TS. Lê Viết Khuyến: Chương trình '9+ Cao đẳng' đào tạo siêu tốc, chất lượng khó đảm bảo
Sự xuất hiện của chương trình '9+ Cao đẳng' và phương thức đào tạo của chương trình này khiến nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về chất lượng giáo dục với trẻ nhỏ.
Như Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã đề cập ở bài viết "Chương trình 9+Cao đẳng: Rút ngắn thời gian đào tạo, chất lượng khó đảm bảo" khi kết thúc chương trình học bậc THCS, nhiều gia đình lựa chọn cho con theo hướng 9+Cao đẳng, vừa học văn hóa bậc PTTH vừa học nghề. Đây là một định hướng tốt, góp phần giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho xã hội, tuy nhiên cần được kiểm tra giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục với trẻ em, tránh gây ra hệ lụy sau này.
So sánh “9+ cao đẳng” với mô hình ở các quốc gia khác là mâu thuẫn
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, không thể có sự phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, việc rẽ nhánh học sinh sau Trung học cơ sở (THCS) để đi vào trung cấp nghề với thời gian đào tạo 1-2 năm, chủ yếu là dạy nghề là lối đi vào "ngõ cụt".
“Người học khi tốt nghiệp còn chưa đủ tuổi lao động hoặc không có hướng học lên cho dù là cao đẳng. Trong khi học sinh muốn học lên cao đẳng còn cần phải có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) (hoặc đã học và đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT).
Đối chiếu với Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED-2011 (do UNESCO ban hành, có hiệu lực từ năm 2014) thì Trung cấp chỉ tương ứng với cấp độ 2, không đạt được cấp độ 3 như THPT nên người học không được quyền dự tuyển vào cao đẳng, đại học. Do đó mới hình thành xu hướng chung như từ trước đến nay, sau THCS người học đều cố đi vào THPT”, TS. Lê Viết Khuyến phân tích.
Chương trình “9+ Cao đẳng” được coi là mô hình đào tạo song hành học nghề, theo Luật GDNN và theo thông lệ quốc tế là khi học hết lớp 9, học sinh có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn trong thời gian 6 tháng đến 1 năm và các em tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề.
Học sinh tốt nghiệp THCS theo học chương trình “9+ Cao đẳng” sẽ được rút ngắn thời gian đào tạo bằng việc học song song học văn hóa và chuyên ngành. Mô hình này được coi là đã được triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới, điển hình là tại Đức với mô hình đào tạo kép và Nhật Bản với mô hình đào tạo KOSEN.
Tuy nhiên, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, các tác giả của mô hình “9+ Cao đẳng” đưa ra lý giải cho rằng một số quốc gia khác cũng có các chương trình như vậy là mâu thuẫn. Thí dụ so sánh với KOSEN là một nền giáo dục kỹ thuật sớm và là một hướng đi nhanh chóng để bồi dưỡng kỹ sư trẻ chất lượng, chỉ có những học sinh xuất sắc và những ngành nghề chất lượng cao mới có thể học theo mô hình này. Đối chiếu với những chương trình đào tạo ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn quốc, Đài Loan, thời gian đào tạo của họ là 5 năm, bao gồm 3 năm đào tạo chương trình trung học nghề và 2 năm đào tạo chương trình cao đẳng.
“Đối tượng của chương trình “9+ Cao đẳng" ở Việt Nam là học sinh có học lực trung bình và không đỗ vào cấp 3. Các bạn chỉ học trong khoảng thời gian 3,5 năm, thậm chí khi triển khai chỉ trong 3 năm nhưng vẫn được cấp các bằng trung cấp, trung học phổ thông và cao đẳng. Việc rút bớt thời gian đào tạo một cách “khó hiểu” như vậy các trường làm thế nào để đảm bảo chất lượng đào tạo?”, ông đặt ra câu hỏi.
Trong 2 năm đầu của chương trình đào tạo "9+ Cao đẳng (tương đương với lớp 10 và 11), học sinh sẽ được cấp bằng trung cấp. Vào năm lớp 12, các em chỉ tập trung vào học văn hóa để hoàn thành thi THPT quốc gia. Sau khi tốt nghiệp THPT, các em học thêm nửa năm nữa là lấy được bằng cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp 9+Cao đẳng, các em có thể học liên thông lên đại học với thời gian 1,5 năm.
TS. Lê Viết Khuyến cho biết, có thể thấy rõ đào tạo theo kiểu chương trình “9+ Cao đẳng” là trái với quy định của pháp luật và làm dấy lên những lo ngại đáng báo động về chất lượng đào tạo.
“Điều 28 Luật Giáo dục 2019 quy định: “Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp 10 đến hết lớp mười 12. Học sinh vào học lớp 10 phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở”. Nhưng theo “sáng kiến” chương trình “9+ cao đẳng", thời lượng dành cho chương trình trung học phổ thông không quá 2 năm. Rõ ràng, thời gian đào tạo theo chương trình 9+ đã trái với quy định của Luật Giáo dục 2019”, TS. Khuyến nói.
Ngoài ra, theo chương trình “9+ Cao đẳng", thời lượng dành cho dạy nghề là không quá 1 năm, trong khi Điều 33 Luật giáo dục nghề nghiệp quy định: Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo”. ISCED-2011 cũng quy định rõ, thời gian đào tạo để đạt tới trình độ trung học nghề là 2-3 năm (thường là 3 năm với hệ thống giáo dục có thời gian giáo dục phổ thông 12 năm, như Việt Nam).
“Như vậy, theo ISCED-2011, trình độ trung cấp nghề ở chương trình “9+ Cao đẳng” nói chung thấp hơn trình độ trung cấp nghề của Việt Nam, lại càng thấp hơn so với trung học nghề ở các nước”, TS. Lê Viết Khuyến cho hay.
Đào tạo “siêu tốc”, bất chấp chất lượng?
Thời gian vừa qua trên khắp các nền tảng, một số trường cao đẳng đã quảng cáo tuyển sinh rất hấp dẫn, theo những người lãnh đạo của các trường này, chương trình đào tạo "siêu tốc" này được Bộ LĐ-TB&XH khuyến khích vì được đánh giá tốt cho mục tiêu phân luồng học sinh sau bậc trung học cơ sở. Họ cho biết, đây là mô hình đào tạo rất kinh tế, tiết kiệm thời gian để giúp học sinh vừa sớm gia nhập thị trường lao động, vừa đạt trình độ cao (kỹ sư thực hành). Thậm chí có trường nói rằng, học sinh chỉ 18 - 19 tuổi sẽ có đủ bằng THPT, Trung cấp và Cao đẳng, thậm chí học liên thông lên đại học chỉ cần thêm 1 năm.
TS. Lê Viết Khuyến nhận định, việc các trường quảng cáo như vậy là bất chấp chất lượng, quảng cáo để cổ súy cho cái gọi là chương trình "9+ Cao đẳng”, thời gian đào tạo rút ngắn là chiêu đánh lừa xã hội, đào tạo nguồn tuyển “rởm”.
Đối với chương trình “9+ Cao đẳng" thời gian dành cho học cao đẳng chỉ là 0,5 năm, trong khi quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật giáo dục nghề nghiệp là 1-2 năm (đối với người có cả bằng trung cấp và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông), còn theo ISCED-2011 thì thời gian này tối thiểu là 2 năm.
Trình độ cao đẳng ở chương trình “9+ Cao đẳng” khá thấp so với trình độ cao đẳng ở Luật giáo dục nghề nghiệp và rất thấp so với trình độ cao đẳng theo ISCED-2011. Với trình độ thấp như vậy, sản phẩm của chương trình “9+ cao đẳng” không đủ điều kiện để được đào tạo liên thông lên trình độ đại học chỉ với thời gian 1,5 năm, thậm chí có trường còn quảng cáo là chỉ cần thêm 1 năm?
Cũng theo TS. Lê Viết Khuyến, bên cạnh một loạt bất cập như đã nêu trên thì vẫn còn hiện tượng trường cao đẳng kết hợp với một số trường THCS "vận động" những học sinh trung bình khá, cho rằng khó có thể học lên được cao hơn, để hướng các em vào mô hình “9+ Cao đẳng” và đã xảy ra phản ứng gay gắt của phụ huynh.
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Vụ Trung học phổ thông và các Sở giáo dục khẩn trương rà soát lại chương trình “9+ Cao đẳng" và không cho phép những học sinh theo học chương trình này được nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông và không được dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.
“Hiệp hội cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo Vụ Giáo dục đại học và các trường đại học trên toàn quốc không tiếp nhận những người theo học chương trình "9+ Cao đẳng” vào học các chương trình liên thông đại học”, TS. Lê Viết Khuyến cho biết.