TS Cấn Văn Lực: Thị trường vàng không dành cho 'tay mơ'

Theo TS Cấn Văn Lực, người dân cần hết sức thận trọng, nhất là với những người không hiểu rõ về thị trường. Đây cũng không phải là kênh đầu tư được khuyến khích, bởi nó ít mang lại hiệu ứng lan tỏa tích cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Người dân xếp hàng chờ mua vàng miếng bình ổn của NHNN

Trao đổi với ĐTTC, TS. CẤN VĂN LỰC, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, điều quan trọng là nhà đầu tư (NĐT) cần phải biết “khẩu vị” đầu tư của mình là gì, có chấp nhận rủi ro hay lựa chọn giải pháp an toàn, và cuối cùng là nên theo nguyên tắc đa dạng hóa danh mục đầu tư thay vì “bỏ trứng vào một rổ”.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, năm 2024 đã đi qua một nửa chặng đường, có thể nói kinh tế trong nước dù có khởi sắc, song các kênh đầu tư vẫn chưa thực sự phục hồi và hấp dẫn như những năm trước đó, vẫn khiến các NĐT băn khoăn. Ý kiến của ông về vấn đề này?

TS. CẤN VĂN LỰC: - Tôi cho rằng có một nguyên tắc quan trọng “bất di bất dịch” với các NĐT, phải biết đa dạng hóa danh mục đầu tư. Tuy nhiên, cá nhân tôi đánh giá có thể thấy một số kênh đầu tư hiện nay đang tương đối khả quan.

Thứ nhất, với kênh đầu tư truyền thống như tiền gửi tiết kiệm vẫn duy trì ở mức lãi suất 5-6%/năm, và thời gian tới vẫn sẽ duy trì ở mức này. Đây là một kênh đầu tư phù hợp với những ai thích an toàn, không thích nhiều rủi ro. Thực tế, tiền gửi của cá nhân vẫn tiếp tục chảy vào hệ thống ngân hàng. Dự báo lãi suất gửi tiết kiệm của các ngân hàng tại Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới, vì ngay từ đầu năm Chính phủ đã ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

Thứ hai, đó là kênh đầu tư chứng khoán. Có thể thấy, kênh chứng khoán cũng đang phục hồi tích cực, tùy lĩnh vực khác nhau. Thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay đã và đang phục hồi với mức tăng 12% và vẫn đang có những chuyển biến tốt. Thống kê cho thấy tính đến hết tháng 5, nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ tăng 46,45%, ngành giày dép tăng 36,5%, ngành ngân hàng tăng hơn 14%, chứng khoán tăng 13,6%, ngành bất động sản có tăng nhưng còn chậm (1,54%).

Thứ ba là kênh bất động sản, đã có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực, trong đó phải kể đến phân khúc khu công nghiệp, bất động sản nhà ở. Đặc biệt, với thu nhập và nhu cầu hiện nay của người dân, thị trường bất động sản thiếu cung, giá một số phân khúc sẽ tăng trong thời gian tới.

- Ông vừa nói đến 3 kênh đầu tư khả quan NĐT có thể tham khảo, tuy nhiên thực tế trong thời gian qua, rất nhiều NĐT lại đang đổ xô vào mua vàng. Ông có nhận xét gì về hiện tượng này?

- Đối với kênh đầu tư vàng, tôi cho rằng NĐT cần hết sức thận trọng, nhất là với những người không hiểu rõ về thị trường này. Đây cũng không phải là kênh đầu tư được khuyến khích, bởi nó ít mang lại hiệu ứng lan tỏa tích cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện nay và cả trong thời gian tới, Chính phủ và NHNN sẽ quyết liệt để giảm bớt mức độ quan tâm đến vàng trong nền kinh tế.

Tôi vẫn cho rằng, bối cảnh hiện nay cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức, vấn đề là NĐT cần phải biết rõ khẩu vị của mình để đa dạng hóa danh mục đầu tư, sử dụng đòn bẩy hợp lý, chú trọng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. NĐT nên hạn chế tâm lý đám đông (FOMO), thay vào đó nên cân nhắc sử dụng dịch vụ chuyên môn của các trung gian tài chính khác.

- Như trên ông đã đưa ra những khuyến cáo đối với NĐT khi lựa chọn kênh vàng, nhưng thực tế thời gian qua NHNN cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để can thiệp thị trường vàng, song dường như cơn “khát vàng” của người dân vẫn chưa dừng lại. Theo ông cần ứng xử như thế nào với thị trường vàng?

- Theo tôi, Chính phủ và NHNN đang đi đúng hướng trong bình ổn thị trường vàng, song cần các giải pháp quyết liệt, rốt ráo hơn nữa. Tôi cho rằng các giải pháp hiện nay vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần tăng cung hợp lý cho thị trường vàng, cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu vàng.

Theo tính toán của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng của Việt Nam mỗi năm ước khoảng 50 tấn, tức nếu nhập khẩu sẽ mất khoảng 3 tỷ USD, so với con số ngoại tệ thu được từ xuất nhập khẩu, con số này không quá ghê gớm. Bên cạnh đó, NHNN cũng nên bỏ độc quyền xuất nhập khẩu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, đồng thời sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Tóm lại, với thị trường vàng, NHNN nên khu trú lại để quản lý. NHNN chỉ nên quản lý vàng miếng vì liên quan đến ngoại hối, còn vàng trang sức mỹ nghệ nên để thị trường tự điều tiết.

- Ông đánh giá thế nào về triển vọng tăng trưởng kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam trong nửa cuối năm nay?

- Theo tôi, các động lực tăng trưởng đang phục hồi, dù không đồng đều. Có thể thấy, về cơ bản nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên, trong đó rủi ro tài khóa như về nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ hiện duy trì ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, góp phần giảm bớt áp lực đối với chính sách tiền tệ.

Lạm phát tuy có tăng nhưng trong tầm kiểm soát, cùng với đó là tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát, thị trường chứng khoán tăng khá nhờ kỳ vọng nâng hạng thị trường, và bất động sản đang dần phục hồi.

- Xin cảm ơn ông.

Nếu như vàng SJC về bản chất đóng vai trò như là một loại tiền tệ, thậm chí có thể xem đó là một loại ngoại tệ mà không nước nào có thể in vô tội vạ ra được, thì việc NHNN bỏ ngoại tệ là đồng USD ra để nhập vàng về nước, sau đó in thành vàng miếng SJC để bán ra thị trường.

Về bản chất, hoạt động này chỉ thay đổi cơ cấu ngoại tệ của Việt Nam mà thôi, chứ nó không ảnh hưởng nhiều đến thiếu ngoại tệ hay gây áp lực lên tỷ giá. Đặc biệt trong bối cảnh tới đây, với những tính toán giá vàng có thể tăng nữa, NHNN có thể tính đến việc mua vàng vào để thay đổi cơ cấu dự trữ ngoại hối, tăng tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ quốc gia lên. Điều này về bản chất cũng không khác gì là bán ngoại tệ ra thị trường để điều hành tỷ giá cả.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH, Chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính

LƯU THỦY (thực hiện)

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/ts-can-van-luc-thi-truong-vang-khong-danh-cho-tay-mo-post114877.html