Truyện ngắn: Trước sân hoa sẽ nở
Bát cháo sườn anh nấu, bên trên có mấy cọng hành lá và tiêu xay, chị múc được mấy muỗng thì ăn không nổi nữa.

Lúc chị thức dậy thì anh đã đi làm rồi. Trên tủ đầu giường là bát cháo sườn còn ấm và một tờ giấy nhắn: “Em ăn cháo rồi uống thuốc. Ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, trưa anh mua cơm về rồi vợ chồng mình cùng ăn”.
Bát cháo sườn anh nấu, bên trên có mấy cọng hành lá và tiêu xay, chị múc được mấy muỗng thì ăn không nổi nữa. Miệng đắng nghét, đầu váng vất như có bầy ong vò vẽ đập cánh bên tai, chị mệt mỏi ngả người xuống gối.
Bên ngoài cửa sổ, trên dãy nóc nhà và hàng dây điện chằng chịt mây trắng thong thả trôi đi từng sợi mảnh. Thời tiết dễ chịu nhưng chị cảm thấy lạnh, có lẽ cơn sốt lại đến rồi.
Chị bóc những viên thuốc ra khỏi vỉ, năm viên cả thảy, tròn có dẹt có. Chị cho tất cả vào miệng uống một ngụm nước. Vị đắng của thuốc tây thấm vào cổ họng, cố gắng lắm chị mới không nôn ra. Nếu nôn ra thì phải ăn, phải uống lại từ đầu. Chị mệt mỏi nghĩ, ngước mắt nhìn tấm ảnh cưới treo trên bức tường đối diện.
Trong ảnh chị mặc đầm cô dâu trắng, đầu đội khăn voan; anh mặc vét đen, ve áo cài một bông hồng. Anh chị kết hôn trong đợt dịch nên tổ chức đơn giản. Dịch qua, ba mẹ hai bên bảo cưới thêm lần nữa để đông đủ họ hàng, bạn bè tham dự. Chị hỏi ý anh, anh bảo:
- Thôi em ạ. Làm đi làm lại, người ta lời ra tiếng vào.
Chị thấy anh nói có lý, thế là thôi không tổ chức gì cả. Chị nhớ hôm chụp bức ảnh này là một ngày nắng nhẹ. Anh chở chị đến hiệu ảnh, hai người nắm tay bước qua cửa. Nhân viên cúi gập người chào, xoắn xuýt khen đẹp đôi.
Dù biết người làm dịch vụ miệng ngọt như ngậm kẹo, nhưng đôi môi chị không giấu nổi nụ cười. Hôm lấy tranh về hai vợ chồng vui lắm. Chị một tay cầm tranh, một tay ôm ngang lưng anh, mắt hân hoan ngắm cảnh phố phường.
Cũng quang cảnh bụi bặm ấy, cũng âm thanh còi xe nhộn nhịp ấy, thế mà sao lòng chị bồi hồi quá đỗi. Chắc vì trái tim chị đang ngập tràn hạnh phúc và nỗi mong chờ với cuộc sống hôn nhân.
Chị trở mình quay mặt vào vách, hai mắt cay xè, mũi nghẹt cứng không sao thở được. Chị cứ lăn qua lăn lại như vậy, nửa giờ sau cả người toát mồ hôi, mái tóc dài ướt nhẹp bết lại. Viên thuốc hạ sốt đã có tác dụng, người chị nhẹ dần nhưng vẫn còn hoang hoải.
Chị mệt mỏi ngồi dậy, đôi chân khẽ run khi chạm vào sàn gạch lạnh lẽo. Con mèo tam thể chạy đến quấn lấy chị kêu meo meo, chiếc đuôi dài dựng đứng lên ve vẩy. Chị đem bát cháo còn một nửa đổ vào khay ăn cho nó, thủ thỉ như nói với con trẻ:
- Miu ăn giúp tao nhé. Anh ấy về thấy còn thừa, sẽ cau có suốt buổi cho mà xem.
Con mèo ngửi cái khay, nhoáng một cái đã ăn hết sạch. Nó vuốt râu, rướn người nhảy phóc qua cửa sổ, chạy đi mất hút. Chị xỏ dép ra sân. Lá rụng vương vãi trên nền xi măng mòn lõm.
Những chiếc lá khô vỡ vụn dưới bước chân nghe xơ xác tiêu điều như mảnh vườn hoang. Chị ốm hôm nay là ba bữa, nhà cửa không ai quét tước, dẹp dọn. Anh đi cả ngày, có hôm làm thêm giờ tối mịt mới về, đến nhà tắm rửa, ăn uống xong là anh lăn ra ngủ.
Nằm bên cạnh, chị chưa nói được lời nào đã nghe anh ngáy o o. Gác tay xuống đầu làm gối, chị xoay người lẳng lặng nhìn chồng. Chị biết từ lâu anh vẫn âm thầm mong mỏi một đứa con, trai hay gái gì cũng được.
Chị cũng nôn nóng không kém gì anh, nhưng mấy năm rồi mà bụng chị vẫn phẳng lì dưới lớp áo. Chị tự an ủi con cái là lộc trời cho, kiên nhẫn chờ đợi rồi tin vui sẽ đến, nhưng ra đường thấy người ta tay bồng tay dắt, lòng chị lại buồn và thổn thức nhiều điều.
Sau kỳ bệnh dịch, đời sống khó khăn hơn. Anh mất công việc cũ, chạy đôn chạy đáo khắp nơi mới có được công việc hiện tại. Tiền lương không nhiều như trước, tài chính gia đình vì thế sụt giảm, anh chị phải chuyển từ căn nhà thuê ngoài mặt phố vào ngôi nhà trong hẻm này.
Lúc mới dọn đến, chị trồng trước sân những chậu hoa cánh bướm và cúc bách nhật. Sáng sáng trước khi đi làm, chị ra sân quét lá, tưới nước. Chiều về chị lại tưới nước bắt sâu thêm một lần nữa mới vào nhà nấu cơm tối. Thế nhưng công việc bận rộn, trăm thứ lo toan, chị quên mất những chậu hoa kia.
Không người chăm sóc, chúng héo rũ trong chậu. Bây giờ nhìn lại chỉ thấy cỏ mọc đầy, một đàn kiến lửa nối nhau bò lên thành nhựa. Chị lấy que chọc xuống lớp đất khô cằn, đàn kiến thấy động chạy nháo nhác. Một con cắn vào tay chị, chỗ ấy nổi mẩn lên đau nhức.
Chị phủi vội bàn tay, đứng dậy đi vào nhà. Sắp mười một giờ, chốc nữa anh sẽ mang cơm về. Nghĩ đến bữa trưa, chị thấy ngán. Miệng lưỡi vẫn còn khô đắng, chị uống nước cũng khó nuốt. Mồ hôi đổ ra từng đợt thấm ướt lưng áo chị. Một cơn gió thoảng qua, hơi mát mơn man trên làn da ẩm.
Có tiếng xe gắn máy ngoài cổng, anh dắt xe vào sân, tay xách chiếc túi bóng đựng cơm. Hai vợ chồng ngồi xuống đối diện nhau. Chị trệu trạo nhai, cố lắm mà chưa hết nửa hộp. Anh đẩy qua chén canh khoai, bắt chị ăn hết rồi thanh toán nốt chỗ cơm còn lại. Nghỉ ngơi một lát, anh đi ngay.
Chị ra khóa cổng, dặn anh nhớ ghé quán mua ly nước ép uống cho mát. Mọi hôm chị sẽ nấu trà bí đao đường phèn cho anh mang đi làm, nhưng mấy hôm nay đau bệnh, chị không nhấc nổi chân tay. Anh ậm ừ, đội mũ bảo hiểm lên đầu rồi phóng xe chạy đi mất hút.
Buổi trưa trong con hẻm vắng vẻ và yên tĩnh. Đâu đây vẳng đến một bài nhạc rất quen, chị lắng tai nghe hồi lâu, miệng lẩm nhẩm giai điệu nhưng không nhớ nổi tên. Nằm trên giường cơn đau đầu lại đến, cổ họng chị khô rát như nuốt than hồng.
Cái quạt sắt trên bàn kêu ro ro, thổi tấm rèm cửa bay phất phơ trong nắng ban trưa. Mọi hôm đi làm chị thấy thời gian qua mau, bây giờ đau ốm nằm ở nhà thời gian như đông cứng lại. Chị hết nằm lại ngồi, đi ra đi vào mà buổi chiều vẫn lưng chừng ngoài ngõ. Con mèo đi chơi về nằm dài trước cửa, dưới ánh nắng hanh hao thong thả liếm lông.
Chị lại gần vuốt ve, con mèo lim dim mắt, cổ họng phát ra tiếng gừ gừ. Chị vào phòng tắm pha một thau nước ấm, cầm chiếc khăn bông nhúng nước vắt ráo lau khắp mình mẩy. Mái tóc mấy hôm không gội dính bết lại chị cũng đành để vậy. Cảm sốt không được động nước, chị cố chờ ít hôm khỏe lại rồi tắm gội một lượt.
Tối mịt anh mang thức ăn về đã thấy chị đứng chờ trước hiên nhà. Họ dùng bữa cùng nhau trên chiếc bàn góc bếp. Nhớ hồi mới cưới, anh và chị nói đủ thứ chuyện nhưng bây giờ họ chẳng còn gì để trao đổi nữa.
Công việc của anh ở công ty mới rất vất vả, cấp trên khó tính, đồng nghiệp lại chẳng quen ai. Tối nay, anh có điều bận tâm, miệng nhai cơm mà hàng chân mày cứ nhăn tít lại. Chị lặng lẽ gắp thức ăn cho anh, suốt bữa chỉ có tiếng bát đũa va vào nhau lanh canh. Bữa cơm xong, chị mệt nên giăng mùng ngủ sớm.
Anh vẫn ngồi bên bàn làm việc, màn hình máy tính hắt ra ánh sáng xanh mờ, âm thanh gõ phím lốc cốc vang lên đều đặn. Chị thiếp dần trong quầng sáng và tiếng động ấy. Giấc ngủ nặng nhọc đứt đoạn, hình như chị nằm mơ thấy mình trôi trên một dòng sông, xung quanh là những bông lục bình tím thẫm.
Sáng nay cũng như hôm qua, chị thức dậy thì anh đã đi rồi. Trên bàn là một bát cháo thịt xay nhưng không có tờ giấy nhắn nào cả. Chị đã khỏe hơn nhiều, trong người bớt nặng nề. Chị ăn hết bát cháo rồi ra sân quét lá.
Nhiều ngày lá dồn lại thành đống, chị vun vén tất cả vào gốc mận trước cổng, lá mục làm đất thêm màu mỡ, rất tốt cho cây. Trên những cành nhánh lòa xòa, mấy trái mận chín đỏ lủng lẳng như ngọn đèn lồng. Cơn gió thoảng qua thổi phất phơ những sợi tóc mai, chị với tay lên vòm lá vặt trái mận cắn một miếng, vị chua thanh thanh thật dễ chịu, chị hái thêm vài trái nữa ăn ngon lành.
Tự nhiên chị sững người, trước đến giờ chị không thích ăn chua, cây mận này ra trái chỉ có bọn trẻ con trong hẻm đến xin. Thế này là sao? Chị cắn môi tự hỏi, hai tay rụt rè đặt lên bụng, một nụ cười len lén trôi qua.
Lòng hồi hộp, chị đứng lặng dưới gốc mận âu yếm nhìn ngôi nhà nhỏ, rồi lại nhìn mãi mấy cái chậu nhựa trống không, khẽ nhắm mắt lại và hình dung đến lúc chúng được lấp đầy những bông hoa rực rỡ. Khỏi ốm rồi, chị sẽ cắp giỏ ghé qua khu chợ gần đây mua thực phẩm tươi ngon về nấu cho anh bữa cơm nóng hổi.
Mỗi chiều tan tầm, anh không còn la cà quán xá, chỉ một lòng nôn nóng trở về nhà. Dắt xe qua cổng anh sẽ thấy hoa nở đầy sân, sẽ nghe rộn ràng bên tai tiếng trẻ bi bô tập nói, sẽ nghe thơm nồng trong cánh mũi bữa cơm thanh đạm mà đầy ắp những thân tình...
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-truoc-san-hoa-se-no-post724694.html