Truyền ngọn lửa đam mê khoa học tới học sinh phổ thông

Chương trình triển lãm khoa học Science Tornado 2024 vừa được tổ chức bởi các em học sinh phổ thông ở Hà Nội, đã thu hút hàng nghìn người tham gia. Những thí nghiệm, kiến thức khoa học lý thú trong không gian ngoài trời không chỉ đem đến một sân chơi bổ ích, mà còn đánh thức cũng như truyền ngọn lửa đam mê khoa học tới cộng đồng, đặc biệt là các em nhỏ.

Những thí nghiệm tại Science Tornado 2024 thu hút đông đảo sự quan tâm của học sinh, sinh viên. Ảnh: Ngọc Diệp.

Những thí nghiệm tại Science Tornado 2024 thu hút đông đảo sự quan tâm của học sinh, sinh viên. Ảnh: Ngọc Diệp.

Kiến thức được ứng dụng vào thực tiễn

Lấy cảm hứng từ con đường tơ lụa lịch sử - biểu tượng của giao thương, trao đổi văn hóa và tri thức, nơi chứng kiến những thành tựu vĩ đại của nhân loại, sự kiện đã đưa người xem cùng khám phá, tìm hiểu các thành tựu khoa học gắn liền với các nền văn minh vĩ đại xuyên suốt lịch sử nhân loại. Người tham gia còn có thể tự tay làm những thí vật lý, hóa học cũng như chế tạo những món đồ, vật dụng khoa học từ các vật liệu gần gũi nhất ở khu DIY dưới sự hướng dẫn của Ban tổ chức. Khu Boardgame với rất nhiều trò chơi hấp dẫn mọi lứa tuổi, đặc biệt là các em nhỏ. Điểm nhấn của triển lãm chính là khu đặc biệt, khách tham quan được thấy một bản thân thu nhỏ trong một không gian xung quanh là vô vàn những thí nghiệm to lớn, khổng lồ được đầu tư chỉn chu và kỹ lưỡng được thực hiện hoàn toàn bởi những học sinh lứa tuổi THPT.

Em Nguyễn Vũ Phúc Khang - học sinh lớp 12 Hóa 2 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (quận Cầu Giấy, Hà Nội), đại diện ban tổ chức Science Tornado 2024 chia sẻ: “Tiếp nối 10 mùa tổ chức thành công, chương trình hướng tới xây dựng một sân chơi khoa học kỳ thú và mới lạ để các em nhỏ được thỏa sức tìm tòi, học hỏi cũng như giúp các em củng cố những kiến thức thực tế dưới góc nhìn khoa học đầy sáng tạo. Đồng thời tạo điều kiện cho các em được ứng dụng những kiến thức và kỹ năng đã học được vào các vấn đề thực tiễn” - Khang nói.

Trước đó, chương trình cũng thực hiện một chuỗi các buổi giao lưu biểu diễn thí nghiệm khoa học tại các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn TP Hà Nội nhằm lan tỏa niềm đam mê khoa học, giúp các bạn học sinh, sinh viên, các em nhỏ có cơ hội được tiếp cận với lĩnh vực khoa học công nghệ, tăng cường tính sáng tạo thông qua những hoạt động ý nghĩa. Quan điểm đem bài học vào cuộc sống đã và đang được các thế hệ học sinh hôm nay từng bước thực hiện.

Đẩy mạnh giáo dục STEM trong nhà trường

Trước xu thế tất yếu của việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào đời sống, ngành giáo dục thời gian qua cũng đẩy mạnh giáo dục STEM trong nhà trường. Đây là phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn. Tùy từng địa phương, từng trường học có những triển khai cụ thể linh hoạt phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, năng lực của học sinh. Năm học 2024-2025, TPHCM triển khai giáo dục STEM trong các trường THCS, THPT với 3 hình thức: dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM và tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Tùy thuộc vào mục tiêu, yêu cầu cần đạt từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường có thể áp dụng và việc đánh giá kết quả học tập của học sinh theo phương thức giáo dục STEM được thực hiện theo quy định tại Thông tư 22.

Nhìn lại việc dạy học theo phương pháp STEM đã bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm 2006 ở một số địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đánh giá những hiệu quả mà phương pháp này mang lại. Đó là góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn, phát huy tính tích cực, sáng tạo và tự chủ của học sinh góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Về mặt hạn chế, học sinh vẫn đang tham gia nhiều ở phần thực nghiệm. Việc thiết kế, xây dựng phương án thí nghiệm để giải quyết vấn đề phát hiện còn hạn chế. Chưa có nhiều cơ hội để học sinh được áp dụng kiến thức đã học từ chương trình môn học giải quyết các tình huống trong thực tiễn. Phần lớn các bài học là STEM kỹ thuật, chế tạo dụng cụ, học sinh thực hiện theo quy trình đã định trước, bài học STEM khoa học còn ít được triển khai.

Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô - đun tập huấn cho giáo viên cốt cán về triển khai giáo dục STEM trong các nhà trường. Về phía các nhà trường nên chủ động tự tập huấn vừa nâng cao chất lượng dạy, học, vừa tháo gỡ vướng mắc kịp thời.

Dự thảo Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2035 và định hướng tới năm 2045 của Bộ GDĐT hướng đến tỷ lệ người theo học các ngành STEM (Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật, Mathematics - toán học) đến năm 2030 là 35% ở mỗi trình độ đào tạo. Bộ cũng dự kiến tăng quy mô đào tạo khối STEM đạt trên 1 triệu người học vào năm 2030.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/truyen-ngon-lua-dam-me-khoa-hoc-toi-hoc-sinh-pho-thong-10294210.html