Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất ở Đông Á

Chính phủ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức trên 8% với nhiều giải pháp được đặt ra. Ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào, trao đổi về hiệu quả của các chính sách của Chính phủ và triển vọng kinh tế Việt Nam.

Ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình Tăng trưởng công bằng, tài chính và Thể chế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào

Ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình Tăng trưởng công bằng, tài chính và Thể chế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào

Ông đánh giá thế nào về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024?

Dù phải đối mặt với căng thẳng địa chính trị quốc tế và các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và thiên tai, song Việt Nam đã thể hiện được khả năng phục hồi ấn tượng. Năm 2024, kinh tế Việt Nam không chỉ duy trì được quỹ đạo phát triển dài hạn, mà còn đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Á.

Đà tăng trưởng tích cực này có thể tiếp tục trong năm 2025. Theo dự báo mới nhất của chúng tôi, Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ khoảng 6,5% năm 2025, đưa Việt Nam một lần nữa trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và toàn cầu.

Chính phủ Việt Nam đang muốn đẩy nhanh tăng trưởng hơn nữa, ở mức trên 8% trong năm 2025, thông qua nhiều biện pháp, bao gồm cả đẩy mạnh cải cách thể chế. Theo ông, những nút thắt lớn về thể chế mà Việt Nam nên ưu tiên loại bỏ là gì?

Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc cải thiện thể chế trong nhiều năm, nhưng cần có thêm cải cách để tạo điều kiện cho sự phát triển của đất nước và đạt được vị thế thu nhập cao vào năm 2045.

Để nâng cao năng lực của Nhà nước một cách hiệu quả hơn, Việt Nam có thể phải có sự chọn lọc hơn trong cách can thiệp vào nền kinh tế. Yêu cầu từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” phải là một sự đổi mới thiết yếu. Chuyển từ tư duy cấm đoán sang tư duy tạo điều kiện sẽ giúp giảm số lượng quy định không cần thiết và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Một tư duy quản lý linh hoạt thúc đẩy sự phát triển sẽ truyền cảm hứng cho các cơ quan và công chức tích cực theo đuổi các giải pháp mới.

Hơn nữa, cách tiếp cận có chọn lọc hơn sẽ có nghĩa là làm ít việc hơn và quy mô của bộ máy nhà nước có thể thu hẹp. Điều này cũng có thể giúp tiết kiệm nguồn lực và cho phép tiền lương trong khu vực công bắt kịp với khu vực tư nhân. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng, công chức và viên chức được trả lương xứng đáng để thu hút và giữ chân nhân tài.

Dù việc tổ chức lại Chính phủ một cách thường xuyên có thể phản tác dụng, nhưng việc điều chỉnh định kỳ để giải quyết các nhu cầu mới nổi và khắc phục các điểm kém hiệu quả, như chức năng trùng lặp và các ưu đãi không phù hợp, là rất quan trọng. Tôi cho rằng, nỗ lực hiện tại của Chính phủ để thực hiện việc điều chỉnh như vậy là một bước tiến tích cực.

Cuối cùng, chúng ta thường nghe về các thách thức trong quản lý đầu tư công và thật tốt khi thấy rằng, nhiều điểm yếu đã được giải quyết thông qua việc sửa đổi Luật Đầu tư công. Trong tương lai, vẫn còn chỗ để cải thiện quy trình lập ngân sách và hệ thống luật phức tạp về quản lý đầu tư công.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thương mại. Ông kỳ vọng gì về triển vọng thương mại của Việt Nam trong năm 2025?

Sự phát triển của thương mại đem đến các cơ hội lớn cho Việt Nam, nhưng cũng đặt ra những thách thức cho đất nước, cần được theo dõi kỹ càng.

Thứ nhất, tự động hóa ngày càng tăng có thể tác động đến việc làm và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là đối với các quốc gia dựa vào mô hình xuất khẩu dựa trên chi phí lao động thấp và xuất khẩu thâm dụng lao động như Việt Nam.

Thứ hai, biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi phải đẩy mạnh các nỗ lực để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của Việt Nam trước thiên tai và để giảm phát thải khí carbon trong sản xuất của Việt Nam, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn cầu trong bối cảnh người tiêu dùng và nhà đầu tư quốc tế ngày càng chú ý đến các sản phẩm xanh và cơ hội đầu tư xanh.

Thứ ba, nhu cầu toàn cầu đang dần chuyển dịch sang châu Á. Mặc dù có xu hướng tiết kiệm tương đối cao, song chi tiêu của người tiêu dùng ở Đông Á vẫn đang tăng nhanh, trong khi ở Mỹ và châu Âu lại đang giảm. Nhu cầu ngày càng tăng từ các nước châu Á là một cơ hội quan trọng mà Việt Nam cần phải nắm bắt.

Thanh Tùng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kinh-te-viet-nam-tang-truong-cao-nhat-o-dong-a-d238957.html