Truyền thông và giới doanh nghiệp Đức đánh giá cao cơ hội từ EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) sẽ không chỉ giúp Việt Nam thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu mà cũng là cơ hội để các doanh nghiệp châu Âu tăng cường sự hiện diện ở quốc gia châu Á mới nổi này.
Đây là nhận định được các hãng tin và lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp Đức đưa ra ngay sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn thỏa thuận thương mại trên.
Hãng tin Đức DPA cho biết sau Nghị viện châu Âu (EP), Quốc hội Việt Nam cũng đã phê chuẩn EVFTA. Khi hiệp định có hiệu lực vào đầu tháng 8 tới, Việt Nam có thể xuất khẩu hầu hết hàng hóa với mức thuế xuất bằng 0% vào EU. Cụ thể, thỏa thuận sẽ giúp dỡ bỏ thuế quan đối với 65% hàng hóa của EU nhập vào Việt Nam.
Ngoại trừ một số ngoại lệ, những hàng hóa còn lại sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan sau 10 năm tới. 71% số hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ được dỡ bỏ thuế và sau 7 năm, con số này sẽ tăng lên tới 99%. Theo DPA, Việt Nam dự tính EVFTA sẽ giúp tăng 44% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU vào năm 2030.
Theo trang tin DW, thỏa thuận thương mại với Việt Nam là thỏa thuận tham vọng nhất của EU với một nước đang phát triển. Thỏa thuận này giúp Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay.
Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU ở Đông Nam Á với kim ngạch thương mại hai chiều tăng lên 56 tỷ USD trong năm ngoái. Với việc phê chuẩn thỏa thuận trên, Việt Nam cam kết thực thi các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bảo vệ quyền của người lao động và tuân thủ những cam kết về chống biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris.
Trong khi đó, trang tin Finanznachrichten dẫn lời Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán buôn, Ngoại thương và Dịch vụ liên bang Đức (BGA) Ines Kitzing nhận định thỏa thuận trên được đưa ra “đúng thời điểm” khi có nhiều thông tin không tích cực về ngoại thương của Đức như nhu cầu về hàng hóa Đức sụt giảm mạnh do dịch COVID-19, trong khi các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi EU (Brexit) hầu như không tiến triển. Theo ông Kitzing, thỏa thuận sẽ không chỉ tạo động lực kinh tế mà là câu trả lời rõ ràng với chủ nghĩa bảo hộ dưới vỏ bọc khủng hoảng COVID-19.
Giám đốc Hiệp hội giày da Đức (HDS/L) Manfred Junkert cũng đánh giá việc EVFTA được thông qua là một tín hiệu quan trọng đối với thương mại tự do và chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Ông nhận định Việt Nam, trên vai trò là nhà sản xuất giày da, không chỉ là đối tác quan trọng mà tương lai còn là đầu ra tiềm năng lớn đối với các sản phẩm giày da của Đức. Trong năm 2019, Việt Nam xuất sang Đức 112 triệu đôi giày từ mức 105 triệu đôi của năm trước đó, tăng 6,9%.
Như vậy, Việt Nam là nhà cung cấp giày lớn thứ hai cho thị trường Đức, chiếm 15,3% tổng số giày nhập khẩu. Đối với mặt hàng da, giá trị hàng nhập khẩu từ Việt Nam trong năm 2019 cũng tăng lên 279 triệu euro từ mức 264 triệu euro của năm 2018, tăng 5,7% và Việt Nam cũng là nước nhập khẩu lớn thứ ba đối với mặt hàng da tại Đức, chiếm 7,4% tổng giá trị hàng da nhập khẩu của Đức.
Theo ông Junkert, cơ hội cho các nhà sản xuất Đức ở thị trường Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào cách Việt Nam vượt qua dịch COVID-19 cũng như khả năng tài chính của các công ty trong nước.