TS Nguyễn Sĩ Dũng: Đại biểu là chính khách

Một Nhà nước phát triển cần phải có nguồn nhân lực tương ứng. Đội ngũ chính khách và các công chức là phần cấu thành hết sức quan trọng của nguồn nhân lực đó...

TS. Nguyễn Sĩ Dũng quan niệm, Nhà nước phát triển cần có nguồn nhân lực tương ứng. Đội ngũ chính khách và công chức là phần cấu thành quan trọng của nguồn nhân lực đó.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng quan niệm, Nhà nước phát triển cần có nguồn nhân lực tương ứng. Đội ngũ chính khách và công chức là phần cấu thành quan trọng của nguồn nhân lực đó.

Chính khách là những người cảm nhận được nhu cầu của xã hội và xu thế của thời đại. Họ có thể vạch ra phương hướng phát triển và dẫn dắt xã hội tiến lên phía trước.

Các công chức là những người giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Họ biết cách triển khai chính xác và hiệu quả những quyết định được các chính khách đưa ra. Thiếu một trong hai lực lượng này đất nước khó có thể phát triển nhanh chóng và bền vững.

Ở ta, sự phân biệt giữa chính khách và công chức không phải bao giờ cũng được làm rõ. Hơn thế nữa, chính khách hay công chức đều được gọi chung là cán bộ. Thuật ngữ "cán bộ" được sử dụng cho mọi trường hợp đang càng làm nhạt nhòa ranh giới giữa hai loại yếu nhân nói trên.

Hậu quả là, chúng ta ai cũng có trong mình một chút chính khách và một chút công chức. Ai cũng thích tranh luận về chủ trương, đường lối, ai cũng thích chỉ đạo, điều hành. Đây thật sự là một sự "đa di năng"! Chỉ có điều đã "đa di năng" thì rất khó chuyên sâu.

Nói về chính khách, các vị đại biểu, trước hết là đại biểu Quốc hội là các chính khách bàn một trong hệ thống của chúng ta (trong mọi hệ thống trên thế giới thì cũng vậy). Đây là một nghề khó khăn và đòi hỏi một loạt năng lực và kỹ năng chuyên nghiệp như thấu hiểu cử tri; thấy được thiên hướng của xã hội, của thời đại; giỏi diễn thuyết, thuyết phục; giỏi tranh luận và thỏa hiệp.

Theo một tài liệu đào tạo đại biểu dân cử của tổ chức Habitat, Liên hợp quốc, đại biểu phải thể hiện được rất nhiều tư cách: nhà ban hành quyết định, nhà giám sát, nhà thương thuyết, nhà môi giới quyền lực... Với từng ấy tư cách, không phải những người có năng lực làm đại biểu, thật sự sẽ khó có thể hoàn thành chức trách của mí̀nh.

Điều đáng nói là những phẩm chất cần thiết để làm đại biểu Quốc hội, cũng như Hội đồng nhân dân rất khó được lượng hóa.

Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đề ra 5 tiêu chuẩn cho các đại biểu. Đó là: Trung thành với Tổ quốc, với Hiến pháp; Có phẩm chất đạo đức tốt; Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ của đại biểu; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân; Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội (HĐND).

Các tiêu chuẩn này là căn cứ để các tổ chức hữu quan giới thiệu các ứng cử viên của mình. Đây cũng là căn cứ quan trọng cho quá trình hiệp thương và lựa chọn các ứng cử viên để đưa vào danh sách giới thiệu chính thức của Mặt trận Tổ quốc.

Tuy nhiên, những tiêu chuẩn trên rất khó xác định đối với cử tri - ông chủ thật sự của quyền lực chính trị trong một nền dân chủ. Đối với cử tri thì nhận biết các ứng cử viên thông qua hoạt động vận động bầu cử là rất quan trọng.

“Chim hay tiếng hót rảnh rang”, nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động của mình, chúng ta sẽ biết được rất nhiều điều về ứng cử viên đó. Trong đó có những điều rất cần thiết để làm đại biểu như khả năng diễn thuyết, sự hiểu biết, khả năng thuyết phục để thúc đẩy lợi ích của cử tri.

Cuối cùng, đi bầu nghĩa là đi chọn người để ủy quyền đại diện cho mình. Cử tri phải có trách nhiệm với sự ủy quyền đó. Nếu chúng ta chọn sai, lợi ích của chúng ta sẽ khó lòng được thúc đẩy và bảo vệ.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ts-nguyen-si-dung-dai-bieu-la-chinh-khach-142020.html