TS. Lê Duy Bình nói về điều đặc biệt trong phát triển kinh tế 2024
Dựa trên những chỉ số phát triển kinh tế trong quý IV/2023, TS. Lê Duy Bình nhận định, đây là tiền đề để tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 tốt hơn. 2024 không chỉ là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, mà còn tạo tiền đề để Việt Nam bắt đầu năm 2026, khi bước sang giai đoạn mới sẽ có những bước chuyển về cơ cấu kinh tế, năng lực nội sinh để hiện thực hóa Việt Nam thành quốc gia hùng cường.
Tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam ước đạt 5,05% so với năm trước, dù thấp hơn mục tiêu đề ra là 6 – 6,5% nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, mức tăng trưởng trên có thể đánh giá là một kết quả đáng khích lệ. Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh đầu tư công và thúc đẩy tiêu dùng trong nước là một trong những động lực giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trên.
Nhìn vào bức tranh kinh tế 2023, ông thấy rằng đâu là những điểm sáng mà nền kinh tế đã đạt được?
Điểm sáng đầu tiên mà tôi muốn nhắc tới là hoạt động thương mại dịch vụ sôi động và duy trì mức tăng cao so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2023 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là động lực tăng trưởng nội lực giúp nền kinh tế dần dần hồi phục.
Cùng với đó, trong bối cảnh lạm phát ở nhiều nền kinh tế tăng cao, Việt Nam vẫn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá tiêu dùng đạt mục tiêu đề ra, đây là nỗ lực rất lớn.
Đồng thời, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay cũng được cải thiện, từ đó tạo tác động lan tỏa tới toàn nền kinh tế.
Một điểm đặc biệt đáng ghi nhận là đầu tư tư nhân có sự cải thiện đáng kể, theo đó số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cao kỷ lục trong 10 năm trở lại đây. Đồng thời, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu đang suy giảm. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước là mức thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Các con số trên đã hỗ trợ rất nhiều cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay.
2023 được đánh giá là năm khá thành công của Việt Nam trong đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó con số thực hiện vốn đạt kỷ lục. Vậy, theo ông Việt Nam cần làm gì để tiếp tục đón dòng vốn FDI mạnh mẽ trong thời gian tới?
Việt Nam đã có chiến lược về thu hút FDI thế hệ mới với các giải pháp, chính sách cụ thể. Tôi cho rằng các nhà đầu tư lớn thường quan tâm điều đầu tiên là vấn đề môi trường kinh doanh, triển vọng đầu tư. Để đáp ứng điều này, Việt Nam cần phải nỗ lực cải cách thể chế, đơn giản thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở hạ tầng. Theo đó, nguồn vốn đầu tư công cần chú ý đến xây dựng, hoàn thiện các công trình trọng điểm, từ đó tạo ra diện mạo mới của Việt Nam, sẵn sàng đón dòng vốn FDI chất lượng cao. Các nhà đầu tư khi đến Việt Nam không chỉ mở ra triển vọng cơ hội kinh doanh mà còn cắt giảm được chi phí kinh doanh.
Thêm vào đó, một việc làm quan trọng là nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng các điều kiện mới về kỹ năng, phục vụ các ngành công nghệ cao chip bán dẫn…
Bên cạnh những điểm sáng, kinh tế Việt Nam vẫn còn những điểm xám cần cải thiện, thưa ông?
Đúng vậy! Kinh tế năm nay bộc lộ nhiều điểm mạnh nhưng cũng cho thấy một số điểm yếu. Muốn nâng cao năng lực nội tại cần nhiều yếu tố, vừa qua thị trường trong nước gia tăng đáng kể nhưng chưa được quan tâm, doanh nghiệp nhiều khi vẫn chú trọng nhiều về thị trường xuất khẩu thể hiện qua doanh thu thị trường nội địa thấp hơn xuất khẩu.
Hiện, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn vào thị trường toàn cầu, khi thị trường này có biến động, lập tức ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, cần phát triển doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kích cầu trong nước, giúp năng lực nội tại mạnh mẽ hơn.
Ở khâu xuất nhập khẩu của chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp FDI, với đóng góp trên 70%. Nhìn điểm yếu nội tại này để thấy rằng doanh nghiệp trong nước cần phải đóng vai trò lớn hơn.
Chúng ta có những điều kiện rất tốt như ổn định kinh tế vĩ mô, năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Đây là tiền đề giúp đạt tăng trưởng GDP 5,05%. Bên cạnh đó, chi phí về môi trường kinh doanh vẫn cao, đây là điều cần khắc phục.
Dự cảm của ông về nền kinh tế 2024 khi nhiều rủi ro tiềm ẩn vẫn bủa vây?
Tôi có một niềm tin rằng kinh tế năm 2024 sẽ tăng trưởng cao hơn 2023, nhìn từ các chỉ số phát triển trong quý IV/2023.
Tuy vậy, để đạt được con số tăng trưởng như kỳ vọng phụ thuộc rất lớn vào quá trình nỗ lực của toàn hệ thống. 2024 không chỉ là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, mà còn tạo tiền đề để Việt Nam bắt đầu năm 2026, khi bước sang giai đoạn mới sẽ có những bước chuyển về cơ cấu kinh tế, năng lực nội sinh. Bước chuyển này rất quan trọng để đưa Việt Nam hiện thực hóa trở thành quốc gia hùng cường.
Xin cảm ơn ông!
Nhật Linh thực hiện