TS Đàm Quang Minh: Đa dạng phương thức tuyển sinh đại học 2022
TS Đàm Quang Minh cho rằng các trường đại học ngày càng đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, giảm bớt chỉ tiêu cho việc xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
ĐH Kinh tế Quốc dân vừa dự kiến phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022. Điều đáng chú ý, chỉ tiêu dành cho việc xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm 10-15%, giảm mạnh so với 50% năm 2021 và thấp nhất từ trước đến nay.
ĐH Kinh tế Quốc dân không phải trường duy nhất làm như vậy. Giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh bằng các phương thức được áp dụng tại nhiều trường, đặc biệt trường tốp đầu.
Trường tốp trên giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT
Năm 2022, ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển 6.100 chỉ tiêu, theo 3 phương thức gồm xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Trong đó, xét tuyển kết hợp gồm các nhóm đối tượng, cụ thể, thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT, ACT; điểm thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TP.HCM; điểm thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội; chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm thi Đánh giá năng lực; chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT; học sinh hệ chuyên trường THPT chuyên/THPT trọng điểm quốc gia kết hợp điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT; tham gia vòng thi tuần cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia hoặc đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh hay giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT.
ĐH Bách khoa Hà Nội cũng giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 50-60% năm 2021 xuống còn 10-20% năm 2022.
Trường sẽ tổ chức kỳ thi Đánh giá tư duy và dành 60-70% tổng chỉ tiêu cho phương thức này. Ngoài ra, thí sinh có thể xét tuyển tài năng, gồm xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT; chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level; kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn.
Năm 2022, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục áp dụng hình thức xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT và A-Level cho tất cả chương trình đào tạo.
Ngoài việc không ít trường giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh năm 2022 còn thể hiện sự đa dạng trong phương thức. Thống kê sơ bộ từ những trường đã đưa ra dự kiến phương án tuyển sinh cho thấy thí sinh có gần 15 con đường để vào đại học, từ xét kết quả thi tốt nghiệp, xét học bạ đến xét chứng chỉ quốc tế, xét tuyển kết hợp…
Đặc biệt, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) còn kết hợp cả phỏng vấn ở phương thức tuyển sinh nhất định.
Cụ thể, trong xét tuyển tài năng, ĐH Bách khoa Hà Nội có phương thức xét tuyển dựa trên kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn. Thí sinh phải có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và 12 đạt từ 8 trở lên.
Những thí sinh có thể đăng ký dự tuyển gồm được chọn thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Ngoại ngữ (lớp 10, 11, 12); được chọn tham dự cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức; học sinh hệ chuyên (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ) của các trường THPT và THPT chuyên trên toàn quốc hoặc thuộc các đại học.
Đối tượng dự tuyển cũng bao gồm thí sinh thi Đường lên đỉnh Olympia vòng thi tháng, quý, năm. Những em có chứng chỉ IELTS (academic) quốc tế 6.0 trở lên (hoặc tương đương) được đăng ký xét tuyển vào các ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế - Quản lý.
Trong khi đó, ĐH Bách khoa TP.HCM dự kiến bổ sung phương thức xét kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh bao gồm năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn.
Tăng tuyển sinh theo hướng tiếp cận phương thức quốc tế
Đánh giá bức tranh tuyển sinh đại học năm 2022, TS Đàm Quang Minh, CEO khối giáo dục phổ thông của Tổ chức giáo dục EQuest, từng là Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Phú Xuân, cho rằng năm học này, các trường bắt đầu tách tốp rõ nét.
“Những trường thuộc tốp đầu đã tiếp cận phương thức tuyển sinh quốc tế và thấy rõ hiệu quả nên năm nay có xu hướng tăng cường theo hướng này. Khi xác lập theo phương thức đó, mức chuẩn cũng dần dần được đẩy cao hơn để có thể nhận những học sinh giỏi”, ông nhận định.
Trong khi đó, TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục của Times School, cho rằng việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh là xu thế hiển nhiên khi các trường phải cạnh tranh nhau để tuyển sinh. Đây cũng là tín hiệu tốt, cần được khuyến khích.
TS Đàm Quang Minh nói thêm với việc đa dạng hóa phương thức xét tuyển, thi tốt nghiệp THPT dần sẽ trở lại một kỳ thi bình thường và ít áp lực, thực hiện đúng nhiệm vụ của việc xét tốt nghiệp cho học sinh THPT.
Tất nhiên, nhiều trường vẫn dựa vào đây để xét tuyển đại học và việc này cũng bình thường. TS Đàm Quang Minh cho rằng việc vào đại học ngày càng mở rộng là xu thế tất yếu của quá trình đại chúng hóa nhu cầu đại học của cả doanh nghiệp lẫn người học.
Ngoài ra, theo ông Minh, Bộ GD&ĐT cần xác định với các trường đại học, đặc biệt là trường cạnh tranh cao khối y dược, không nên sử dụng điểm thi THPT như là điều kiện duy nhất để tuyển sinh.
Thực tế, tháng 10 năm ngoái, Bộ GD&ĐT đã thông báo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022.
Trong đó, bộ khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển. Sau đó, trường cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.
Các đại học quốc gia, đại học vùng và các trường/nhóm trường đại học đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ và chia sẻ, hỗ trợ trường khác có nhu cầu.