TS. BS Đào Thị Yến Phi: F0 đang trở mệt ăn gì tốt nhất?
Theo TS. BS Đào Thị Yến Phi, F0 điều trị tại nhà trở mệt nên ăn các món ăn cung cấp năng lượng nhanh, tiêu hóa hấp thu dễ dàng.
Với tình huống F0 điều trị tại nhà ngày một nhiều, thì khi F0 trở mệt, người nhà thường rất hay lo lắng bị xuống sức, nên cố ý cho ăn các món nhiều dinh dưỡng. Nhưng điều này không đúng. Quan trọng nhất với cơ thể lúc này là tập trung oxy cho tế bào để giữ được hơi thở. Sau khi bệnh nhân phục hồi, chúng ta chăm sóc bồi bổ lại sau nhé. Hãy nghe lời khuyên của BS.
Với F0 đang trở mệt, món ăn cần phải đạt các yêu cầu sau:
- Cung cấp năng lượng nhanh và sạch cho các tế bào: glucose tốt nhất.
- Không tạo ra thêm chất chuyển hóa làm cơ thể ứ đọng chất độc: giảm đạm và béo trong thức ăn.
- Tiêu hóa, hấp thu dễ dàng, không làm hệ tiêu hóa gắng sức: giảm đạm và béo trong thức ăn.
- Cung cấp các chất vi lượng rất ít dự trữ trong cơ thể: vitamin nhóm B, C.
- Dễ nấu, dễ bảo quản, có ngay liên tục để người bệnh ăn nhiều lần: cháo.
Xét tất cả các yêu cầu này, món ăn đơn giản và phù hợp nhất chính là món cháo đậu xanh cà (đậu xanh vỡ) giữ nguyên vỏ.
- Cách nấu để giữ vitamin: cho 200g gạo với 50g đậu xanh bể đôi còn nguyên vỏ vào nồi, vo sạch, đổ 1 lít nước, nấu vừa sôi thì tắt bếp, đậy kín nắp trong 2 giờ. Mỗi lần ăn lấy ra khoảng 100ml - 150ml (một muỗng canh là khoảng 14ml), nấu vừa sôi lại, nêm gia vị mà mình thích (như đường, sữa, hành, muối mè, nước mắm, nước tương… tùy ý). Phần cháo chưa ăn đến bảo quản trong tủ lạnh.
- Yêu cầu lúc ăn: cháo loãng và ấm, không ăn lạnh, có thể nuốt dễ dàng mà không cần nhai.
- Lưu ý: không cần và không nên ăn nhiều thức ăn giàu đạm (thịt cá tôm cua…) trong thời gian bệnh nhân đang mệt, khó thở, ho nhiều… Chỉ ăn ít một, có vị đưa cháo cho đỡ ngán là chính. Đa số bệnh nhân mất khẩu vị, nên chỉ cần nấu cháo loãng để có thể nuốt dễ dàng không cần mùi vị đặc biệt gì.
Sẽ bồi dưỡng phục hồi sau khi bệnh ổn nhé. Lúc đang rối loạn tùm lum phải giảm tối đa nhu cầu oxy của tế bào để tập trung giữ hơi thở.
Ngoài đậu xanh, các loại đậu nguyên vỏ khác nấu cũng tốt, nhưng khó giữ vitamin hơn vì phải ngâm đậu mềm và hầm lâu.
TS. BS Đào Thị Yến Phi
(Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM)