TS Phạm S: Giải bài toán '3 hơn' cho nông sản Lâm Đồng
DNVN – Theo TS Phạm S, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, giữ vai trò trụ đỡ trong nền kinh tế của tỉnh Lâm Đồng. Do đó rất cần các giải pháp mang tính đột phá để sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của tỉnh: số lượng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn và thị trường mở rộng hơn.
“3 hơn” cho nông sản Lâm Đồng
Đến dự và phát biểu tại hội nghị kết nối, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng tổ chức sáng 3/8, tại Đà Lạt, TS Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, trong những năm qua, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng, giữ vai trò trụ đỡ trong nền kinh tế của tỉnh.
Nông nghiệp của tỉnh được cơ cấu lại một cách toàn diện; sản xuất chuyển dịch theo hướng an toàn, bền vững, việc xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường đặc biệt là thương mại điện tử (TMĐT) được xem là giải pháp trọng tâm để hình thành một nền nông nghiệp bền vững có sức cạnh tranh cao, theo kịp xu thế chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Trong đó, phát triển sản phẩm OCOP được xem là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị cho nông sản nói riêng và sản phẩm nông thôn nói chung. Đồng thời đây cũng là chương trình nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, là một trong 6 chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới.
Sản phẩm OCOP của tỉnh tăng nhanh về số lượng và chất lượng với 214 sản phẩm, xếp thứ 12/63 trong cả nước. Tỉnh đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình OCOP một cách hiệu quả; các sản phẩm được chứng nhận, không ngừng cải tiến mẫu mã, từ đó thu nhập của doanh nghiệp, hộ dân đã được tăng lên.
TMĐT đã góp phần cho ngành nông nghiệp bắt kịp yêu cầu chuyển đổi số trong nền kinh tế; đa dạng hóa phương thức tiêu thụ nông sản; nhiều trang TMĐT của tỉnh được xây dựng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, từ đó kết nối với các đối tác tiêu thụ một cách nhanh nhất.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, dù ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải có giải pháp đột phá để giải quyết trong thời gian tới.
Cụ thể, số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh, tuy nhiên một số sản phẩm đã đạt chứng nhận nhưng chưa thực sự đem lại hiệu quả rõ nét như các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Số lượng sản phẩm OCOP tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ còn chưa cao nên chưa phát huy tối đa giá trị của sản phẩm được chứng nhận.
Việc phát triển sản phẩm OCOP còn chưa đồng đều giữa các vùng, địa phương, tập trung chủ yếu tại khu vực TP Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà và chưa đồng đều về các chủng loại sản phẩm, chủ yếu là từ nông sản chủ lực của tỉnh, chứng nhận đối với sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn còn thấp.
Bên cạnh đó, việc phát triển TMĐT vẫn còn chậm, tỷ lệ nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng được tiêu thụ qua phương thức này còn thấp. Thiếu cơ chế, chính sách để hỗ trợ thúc đẩy phát triển TMĐT. Năng lực tiếp cận TMĐT của một số doanh nghiệp, chủ thể trên địa bàn còn hạn chế.
Từ đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại, các sàn TMĐT tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất của tỉnh tiếp cận, nâng cao năng lực trong TMĐT. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần không ngừng nghiên cứu, học hỏi, ứng dụng công nghệ, tiếp cận chính sách để thực hiện số hóa thương mại.
“Tôi mong rằng, 4 nhà gồm nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp dự hội nghị hôm nay cùng nhau hợp sức giải bài toán với nan đề “3 hơn” cho sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP Lâm Đồng, đó là: số lượng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn và thị trường mở rộng hơn”, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Phạm S kỳ vọng.
Đòn bẩy thương mại điện tử
Với bài toán cần mở rộng thị trường cho nông sản, sản phẩm OCOP Lâm Đồng, ông Võ Văn Khanh – Trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, cho rằng, TMĐT là giải pháp phù hợp.
“TMĐT có lợi thế tốc độ nhanh, phạm vi toàn cầu, có thể kết nối trực tiếp từ người bán tới người tiêu dùng, là yếu tố quan trọng khiến phạm vi nhóm hàng, sản phẩm, đối tượng bán hàng được mở rộng hơn và với chi phí thấp hơn nhiều so với thương mại truyền thống”, ông Võ Văn Khanh nhấn mạnh.
Do vậy, ứng dụng TMĐT để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang trở thành xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hướng đến kênh phân phối tiêu thụ hiện đại và mang tính bền vững.
Tuy nhiên, cũng theo ông Khanh, hạn chế khi ứng dụng TMĐT và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, hàng nông sản và sản phẩm đặc trưng của địa phương đó là nhiều loại nông sản chưa được tiêu chuẩn hóa, không đáp ứng được các điều kiện đóng gói, bảo quản, vận chuyển khi tham gia sàn TMĐT. Chưa kể do đặc thù là hàng tươi sống nên nhiều loại “sáng là rau, chiều là rác”.
Bên cạnh đó là hạn chế về nguồn lực của doanh nghiệp. Hơn nữa, niềm tin của người dùng vào các sản phẩm nông sản trên sàn TMĐT chưa cao như các kênh bán truyền thống thông thường vì khách hàng không thể động chạm, cảm nhận, cũng như tương tác với sản phẩm trước khi ra quyết định mua.
Để khắc phục những hạn chế này, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp cần tham gia hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; xây dựng dữ liệu thực: cập nhật diện tích, sản lượng sản phẩm, hình ảnh, cam kết chất lượng…; hợp tác chương trình cùng các sàn TMĐT lớn trong nước và quốc tế cũng như các sàn chuyên ngành…
NhưDoanh nghiệp Việt Namđã đưa, sáng 3/8, tại Đà Lạt, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị kết nối, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP, với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản trong tỉnh, 25 đối tác là các công ty quản lý các sàn TMĐT và các hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ trong nước cũng như xuất khẩu.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận, tham gia các sàn giao dịch TMĐT để từng bước số hóa thương mại nông sản của tỉnh Lâm Đồng, đa dạng hóa phương thức tiêu thụ góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, tạo cơ sở để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại.