Truyền thông dân số - KHHGĐ Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Đổi mới công tác truyền thông dân số - KHHGĐ là việc làm thường xuyên được ngành dân số chú trọng trong những năm qua. Từ đó, góp phần tích cực để giảm mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Toàn tỉnh có 138 cán bộ chuyên trách dân số và 1.790 cộng tác viên dân số thôn. Với phương châm “Truyền thông đi trước một bước”, đội ngũ y tế thôn thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn trực tiếp, tư vấn nhóm nhỏ, phát tờ rơi... Bà Dương Thị Loan, cộng tác viên dân số thôn 3 Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) có 27 năm làm cộng tác viên dân số, bà thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ, bình đẳng giới. Bà bảo, với những người có tư tưởng sinh nhiều con, nhất là gia đình có 2 con gái bà đặt cho mình phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Nhờ đó, 5 năm trở lại đây, thôn không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên; 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại.

Cộng tác viên y tế thôn Bình Ca 2, xã Tứ Quận (Yên Sơn) tuyên truyền tới người dân về công tác dân số.

Cộng tác viên y tế thôn Bình Ca 2, xã Tứ Quận (Yên Sơn) tuyên truyền tới người dân về công tác dân số.

Hoạt động truyền thông được thực hiện ngày càng đa đạng và triển khai rộng khắp tới các xã vùng sâu, vùng xa. Huyện Sơn Dương là địa phương tiêu biểu trong công tác truyền thông dân số. Huyện hiện có 37.744 phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện thành lập Ban chăm sóc SKSS tại 31 xã, thị trấn; phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền lồng ghép về mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc SKSS với các tổ, nhóm, CLB như: CLB “Không sinh con thứ 3” của Hội Phụ nữ, CLB “Chăm sóc SKSS vị thành niên” của Đoàn Thanh niên. Các nội dung tuyên truyền chú trọng việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh, sơ sinh...

Anh Sình Văn Ngọc, thôn Đá Ngựa, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) chia sẻ, được cán bộ xã tư vấn, tuyên truyền về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh anh nhận thấy, dù có 2 con gái nhưng vẫn không có ý định sinh thêm để có con trai “nối dõi tông đường”. Anh sẽ dừng ở 2 con để nuôi con thật tốt, gia đình thuận hòa.

Ông Nguyễn Huy Phòng, Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, để đưa công tác DS-KHHGĐ đến với mọi tầng lớp nhân dân, ngành dân số rất quan tâm đến công tác truyền thông, trong đó có hoạt động truyền thông phối hợp. Trung bình mỗi năm, Chi cục phát hành 12.420 tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các trục đường với những nội dung: “Vì chất lượng giống nòi, không lựa chọn giới tính thai nhi”, “Vì giống nòi Việt, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”...; duy trì hiệu quả Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, Đề án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ/KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn.

Hàng năm, Chi cục Dân số phối hợp với các trường học tổ chức các buổi ngoại khóa tư vấn về chăm sóc SKSS, các vấn đề giới tính, mất cân bằng giới tính khi sinh cho 50.768 lượt học sinh, sinh viên toàn tỉnh. Nhờ vậy, 2 năm trở lại đây tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm, cụ thể, tổng số trẻ sinh năm 2020 là 10.258 trẻ, giảm 488 trẻ so với cùng kỳ; tỷ lệ mất cân bằng giới tính ở mức 113 trẻ trai/100 trẻ gái; 100% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ; hơn 87% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại...

Hiệu quả từ công tác truyền thông DS - KHHGĐ đã góp thần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Do đó, mỗi địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền dân số, hướng tới thực hiện quy mô gia đình ít con nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/truyen-thong-dan-so-khhgd-giai-phap-nang-cao-chat-luong-dan-so-144338.html