TS. Giản Tư Trung: Cải tổ chiến lược giáo dục quốc gia để chắp cánh cho kinh tế tư nhân
TS. Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED cho rằng, song song với việc giải bài toán thể chế, cần cấp bách cải tổ chiến lược giáo dục quốc gia để đáp ứng nhu cầu nhân lực và nhân tài cho nền kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình.

TS. Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED.
Là người tiên phong đồng hành cùng “khát vọng doanh trí” và có nhiều năm gắn bó với công tác đào tạo đối với giới doanh nhân, ông cảm nhận thế nào về sự đón nhận của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân về định hướng chiến lược phát triển kinh tế tư nhân cũng như những thông điệp mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra?
Tôi thấy cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm đến các phát biểu và bài viết mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển kinh tế tư nhân. Tổng Bí thư khẳng định, phát triển kinh tế tư nhân là đòn bẩy cho Việt Nam thịnh vượng. Điều này đã là thực tiễn tại bất kỳ nền kinh tế phát triển nào và rất mừng là thực tiễn đó giờ đây đã được khẳng định tại Việt Nam.
Coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế là nhìn nhận đúng vai trò của kinh tế tư nhân. Hiện nay, điều đó được nêu lên không phải như một kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp hay khuyến nghị của chuyên gia, mà là khẳng định, là chỉ đạo của nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Nói cách khác, trong các giai đoạn trước, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân đã truyền sinh khí mới vào nền kinh tế, thúc đẩy đổi mới kinh tế và đổi mới đất nước. Lần này, lần đầu tiên, khối doanh nghiệp tư nhân được truyền sinh khí mới từ thượng tầng. Giữa bộn bề khó khăn của môi trường kinh doanh đến từ trong nước cũng như bối cảnh thế giới, doanh nhân rất kỳ vọng, các chính sách phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Chính phủ sẽ mạnh mẽ, quyết liệt và thực tế hơn bao giờ hết để đất nước vươn mình.
Theo ông, điều kiện quan trọng nhất để kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển là gì?
Tôi cho rằng, điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân cũng nằm trong điều kiện để phát triển nền kinh tế và phát triển đất nước nói chung. Do vậy, bên cạnh các điều kiện để kinh tế cất cánh và đất nước vươn mình, để kinh tế tư nhân phát triển, trước tiên cần tạo bình đẳng về cơ hội giữa các thành phần kinh tế. Điều này, chúng ta đã nói đến từ lâu, nhưng để đi đến bình đẳng thực sự, thì còn cần những bước tiến nữa. Việc trao cơ hội tham gia thực hiện các dự án lớn của đất nước cho doanh nghiệp tư nhân cũng là một bước tiến lớn để doanh nghiệp tư nhân được bình đẳng.
Doanh nghiệp tư nhân cũng cần được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực (đất đai, tài chính, dữ liệu, cơ chế…). Chẳng hạn, hiện nay, doanh nghiệp tư nhân rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực tài chính và phụ thuộc nhiều vào tài sản đảm bảo, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về tín dụng, vay vốn chi phí thấp, tiếp cận nguồn vốn toàn cầu.
Cần lưu ý, doanh nghiệp tư nhân không chỉ gồm các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, “sếu đầu đàn”, mà còn có rất nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (chiếm tới 95 - 98% tổng số doanh nghiệp), nên cộng đồng doanh nghiệp này chắc chắn cũng là động lực to lớn cho phát triển kinh tế, đồng thời cũng góp phần giữ an ninh kinh tế quốc gia khi có khủng hoảng.
Ông có thể chia sẻ về nhu cầu học, đào tạo của các doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững?
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng ở cả 4 nhóm: nhân lực quản trị; nhân lực chuyên gia; nhân lực lành nghề và nhân lực phổ thông.
Tại Việt Nam đang tồn tại một thực trạng đáng tiếc về vấn đề nhân lực: doanh nghiệp không dễ để tuyển được lao động đáp ứng nhu cầu phát triển, trong khi đông đảo người lao động lại rất khó khăn trong việc tìm được việc làm phù hợp. Nhiều bạn trẻ sau khi học đại học và ra trường phải làm trái ngành đã được đào tạo, hoặc phải làm những công việc mà chỉ cần đào tạo kỹ năng trong vài tuần. Đó thực sự là lãng phí vô cùng lớn cho cả người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thực trạng này có nhiều nguyên nhân. Ở tầm vĩ mô, cần phải cấp bách cải tổ chiến lược giáo dục quốc gia để đáp ứng nhu cầu nhân lực và nhân tài cho nền kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc. Trong ngắn hạn, cần cải tổ chiến lược giáo dục đại học và dạy nghề, còn về dài hạn, cần cải tổ toàn bộ nền giáo dục quốc gia, từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đến giáo dục đại học và giáo dục dạy nghề.
Bởi lẽ, nền giáo dục của chúng ta lâu nay nhìn chung chỉ phù hợp với “nép mình”, còn với kỷ nguyên “vươn mình” và khát khao chinh phục thế giới, thì chúng ta cần nhân lực khác, nhân tài khác, và do đó cần chiến lược giáo dục và đào tạo khác.
Cụ thể hơn, chiến lược phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình cần phát triển những ngành và lĩnh vực nào, thì chiến lược nhân lực và chiến lược giáo dục quốc gia cần bám sát để phát triển nguồn nhân lực nhằm phục vụ ngành và lĩnh vực đó.
Riêng về việc phát triển đội ngũ doanh nhân, thì 24 năm trước, khi sáng lập Trường Doanh nhân PACE, tôi đã chia sẻ: “Thế hệ doanh nhân mới là thế hệ doanh nhân không chỉ có năng lực lãnh đạo hay tài năng kinh doanh, mà còn có chiều sâu văn hóa, có tính nhân bản và tinh thần ái quốc, một thế hệ doanh nhân ‘rất nhân loại, rất dân tộc và cũng rất là chính mình’; một thế hệ doanh nhân luôn tâm niệm, kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm dịch vụ tốt lành của mình”. Đến nay, trong kỷ nguyên vươn mình, theo tôi, tầm nhìn này vẫn còn nguyên giá trị.
Chúng ta không chỉ cần thế hệ doanh nhân mới, mà còn cần khai mở một nền quản trị mới. Nền quản trị mới là nền quản trị tích hợp nhuần nhuyễn giữa quản trị bằng luật lệ, quản trị bằng mục tiêu và quản trị bằng văn hóa. Bởi lẽ, trong thời đại mà con người ngày càng trở nên độc lập và tự do hơn, nếu chỉ thiên về quản trị bằng luật lệ và mục tiêu, thì khó mà thành công được.
Còn với doanh nghiệp, để phát triển bền vững, thì bên cạnh vấn đề lợi nhuận, cần phải coi trọng văn hóa, con người. Văn hóa không chỉ là phương tiện để đạt được mục đích, mà văn hóa cũng chính là mục đích.
Với nhân sự chuyên gia, nhân sự lành nghề hay nhân sự phổ thông cũng vậy, ngoài đào tạo năng lực chuyên môn nghề nghiệp, phải chú trọng năng lực văn hóa. Nếu chỉ chú trọng đào tạo chuyên môn mà xem nhẹ năng lực văn hóa, thì rất khó mà lớn được, hoặc nếu có lớn được thì cũng không bền.
Xa hơn, nhân lực ngày nay không chỉ học để lấy bằng, học để lấy nghề, học để lấy văn hóa, mà còn học để giải quyết vấn đề - vấn đề của chính mình, gia đình mình, doanh nghiệp mình, nghề của mình, đất nước mình và thế giới mà mình đang sống. Tuy nhiên, vấn đề thì luôn biến động, nên năng lực của cá nhân thì không chỉ phải theo kịp, mà còn phải đi trước những biến động đó, thì mới tồn tại và phát triển bền vững được.
Trong Đề án Phát triển kinh tế tư nhân đang được xây dựng, ông có mong muốn có nội dung về thúc đẩy giáo dục - đào tạo?
Không chỉ muốn có nội dung thúc đẩy giáo dục - đào tạo, tôi còn mong muốn Đề án làm rõ mối quan hệ giữa chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, chiến lược phát triển nhân lực quốc gia và chiến lược giáo dục - đào tạo quốc gia.
Chỉ khi làm rõ mối quan hệ này, thì việc kết nối giữa thúc đẩy giáo dục - đào tạo quốc gia với chiến lược phát triển kinh tế tư nhân nói riêng và chiến lược phát triển quốc gia nói chung mới có nhiều ý nghĩa.