TS.NGUYỄN VĂN THUẬN: CÂN NHẮC KỸ LƯỠNG QUY ĐỊNH NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT CHO DỰ ÁN ĐÔ THỊ, NHÀ Ở THƯƠNG MẠI

Đề xuất về thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại là một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi doanh nghiệp mong muốn Nhà nước thu hồi và được giao đất 'sạch' thì TS.Nguyễn Văn Thuận – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần cân nhắc kỹ về quy định này và phải có sự thỏa thuận đền bù giữa người có đất bị thu hồi với doanh nghiệp.

XÂY DỰNG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): CẦN THỂ CHẾ HÓA ĐẦY ĐỦ NHIỆM VỤ NGHỊ QUYẾT SỐ 18-NQ/TW ĐỀ RA

Ảnh minh họa

Sau hơn 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp;…

Trao đổi với phóng viên về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, TS.Nguyễn Văn Thuận - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ sự đồng tính với đề xuất mới về về thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại trong dự thảo luật; đồng thời cho biết, về cơ bản, các doanh nghiệp đều muốn được giao đất “sạch” để làm dự án. Việc này sẽ tạo thuận lợi cũng như cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 1993 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Do vậy, khi doanh nghiệp muốn sở hữu, sử dụng thì chắc chắn Nhà nước phải can thiệp, thu hồi và bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp và sau đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những người đang sử dụng đất, họ rất mong muốn các doanh nghiệp trực tiếp đến giao dịch, đàm phán để có giá bồi thường hợp lý theo thỏa thuận.

TS.Nguyễn Văn Thuận nêu rõ, nếu Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo khung giá Nhà nước thì tình trạng đất mất giá sẽ lại tái diễn. Còn nếu doanh nghiệp trực tiếp thỏa thuận với người dân thì giá đất sẽ sát với giá thị trường hơn, dễ tạo sự đồng thuận giữa doanh nghiệp với người dân. Do đó, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, Nhà nước không nên can thiệp vào việc thu hồi đất mà chỉ thực hiện các chính sách pháp luật sau khi đã có sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân có đất bị thu hồi.

TS.Nguyễn Văn Thuận - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

TS.Nguyễn Văn Thuận - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Cũng theo TS.Nguyễn Văn Thuận, trên thực tế, việc đền bù đất với quy mô nhỏ lẻ từ vài hecta trở xuống sẽ không xảy ra vấn đề bởi đó là chi phí của doanh nghiệp phải đầu tư. Nhưng nếu doanh nghiệp muốn diện tích đất lớn hơn để làm nhà ở hay khu thương mại dịch vụ thì việc thỏa thuận với dân là điều tất yếu. Do đó cần cân nhắc việc Nhà nước thu hồi đất cho các dự án nhà ở thương mại, dự án đô thị. Đây là hoạt động kinh tế đơn thuần do chủ đầu tư là các doanh nghiệp bất động sản thực hiện. Các dự án này phần lớn để kinh doanh, cho dù thu hồi đất không phải đất ở thì việc Nhà nước tham gia vào quá trình thu hồi đất để chuyển giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án có thể làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.

Thay vào đó, TS.Nguyễn Văn Thuận cho rằng nên để doanh nghiệp thỏa thuận với người dân có đất bị thu hồi nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Trong trường hợp một phần hộ dân không đồng tình với việc thu hồi thì cần bổ sung quy định Nhà nước phải can thiệp, bởi nếu không có sự can thiệp của Nhà nước, các doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện được các dự án đô thị. Đồng thời cần quy định các dự án phải gắn với điều kiện có sự đồng thuận của trên 80% hộ gia đình có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, cần phải chỉ rõ loại đất nào thuộc Nhà nước thu hồi, loại đất nào doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, với những dự án thực sự đóng góp cho sự phát triển của đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như thu hồi đất làm đường cao tốc, làm đường vành đai hay dự án làm nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo thì Nhà nước thu hồi. Đối với những dự án làm nhà ở thương mại, đất thương mại, dịch vụ giao cho doanh nghiệp thì Nhà nước không nên thu hồi; các doanh nghiệp phải có sự thỏa thuận rõ ràng với người dân. Theo TS. Nguyễn Văn Thuận, đây là những dự án mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp thì phải có sự sòng phẳng về quyền và lợi ích với người có đất bị thu hồi. Nhà nước không nên can thiệp vào việc thu hồi mà chỉ thực hiện các chính sách pháp luật sau khi đã có sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân bị thu hồi đất./.

Vũ Hà

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74251