1. Tọa lạc bên bờ biển tại thị trấn Long Hải, thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dinh Cô là một địa điểm tâm linh nổi tiếng linh thiêng của khu vực Đông Nam Bộ. Dinh thờ này được lập vào cuối thế kỷ 18 để thờ một cô gái trẻ tên là Lê Thị Hồng (tục là Thị Cách).
Tương truyền, cô Hồng là người ở Tam Quan (Bình Định), trên đường đi qua vùng biển Long Hải bằng thuyền thì gặp giông bão, cô bị rớt xuống biển tử nạn, xác trôi dạt vào Hòn Hang (gần khu di tích dinh Cô bây giờ). Lúc ấy, cô chỉ vừa sang tuổi 16.
Thương tiếc người thiếu nữ xấu số, người dân địa phương lúc bấy giờ đã đem xác cô vào chôn cất trên đồi Cô Sơn. Từ đó cô luôn hiển linh báo mộng điềm lành, diệt trừ dịch bệnh, độ trì bá tánh, phù trợ ngư dân…
Dân trong vùng tôn xưng cô là "Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần" và lập dinh thờ. Năm 1930, ngư dân Long Hải đã dời dinh lên đồi Kỳ Vân (địa điểm hiện tại). Năm 1987, dinh Cô được xây dựng và trùng tu lớn sau khi bị hỏa hoạn.
Hằng năm, vào ngày 10, 11 và 12 tháng 2 Âm lịch, người dân Long Hải mở lễ hội Nghinh Cô long trọng theo nghi thức cổ truyền, để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa... Đây là một trong những lễ hội lớn, thu hút rất nhiều người đến tham quan và chiêm bái.
2. Tọa lạc tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi, dinh Thầy Thím được xây dựng vào năm 1879, là một điểm đến được du khách gần xa biết đến ở tỉnh Bình Thuận. Sự hình thành của dinh gắn với câu chuyện về lối sống đạo nghĩa của Thầy Thím - vị thần được thờ ở nơi đây.
Thầy Thím thực chất là cách gọi một vợ chồng đạo sĩ (chồng là Thầy, vợ là Thím) vừa tài phép, vừa nhân ái. Do kẻ xấu dèm pha, hai người bị triều đình trừng phạt và phải lánh về vùng rừng núi hẻo lánh ở La Gi. Tại đây, họ đã nhiều lần giúp đỡ người dân vượt hoạn nạn, tiếng lành đồn rất xa.
Có nhiều câu chuyện được lưu truyền về Thầy Thím như trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to gió dữ… Không dừng lại ở đó, họ còn cảm hóa cả thú rừng vốn là nỗi lo sợ của nhiều người khi khai phá miền đất mới.
Một ngày nọ, được tin Thầy Thím qua đời, dân làng vội vã vào đến nơi thì thấy hai ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú rừng vun đắp. Hằng năm, cứ đến mùng năm tháng Giêng âm lịch, người ta thấy có đôi Bạch – Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục gần đó canh gác cho ngôi mộ.
Để ghi nhớ công đức của Thầy Thím, nhân dân địa phương chung sức lập dinh ở khu rừng Bàu Cái gần nơi hai người tạ thế, lấy ngày 15/9 âm lịch hằng năm là ngày lễ tế thu Thầy Thím.
3. Nằm ở phường Dương Đông, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, dinh Cậu vừa là một địa điểm tâm linh, vừa là thắng cảnh nổi tiếng của hòn đảo Ngọc phương Nam. Sự hình thành của di tích này gắn mới một giai thoại được lưu truyền dân gian.
Theo đó, vào khoảng thế kỷ thứ 17, những cư dân đầu tiên từ miền Trung đã đến định cư tại khu vực mà ngày nay là phường Dương Đông. Vào mùa biển động, nhiều người ra khơi gặp sóng dữ đã mãi mãi không về.
Một ngày nọ, dân trên đảo bỗng thấy một mỏm đá lớn, hình thù cổ quái dần dần nổi lên nơi cửa biển. Cho rằng đây là đá thiêng, mọi người đã góp tiền của công sức lập miếu thờ để cầu mong thần linh che chở trước tai ương từ biển cả.
Vị thần được ở dinh là bà Chúa Ngọc Nương Nương và hai cậu con trai của bà là Cậu Quý và Cậu Tài. Xung quanh các nhân vật này có những câu chuyện nửa thực nửa hư được lưu truyền trong dân gian.
Từ ngày việc thờ cúng được tiến hành, những chuyến ra khơi đều gặp thuận lợi trong cảnh sóng êm biển lặng. Tin lành đồn xa, người dân tứ xứ dần dần đổ về đây thờ cúng và sinh sống, hình thành nên cộng đồng dân cư trù phú nhất của đảo Phú Quốc...
Mời quý độc giả xem video: Non nước hữu tình Chùa Tam Chúc | VTV24.
Quốc Lê