TS. BS Dương Đức Hùng viết cổ tích giữa đời
Câu chuyện em bé Trần Kim Xuyến bị dị tật tim bẩm sinh thể nặng, phức tạp được cứu sống nhờ 'bàn tay vàng' của TS. BS Dương Đức Hùng được nhiều người ví như một câu chuyện cổ tích giữa đời...
Không phải ai sinh ra cũng may mắn có được một cơ thể khỏe mạnh, một trái tim lành lặn. Tạo hóa không công bằng nhưng có những vị bác sĩ sẵn sàng “cãi lại mệnh trời” để mang lại cuộc sống thứ hai cho họ.
Trái tim bé bỏng không lành lặn
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại thôn An Dục, xã Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, lúc còn nhỏ, Xuyến cũng khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Ngỡ như cuộc đời đầy vất vả, cơ cực của bố mẹ em được bù đắp bởi sự ra đời của đứa con gái đầu lòng sau hơn 3 năm trông ngóng. Ấy vậy mà số phận vẫn chưa buông tha cho họ.
Lúc 2 tuổi, Xuyến bị rơi từ trên thềm xuống sân. Khi được bế lên, em chỉ khóc vài tiếng rồi im bặt, môi tím đen lại. Sau khi đưa con đi khám, bố mẹ đã chết lặng khi được thông báo em bị bệnh tim rất nặng. Nước mắt người mẹ chưa kịp ráo thì lại một lần nữa bàng hoàng khi được thông báo số tiền để chữa trị cho con lên tới vài chục triệu đồng, một con số quá lớn vượt ngoài khả năng kinh tế của một
Xốc lại tinh thần, quay trở về nhà vay mướn, gom góp được chút tiền, mẹ lại tiếp tục đưa em lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám và được các bác sĩ khoa tim mạch chẩn đoán bị tứ chứng Fallot. Khoảnh khắc ấy, mẹ Xuyến lo sợ khi nghĩ đến tình huống xấu nhất là từ bỏ và chấp nhận. Nhìn đứa con bé bỏng tội nghiệp, nước mắt người mẹ nuốt ngược vào trong, cầu mong phép màu để con được ở lại thế gian.
Song “trời không tuyệt đường người”, may mắn thay có một bác sĩ trong khoa mách gia đình cho em sang khám GS Tôn Thất Bách. Sau khi được GS Tôn Thất Bách trực tiếp thăm khám, Xuyến lại được ông giới thiệu tới bệnh viện Việt Đức và nhờ cậy trực tiếp bác sĩ Hùng cũng là học trò của ông.
Sau 1 tuần nhập viện và điều trị, ngày thực hiện ca mổ cũng tới. Ca phẫu thuật phức tạp kéo dài suốt hơn 3 giờ, người nhà Xuyến như ngồi trên đống lửa, không ai nói với ai lời nào mà chỉ cầu nguyện. Trời đã không phụ lòng người, ca mổ thành công ngoài mong đợi. Ngay hôm sau mổ, môi em đã bắt đầu đỏ lại, sức khỏe tiến chuyển rất nhanh và chỉ 1 tuần em được xuất viện.
Song vì bệnh của Xuyến rất nặng, phải mổ tiếp lần 2 nên đến năm 2019 khi bác sĩ Hùng đã chuyển sang bệnh viện Bạch Mai, gia đình cũng cho em chuyển sang Bạch Mai để được bác sĩ Hùng mổ cho. Từ sau lần mổ đó, sức khỏe của em đã ổn định.
Theo dòng chảy cuộc đời, Xuyến dần lớn lên, đi học, đi làm... Đã có lúc gặp những khó khăn, thử thách và cả những cơ hội may mắn nhưng dù trong hoàn cảnh nào, hơn ai hết em vẫn trân quý cuộc đời này. Bởi với em được sống đã là một món quà vô giá mà chính bác sĩ Hùng là người đã cho em phép màu đó.
Mệnh lệnh từ trái tim
Nhớ lại trường hợp phẫu thuật cho Xuyến, bác sĩ Hùng cho biết đó là thời điểm ông vừa đi học từ Pháp về. Đây là ca khó, dị dạng vào tình trạng rất nặng. Viện Nhi chưa mổ được và cho về. Nhìn đứa bé mang trong lồng ngực “trái tim lỗi nhịp”, thân hình còi cọc, yếu ớt xanh như tàu lá trong khi gia đình lại quá nghèo không có khả năng tự cứu lấy con mình. Ông biết nếu không làm gì thì đứa trẻ sẽ chết.
Bằng tất cả kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, ông đã nỗ lực hết mình cứu bệnh nhi. Mặc dù áp lực tâm lý rất lớn bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể khiến cuộc đời em vĩnh viễn chấm dứt. Nhưng với quyết tâm cứu sống bệnh nhi, bác sĩ Hùng đã gỡ được nút thắt tâm lý đó, vững niềm tin vào đôi tay và từng động tác của mình.
Cảm giác sung sướng, hạnh phúc đến vỡ òa khi ca phẫu thuật rất thành công, mang lại sự sống thứ hai cho em. Xúc cảm đó đã nuôi dưỡng, truyền thêm động lực giúp ông vững tin vào con đường Tim bẩm sinh – một lĩnh vực nhiều khó khăn thách thức nhưng không kém phần thú vị và nhân văn, tin vào chân lý của khoa học, rằng cuộc sống muôn màu, số phận con người rất kỳ lạ nhưng chân lý khoa học thì chỉ có một: phục vụ hạnh phúc của cộng đồng.
Đây cũng là ca bệnh đặc biệt trong quá trình làm nghề của bác sĩ Hùng khi ông theo được từ khi em còn rất bé cho tới lúc trưởng thành. Giống như trồng một cái cây từ khi còn bé, phải chắn mưa, chắn gió và dõi theo cho tới khi nhìn nó trưởng thành, đơm hoa kết trái.Bác sĩ Hùng cảm thấy tự hài lòng với mình khi đã góp một phần nhỏ trong kết quả đấy. Đó như một phần thưởng khi ông đã làm được việc tốt cho một con người, một gia đình và hoàn thành được lời hứa với thầy của mình - cố GS Tôn Thất Bách là luôn giữ được tính nhân văn với người bệnh, làm vơi đi nỗi đau cho người bệnh cũng như làm được việc tốt cho cuộc đời đúng với tính chất ngành Y.
Câu chuyện ý nghĩa này còn tuyệt vời hơn khi trong suốt khoảng thời gian dài từ khi thực hiện ca mổ đầu tiên cho tới tận bây giờ, gia đình Xuyến và bác sĩ Hùng vẫn giữ mối quan hệ thân thiết.
“Sau khi xuất viện về nhà một thời gian, bác sĩ Hùng có viết thư hỏi thăm tình hình sức khỏe và gửi quà cho em. Nhà em ngày đó không có điện thoại, mỗi lần gọi điện cho bác hay bác gọi về thì phải lên bưu điện hay qua nhà hàng xóm nhờ. Nghỉ hè năm nào em cũng lên chơi thăm bác và bác cho em đi kiểm tra lại sức khỏe. Bác không chỉ cho em sự sống thứ 2 mà còn cho em những lời khuyên và lời động viên rất lớn. Đối với em, bác sĩ Hùng như người bố thứ 2.”, Xuyến xúc động chia sẻ.
Người bố thứ hai có lẽ là danh xưng không phải ai làm ngành y cũng may mắn nhận được. Không phải là những tấm phong bì vội trao, món quà giá trị nhất bác sĩ Hùng nhận được là tấm thiệp mời ngày Xuyến làm lễ kết hôn. Tạm gác lại ước mơ được trở thành cô giáo hay bác sĩ từ thuở nhỏ, hiện tại, Xuyến chỉ có một ước muốn, là mong cho mình khỏe mạnh, dù biết căn bệnh ấy vẫn sẽ theo em đến suốt cuộc đời. Xuyến luôn hi vọng về một cuộc sống ổn định, tự lập, không phải dựa dẫm vào ai khác và không phụ lòng những người đã đem lại sự sống cho mình.
Hạnh phúc của Xuyến hôm nay cũng là sự mãn nguyện của bác sĩ Hùng – người đã và đang hồi sinh những trái tim lỗi nhịp. Mượn lời bài thơ “Một khúc ca xuân” của nhà thơ Tố Hữu: “Nếu là con chim, chiếc lá - Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh - Lẽ nào vay mà không trả - Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”... Với bác sĩ Dương Đức Hùng, nghề Y vinh quang có, thất bại có, sợ hãi… cũng có. Nhưng, thành công nhất của một bác sĩ là luôn luôn yêu nghề. Hạnh phúc nhất của một bác sĩ là bệnh nhân khỏi bệnh dưới bàn tay và khối óc của mình. Và nếu được lựa chọn lại, ông vẫn chọn nghề Y.