ đây họ lại ném toàn ánh mắt khinh bỉ vào mình. Dù đã lường trước được, nhưng sao lòng vẫn đau xót đến vậy. Chẳng lẽ họ không hiểu rằng chị cũng xứng đáng được làm mẹ hay sao? Chẳng lẽ họ không hiểu rằng chị cũng chỉ là một người phụ nữ yếu đuối, cần có một người đồng hành hay sao? Hay họ nghĩ rằng trái tim chị bằng gang thép không biết khát khao làm mẹ. Làm mẹ thì có gì sai, không chồng mà chửa thì có gì sai. Bọn địch đã cướp đi cái quyền làm vợ của chị, chẳng lẽ đồng đội mình lại muốn cướp nốt cái quyền làm mẹ hay sao?

Chị không hề thấy mình sai. Thế nhưng, những lời xầm xì to nhỏ, những con mắt dè bỉu đã dần dần làm chị sợ. Chị không dám nhìn vào mắt bà con làng xóm mà lầm lũi cúi mặt bò lết về nhà, lầm lũi sống. Miệng lưỡi thiên hạ còn ghê gớm hơn những gông cùm, tra tấn của địch. Nhưng chị sẽ không bao giờ để bị vùi lấp. Mỗi lần sờ bụng, cảm nhận sự sống bé nhỏ đang cựa mình, chị hạnh phúc lắm. Chị chờ mong, khát khao cái ngày được thấy mặt con. Cũng may bà con chòm xóm hiểu cho chị, họ yêu thương đùm bọc bằng cái tình chân chất của người dân quê.

Ngày chị trở dạ, trời lại mưa tầm tã. Nhà chẳng có ai, sanh lúc này thì chẳng biết làm sao. Chị đang lo lắng thì bà Tư hàng xóm chạy sang. Bà bảo tự dưng thấy nóng bụng nên sang xem bây ra sao. Chị thều thào: “Con đau bụng quá Tư ơi”. Bà Tư rờ thấy nước ối ướt hết quần thì hốt hoảng la lên: “Sắp đẻ rồi bây”. Thế là bà tụt quần, lấy thau, lấy quần áo lót. Bà động viên và hướng dẫn chị rặn. Cũng may chị đẻ dễ, chỉ rặn hai cái, đứa bé đã ra. Giọng bà Tư vui mừng thông báo: “Là con gái bây ơi!”. Tiếng trẻ con khóc ré lên át tiếng mưa ào ào ngoài kia. Chị mỉm cười mãn nguyện, vậy là mình được làm mẹ rồi. Làm mẹ thật rồi…

Người mẹ nào chẳng hạnh phúc khi con mình được sinh ra. Chị đã cười rất nhiều, đã hôn hít rất nhiều lên đôi má, đôi tay bé nhỏ đó. Thế là từ đó, căn nhà rộn tiếng cười. Chị hay rúc đầu vào bụng con, ghẹo nó cười. Con bé hả miệng cười ha hả nghe thật sướng tai. Trời thương nó ít bệnh vặt, cứ cùi cụi mà lớn. Chị địu nó sau lưng cuốc đất trồng rau. Chị mang nó theo khi tới nhà dân làm công tác dân vận. May sao có những người yêu quý phụ ẵm em, nói những lời động viên. “Kệ, cứ vui vẻ mà sống đi con, lo con nhỏ cho tốt, mốt già yếu còn có người lo lại cho mình chớ”. “Cái chức phó chủ tịch đó cũng đâu có bằng cái mụn này há”... Có khi dân thương còn cho con cá, bó rau. Dần dần, chị đỡ mặc cảm, đỡ tủi thân hơn một chút. Chị cứ địu con đi dân vận như thế suốt. Phong trào phụ nữ của xã sôi nổi. Các chị em ngồi nghe chị chia sẻ, làm theo. Các chị em còn động viên lại chị, chu đáo đưa hai mẹ con về.

Cứ thế, con bé lớn dần, biết bò rồi biết chạy. Có lần nó hỏi cha đâu sao không bao giờ thấy cha?. Chị chẳng hề thấy xót, thấy đau, bởi mình có yêu thương người ta đâu, mình cũng có chờ mong người ta nuôi con phụ đâu, mình chỉ là xin một hạt giống để gieo mầm sự sống mà thôi. Bởi vậy, chị mỉm cười hiền lành biểu con rằng cha con mất lâu rồi, từ khi con chưa sinh ra nữa. Vậy mà có buổi đi chơi về, nó ôm mặt nức nở rằng: “Các bạn nói con là đồ con hoang không có cha, có phải vậy không má?”. Chị phải dỗ dành giải thích mãi, con bé mới nguôi đi. Chị thương nó, mới chút tuổi đầu đã phải gánh chịu miệng lưỡi thiên hạ. Lòng chị chua xót, có chút hối hận tự hỏi có phải mình đã sai không khi tự ý kéo nó đến với cuộc đời này. Nhưng rồi chị lại nghĩ, ai cũng phải trải qua những tổn thương để từ đó mà trưởng thành. Vậy nên chị dạy con gái câu thần chú: “Đừng để bị vùi lấp, hãy mạnh mẽ như cỏ dại mà vươn lên”. Từ đó, con bé không còn khóc nữa. Nó lăng xăng phụ việc nhà, nó hát, nó kể chuyện cho mẹ nghe. Nó còn động viên ngược lại rằng: “Má đừng có buồn khi người ta ăn hiếp má nghen, mình phải mạnh mẽ như cỏ vươn lên má há”…

* * *

Má kể, má đã lớn lên bằng con ốc, con cua ngoài ruộng, bằng mớ rau tập tàng ngoài vườn và trong vòng tay yêu thương bảo bọc của ngoại. Ngoại dạy má học chữ, dạy má nấu cơm. Sáu tuổi, má đã biết nấu cơm quét nhà. Tám tuổi đã thành thạo việc nhà. Má biểu, ngoại là người vĩ đại nhất. Người ta hai tay hai chân còn chật vật nuôi con, mà ngoại chỉ hai bàn tay thôi cũng nuôi má lớn nên người. Nó thắc mắc: “Má ơi, có phải má bỏ ba vì ngoại không?”. Má thở dài nhìn khoảng sân tối om không đáp. Chừng lâu, má mới biểu nó: “Cuộc đời này có được, có mất, không bao giờ vẹn toàn. Một khi đã lựa chọn thì đừng bao giờ quay đầu nhìn lại nghen con. Dẫu phía trước là sướng vui hay đau khổ, chúng ta cũng phải kiên cường bước tiếp”.

Nó thôi không truy vấn má nữa. Nó lặng lẽ thắp nhang cho ngoại. Nụ cười hiền từ, ánh mắt sáng kiên nghị, ngoại đẹp theo nét riêng của ngoại. Nó mỉm cười khấn thầm: “Ngoại ơi, con sẽ mạnh mẽ như cỏ, không bao giờ chịu cúi đầu khuất phục, ngoại hen!”.

Ngân Kim

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/truyen-ngan-tra-gio-troi-song-383890.html