TS. Nguyễn Đình Cung: Để kinh tế phục hồi nhanh, cần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, táo bạo hơn
Chính phủ cần có sự quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, táo bạo hơn. Cần có cơ chế khuyến khích, động viên những người dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. DNNN phải đủ cơ chế, chính sách để 'nghĩ lớn, làm lớn'. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định.
Sự phục hồi mạnh mẽ
+ Ông đánh giá thế nào về mức độ hồi phục của nền kinh tế trong những tháng đầu năm nay?
- Trong những ngày rời Hà Nội đi về nhiều nơi, điều tôi cảm nhận được là cuộc sống đã trở lại bình thường. Trên các chuyến bay không còn trống ghế. Nhà hàng và khách sạn tấp nập người vào ra. Nhà máy, công trường cũng nhộn nhịp trở lại. Trên các con đường xe nối xe đi lại. Nền kinh tế đã phục hồi tích cực.
Với sự linh hoạt, kịp thời chuyển hướng thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vắc-xin được bao phủ trên diện rộng, dịch bệnh được kiểm soát nên người dân và doanh nghiệp yên tâm và dường như không còn nỗi lo dịch bệnh. Cùng với việc triển khai các chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nền kinh tế bước đầu có sự phục hồi tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh dự báo có nhiều khởi sắc, tạo đà đẩy nhanh tăng trưởng cho thời gian tới.
Nhưng khác sự tấp nập và tốc độ bên ngoài, phía trong cánh cổng của một số sở ngành ở một số địa phương là một không khí làm việc “an toàn” và thận trọng. Vấn đề gì vướng, vấn đề gì gợn lên là “chờ xin ý kiến”. Có những vấn đề nếu mạnh dạn làm sẽ mang lại lợi ích tổng thể nhiều hơn nhưng với hệ thống các quy định hiện nay, không động đến không sao, động vào có khi lại mang tội làm sai.
Đây cũng là tâm trạng của nhiều lãnh đạo các DNNN. Có rất nhiều mảnh đất trước đây là trụ sở, là nhà xưởng của DNNN, nay sản xuất đã di dời khỏi nội đô, bộ máy thu gọn, trụ sở không cần nhiều thế, nếu những mảnh đất này được vốn hóa sẽ thu về một nguồn lực không nhỏ để đầu tư sử dụng vào việc sinh lợi cao hơn, mang lại khoản thu lớn hơn cho ngân sách nhà nước.
Tâm lý cầu an không chỉ có ở một số ít người
+ Theo ông, nguyên nhân của tâm lý “cầu an” đó từ đâu?
- Nhiều người nghĩ là phải làm quyết liệt, đột phá mới thúc đẩy được nhưng làm thì không ai dám. Có lẽ đây là nguyên nhân khiến gần đây nhiều việc cứ chậm lại, không có dự án lớn được triển khai, công tác cổ phần hóa và thoái vốn như đang ở thời kỳ ngủ đông.
Và ở một góc khác của đời sống, trong các khu chợ vẫn còn không ít người dân so đo tính toán từng nghìn đồng một cho mớ rau, cân gạo. Suốt cả hai năm dịch bệnh, mất thu nhập, nhiều người đã tiêu cạn từng đồng tích cóp tiết kiệm. Tới nay dù đã có việc làm, đã có thu nhập, nhưng với nhiều người thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống thường ngày. Đây cũng là lý do vì sao gần đây số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng vọt lên như thế.
Sản xuất kinh doanh đã hồi phục mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực nhưng với phần lớn doanh nghiệp vẫn đang khó khăn về tài chính lại đối diện với nhiều khó khăn mới. Giá nguyên vật liệu, giá phân bón, giá thức ăn, giá xăng dầu tăng cao, nguồn cung phục vụ chế biến, xuất khẩu thiếu hụt. Cuộc xung đột Nga - Ukraina và chính sách zero COVID của Trung Quốc làm đứt đoạn chuỗi cung, làm gián đoạn xuất khẩu. Một số thị trường bị ảnh hưởng lớn...
Thương mại, dịch vụ tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn. Du lịch nội địa khá sôi động nhưng mức độ phục hồi cũng mới ở mức 60%, còn khách nước ngoài tới Việt Nam vẫn còn khá ít. Chính sách zero COVID của Trung Quốc khiến cho ngành du lịch mất đi một lượng lớn du khách tiềm năng. Cũng theo đó khách sạn và hàng không quốc tế cũng mới chỉ phục hồi một phần, mức độ phục hồi chắc chỉ được 40%.
Bối cảnh bây giờ đã khác xa
+ Theo ông, nền kinh tế đang đối diện những khó khăn mới nào?
- Cho đến nay, vĩ mô ổn định, lạm phát đang được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Nhưng nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định vĩ mô, các cân đối lớn, nhất là về điện, xăng dầu. Áp lực lạm phát tăng cao cộng hưởng với sự gia tăng giá cả nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải, logistics, nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc… Qua đó, tác động đến đời sống người dân, người nghèo, người có thu nhập thấp; làm giảm sức phục hồi của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ đã ban hành.
Trong khi đó, Chương trình phục hồi chưa được thực hiện đầy đủ. Vẫn còn rất nhiều chính sách chưa thể triển khai khi các hướng dẫn vẫn còn đang được xin ý kiến hoặc chờ phê duyệt. Mặc dù, ngay sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ đã có 03 Công điện đôn đốc, yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả chương trình này.
Mọi dự báo đều cho thấy, những biến động của kinh tế thế giới như lạm phát, giá nguyên vật liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng... có thể tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống nhân dân. Quá trình phục hồi sẽ khó khăn hơn.
+ Theo ông, để đạt những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra từ đầu năm, Chính phủ cần có thêm những giải pháp nào?
- Bối cảnh bây giờ đã khác xa rất nhiều so với thời điểm Chính phủ đưa ra Chương trình phục hồi và đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,0-6,5%, kìm giữ lạm phát dưới mức 4%. Muốn thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,0-6,5%, thì cần có sự quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, táo bạo hơn. Nguồn lực dành cho phục hồi đang trông vào tiến độ, chất lượng Chương trình phục hồi và đầu tư công. Việc thực hiện phải thật nhanh. Đây là nhiệm vụ trọng tâm. Chậm ngày nào, hiệu quả giảm đi phần đó.
Những dự án huyết mạch tạo không gian phát triển, tạo ra nhiều lợi ích như vành đai ba, vành đai bốn, hay tuyến đường Biên Hòa – Đồng Nai... là những dự án không thể không làm và phải làm ngay, làm nhanh. Đây là những dự án rất cấp bách xét về mặt hiệu quả tạo động lực tăng trưởng và thu hút các nguồn lực khác, giải quyết các điểm nghẽn phát triển ở các khu vực đó.
Lúc này càng trông đợi vào nỗ lực ổn định vĩ mô, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực cho phát triển để người dân, doanh nghiệp an tâm mở rộng kinh doanh.
Đây là lúc cần có cơ chế khuyến khích, động viên những người dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung, vì khát vọng làm giàu cho đất nước. DNNN phải đủ cơ chế, chính sách để “nghĩ lớn, làm lớn”, đầu tư các dự án quy mô lớn, có tính chất lan tỏa đối với nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác. Doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng chọn con đường phát triển, sáng tạo dựa trên cạnh tranh, thay vì xin - cho, thân hữu...
Đây cũng là lúc tạo không gian cho chính quyền địa phương chủ động và sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế địa phương. Đây chính là điều mà doanh nghiệp thực sự cần. Nếu chính quyền địa phương không dám làm, thì doanh nghiệp sẽ không thể có không gian sáng tạo, đổi mới.
Hà Anh (Thực hiện)