TS.NGUYỄN DUY ĐỒNG: KHẮC PHỤC KHIẾM KHUYẾT, BẤT CẬP TRONG ĐẤU THẦU

Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là một trong số 7 dự án luật được UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9 diễn ra từ ngay 19 – 24/9. Dưới góc nhìn nghiên cứu, TS.Nguyễn Duy Đồng, Khoa Đấu thầu – Học viện Chính sách và Phát triển nhận định, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cơ bản vẫn giữ nguyên các nguyên tắc chung của khoa học và kỹ thuật xử lý trong lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư, một số nội dung được hiệu chỉnh, bổ sung để khắc phục các khiếm khuyết, bất cập qua gần 10 năm vận hành và cập nhật các yêu cầu mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tập trung cao độ, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 4

Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) vào chiều 20/9

Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) vào chiều 20/9

Theo TS. Nguyễn Duy Đồng hiệu quả sử dụng vốn, đặc biệt là vốn và tài sản nhà nước tính cho cả vòng đời sử dụng sản phẩm trong mua sắm, đầu tư là nội dung xuyên suốt và mục tiêu cao nhất trong quy định của Luật Đấu thầu 43/3013/QH13 so với Luật Đấu thầu 61/2005QH11, đặt mục tiêu và kèm theo là các quy định, hướng dẫn thực hiện mua sắm sản phẩm, dịch vụ không phải chỉ quan tâm đến giá rẻ mà phải nhìn nhận trên cơ sở đánh giá tổng thể sản phẩm, dịch vụ, bao gồm cả yếu tố chất lượng, khả năng đáp ứng các yêu cầu xã hội khác để lựa chọn. Luật Đáu thầu 43 vận hành gần 10 năm đã chứng tỏ tính ưu việt và là công cụ đắc lực trong vận hành cơ chế thị trường ngày càng hội nhập sâu và mở rộng của kinh tế Việt Nam với thế giới.

TS. Nguyễn Duy Đồng cũng cho rằng, xã hội phát triển và biến động theo nhiều chiều, đặc biệt là cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển nhanh, đột phá trong kỷ nguyên số đã tác động rất sâu sắc đến mô hình điều hành nền kinh tế của mỗi quốc gia. Kinh tế Việt Nam càng hội nhập sâu thì tác động của quá trình phát triển đó càng lớn và nhanh, vì vậy việc hoàn thiện Luật Đấu thầu với các hiệu chỉnh bổ sung để đồng bộ với quá trình phát triển là cần thiết và phù hợp.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này cơ bản vẫn giữ nguyên các nguyên tắc chung của khoa học và kỹ thuật xử lý trong lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư, một số nội dung được hiệu chỉnh, bổ sung để khắc phục các kiếm khuyết, bất cập qua gần 10 năm vận hành và cập nhật các yêu cầu mới.

Tán thành việc bổ sung nội dung quản lý thực hiện hợp đồng, TS. Nguyễn Duy Đồng cho biết, việc bổ sung này là phù hợp nhằm nhấn mạnh đến sản phẩm trực tiếp của quy trình lựa chọn nhà thầu là hợp đồng được hai bên ký kết, nhưng mục tiêu cuối cùng phải là sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được mua quy định cụ thể trong hợp đồng. Vì vậy, việc quản lý thực hiện hợp đồng đã ký là bước tiếp theo quan trọng sau khi ký hợp đồng trong quy trình lựa chọn nhà thầu để đảm bảo chủ đầu tư nhận được sản phẩm theo yếu cầu

Đồng tình với nhiều sửa đổi, bổ sung tại dự luật, tuy nhiên TS. Nguyễn Duy Đồng cũng cho rằng, để việc đánh giá lựa chọn nhà thầu và thực thi các quy định của Luật Đấu thầu hiệu quả thì ngoài các quy định đã nêu trong dự thảo Luật Đấu thầu lần này, cần cân nhắc quan tâm một số nội dung sau:

Một là, đề nghị xem xét có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước ban hành kịp thời các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường, công nghệ cũ, mới, sáng tạo,… của từng lĩnh vực và hướng dẫn phương pháp định lượng trong lập Hồ sơ mời thầu và đánh giá lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tương tự như việc công bố sản phẩm tiết kiệm năng lượng của Bộ Công thương hiện nay đang cấp cho một số sản phẩm, nhưng chưa có hướng dẫn đưa vào đánh giá thầu.

Hai là, cần nêu rõ ưu đãi liên quan sản phẩm mới chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài để sản xuất trong nước thay hàng nhập khẩu, vì việc ưu đãi về đánh giá năng lực và kinh nghiệm không chỉ liên quan đến hợp đồng tương tự mà người mua quan tâm đến chất lượng sản phẩm và việc chứng minh năng lực sản xuất phải thông qua các tài liệu và chứng cứ cụ thể, vì vậy ngoài nhà xưởng, thiết bị mới xây được khai báo các thông số năng lực thì các kinh nghiệm và năng lực kỹ thuật thông qua bản quyền thiết kế, các tài liệu kỹ thuật khác như thí nghiệm mẫu… chứng minh tính kiểm chứng của sản phẩm sẽ chuyển giao cho đợn vị dược nhận chuyển giao công nghệ thừa hưởng thì mới đảm bảo và minh bạch.

Ba là, các quy định liên quan kiểm soát thông số kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và dịch vụ cần được rà soát và hoàn thiện quy định cụ thể, đồng bộ làm cơ sở soạn quy định về đảm bảo và kiểm soát chất lượng đầu ra. Các nội dung này theo kết cấu của Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu càu chính là nội dung các phần chỉ dẫn kỹ thuật, yêu cầu chất lượng hàng hóa hay sản phẩm dịch vụ cần mua. Hiện nay, các văn bản pháp luật chuyên ngành có đề cập nhưng còn tản mạn và chưa có hướng dẫn mang tính nghiệp vụ sâu để thực hiện khi soạn thảo Hồ sơ mời thầu/Hồ sơ yêu cầu, trong đó có phân hợp đồng.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Duy Đồng cũng lưu ý, hiện nay các quy định về công bố và áp dụng chỉ số giá xây dựng đã có nhưng còn những bất cập cần được nghiên cứu để hiệu chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, trong Luật cần có nội dung cụ thể giao trách nhiệm Tổng cục thống kê quốc gia xây dựng và công bố cơ sở dữ liệu ngày càng chi tiết, đầy đủ hơn, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ và thuận tiện, hỗ trợ cùng hệ thống chỉ số giá xây dựng hiện hành để chủ đầu tư tự tin sử dụng loại hợp đồng có điều chỉnh trượt giá rộng rãi hơn, giải tỏa vướng mắc không đáng có của biến động giá cả trên thị trường.../.

Lê Anh - Ánh Nguyệt

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=68635