Truyền thông chính sách: Để những ách tắc không nằm bên lề

Trong lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hầu A Lềnh trăn trở, chính sách của Đảng, Nhà nước đang dần hoàn thiện nhưng chính sách hay đến đâu, nguồn lực nhiều đến đâu mà bà con không nhận thức được, không đồng lòng thực hiện thì sẽ không thành công.

Tại phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 6/6 vừa qua, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, để giải quyết thách thức trên không có gì hơn là phải tuyên truyền, giáo dục. Bà con phải biết về kiến thức, hiểu biết về khoa học kỹ thuật, phải tiếp cận được các kênh thông tin cộng với sự hỗ trợ từ công tác truyền thông của các cơ quan đoàn thể, tất cả tích hợp lại mới giải quyết được vấn đề.

Cũng tại Kỳ họp thứ 5, nêu quan điểm về truyền thông chính sách, Đại biểu Phạm Nam Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, mô hình truyền thông hiệu quả là đối thoại, bảo đảm quyền được biết của công chúng, đồng thời tạo môi trường công khai, minh bạch cho việc thảo luận, xây dựng thực thi chính sách. Như vậy, truyền thông phải gắn liền với công tác dân vận, thực hiện dân chủ ở cơ sở; kích thích sự tham gia tích cực, chủ động của người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh truyền thông xã hội ngày càng trở nên phổ biến, những sự cố khủng hoảng truyền thông cũng diễn ra nghiêm trọng hơn thì truyền thông để tạo sự đồng thuận, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức, đầu tư nguồn lực và cả sự hiểu biết sâu rộng, cách làm mới của những người làm truyền thông

Đại biểu Phan Đức Hiếu - đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, truyền thông chính sách được hiểu là thông tin chính sách đến các đối tượng liên quan, ngược lại, thông qua các phương tiện thông tin, thu thập những phản biện xã hội về chính sách.

Truyền thông phải đi từ sớm, đơn cử, việc tổ chức hội thảo, hội nghị có tính chất tham vấn dự thảo nhằm đưa ra những dự kiến nội dung chính sách thay đổi, là kênh thông tin sớm cho các đối tượng chịu ảnh hưởng chính sách bởi người dân và doanh nghiệp sợ nhất chính sách thay đổi qua một đêm.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, muốn truyền thông hiệu quả, chính sách đi vào đời sống, đầu tiên, đòi hỏi người làm chính sách phải hiểu tường tận, đưa đến thông tin đầy đủ, toàn diện, đa chiều nhất đến với truyền thông. Mặt khác, truyền thông chính sách không phải là công việc một chiều, chính sách đến với người dân, doanh nghiệp là một chuyện, quan trọng hơn, phải thu thập, tiếp nhận được các tranh luận, phản biện về chính sách.

Đại biểu Phan Đức Hiếu đánh giá, một trong những kênh truyền thông chính sách hiệu quả nhất là báo chí. Bởi lẽ, báo chí đóng vai trò rất quan trọng khi mỗi một tờ báo có một đối tượng đọc giả riêng, như vậy, thông tin qua báo có thể dễ dàng tiếp cận đối tượng thụ hưởng chính sách. Báo chí cũng là một kênh thông tin mang đậm tính phản biện xã hội, thể hiện tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người dân, doanh nghiệp.

Thời gian vừa qua, thị trường kinh tế, tài chính chứng kiến nhiều biến động, vấn đề truyền thông chính sách đúng đắn, kịp thời càng đặt ra với cơ quan làm chính sách. Trong đó, truyền thông chính sách không chỉ hướng đến các đối tượng phải thực thi, áp dụng chính sách mà còn phải hướng đến đối tượng là khách hàng, người tiêu dùng cuối cùng, như người gửi tiền đối với các tổ chức tín dụng, người mua trái phiếu đối với doanh nghiệp.

Cùng bàn về vấn đề này, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên quan niệm, điều quan trọng của truyền thông chính sách là phải phê bình chính sách. Việc bỏ những đề xuất quy định như "bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thưởng khi thi đại học" hay "người ngực lép không được lái xe"... trước đây chính là những biểu hiện thành công của truyền thông chính sách, khi phát hiện ra những sai lầm, không đúng để kịp thời sửa chữa.

Truyền thông chính sách được làm tốt sẽ mở ra nguồn lực

Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách. Truyền thông chính sách được làm tốt sẽ mở ra nguồn lực, tạo sức mạnh lớn, nhưng ý tưởng tốt mà truyền thông không tốt thì cuối cùng cũng không làm được.

Ngày 21/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/truyen-thong-chinh-sach-de-nhung-ach-tac-khong-nam-ben-le-post23173.html