TS. Phùng Đức Tùng: Mở cửa nền kinh tế cần có lộ trình, vaccine Covid-19 là 'vũ khí'

Theo quan điểm của Giám đốc Viện nghiên cứu Phát triển Mekong, TS. Phùng Đức Tùng, vaccine Covid-19 là 'vũ khí' quan trọng để Việt Nam mở cửa nền kinh tế, sống chung với đại dịch Covid-19.

Giám đốc Viện nghiên cứu Phát triển Mekong, TS. Phùng Đức Tùng.

Giám đốc Viện nghiên cứu Phát triển Mekong, TS. Phùng Đức Tùng.

Chia sẻ với báo Thế giới & Việt Nam, TS. Phùng Đức Tùng nhấn mạnh, phải tìm mọi nguồn để có vaccine Covid-19 nhiều nhất, sớm nhất và nhanh chóng "phủ sóng" vaccine cho người dân. Cơ sở để mở cửa nền kinh tế quan trọng nhất là chúng ta đã bao phủ được vaccine Covid-19 mũi thứ nhất cho các tỉnh mà dịch bệnh bùng phát mạnh.

Xác định cuộc chiến chống Covid-19 là trường kỳ, gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh về vấn đề chủ động sống chung an toàn với dịch. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Qua gần hai năm bước vào cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, Covid-19 vẫn tồn tại và tiếp tục càn quét đất nước.

Nhìn ra thế giới, kể cả những nước đóng cửa liên tục cũng như thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 với tỷ lệ cao cũng vẫn phải “đau đầu” chống dịch.

Điều đó chứng tỏ đại dịch vẫn tồn tại, virus cũng không thể bị triệt tiêu hoàn toàn, thế giới phải chấp nhận sống chung với dịch.

Và Việt Nam không phải ngoại lệ.

Hiện nay, các nhà khoa học thế giới đều khẳng định rằng, Covid-19 sẽ không bao giờ biến mất và có thể trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Vì vậy, chúng ta cần xác định sống chung và lâu dài với dịch.

Khi các quốc gia trên thế giới bắt đầu mở cửa nền kinh tế, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường thì Việt Nam cũng không thể đóng cửa mãi. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu và giao lưu kinh tế quốc tế.

Bởi vậy, khi thế giới đã dần mở cửa nền kinh tế, chúng ta cũng phải mở cửa để không lỡ nhịp và bắt kịp đà phục hồi kinh tế thế giới.

Vấn đề quan trọng là giải pháp sống chung với dịch như thế nào để đảm bảo an toàn, hạn chế được tối đa tác động tiêu cực đến sinh mạng và đời sống của người dân. Đây là vấn đề mà mỗi quốc gia, tỉnh, địa phương cần phải căn cứ vào tình hình cụ thể để đưa ra các giải pháp phù hợp cho từng thời điểm, từng khu vực và thậm chí là từng cá nhân khi quyết định sống chung với dịch.

Theo ông, mở cửa nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm này đã hợp lý chưa? Việt Nam nên mở cửa nền kinh tế thế nào, áp dụng mở cửa từng bước theo lộ trình ra sao, thưa ông?

Chúng ta nên xem xét và mở cửa dần nền kinh tế theo hướng thích nghi với tình hình thực tế của từng ngành, từng địa phương.

Theo quan điểm của tôi, “vũ khí” chính là vaccine, phải tìm mọi nguồn để có vaccine nhiều nhất, sớm nhất và sớm "phủ sóng" vaccine cho người dân. Cơ sở để mở cửa nền kinh tế quan trọng nhất là chúng ta đã bao phủ được vaccine Covid-19 mũi thứ nhất cho các tỉnh mà dịch bệnh bùng phát mạnh.

Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở các tỉnh này đã có xu hướng chững lại và số người khỏi bệnh cao hơn số người nhiễm mới. Như vậy, bước đầu đã giảm tải được cho hệ thống y tế. Một lý do quan trọng nữa là số ca tử vong tai các địa phương đã giảm nhiều.

Khi các quốc gia trên thế giới bắt đầu mở cửa nền kinh tế, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường thì Việt Nam cũng không thể đóng cửa mãi.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xem xét, đánh giá đối với từng khu vực cụ thể để đưa ra các giải pháp mở cửa sao cho phù hợp với từng khu vực.

Đơn cử như những phường, quận không có ca lây nhiễm cộng đồng thì có thể mở cửa trở lại. Những khu vực dân số trẻ (khu công nghiệp), tỷ lệ tử vong thấp hoặc khu vực đã bao phủ vaccine hay các hộ gia đình trẻ, không có thành viên bị bệnh nền thì có thể được phép đi làm, trở về cuộc sống bình thường mới.

Theo tôi, sống chung với dịch không có nghĩa là mở cửa ồ ạt như giai đoạn trước mà phải có lộ trình, theo thứ tự ưu tiên và phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn.

Việt Nam không thể đưa ra một giải pháp mở cửa chung áp dụng cho tất cả các tỉnh hoặc khu vực mà cần có các giải pháp khác nhau căn cứ vào tình hình thực tế của từng tỉnh, từng khu vực, từng đối tượng cụ thể. Có như vậy, các giải pháp này mới phù hợp và hạn chế được tối đa nguy cơ bùng phát dịch bệnh và đặc biệt là hạn chế được các ca tử vong.

Nhiều chuyên gia y tế nhận định, sẽ rất khó để đưa số ca nhiễm Covid-19 về mức 0 trong bối cảnh hiện tại. Vậy, nhìn từ quốc tế, Việt Nam có thể học hỏi được những kinh nghiệm như thế nào khi chấp nhận sống chung với dịch?

Điều này đã được rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế khẳng định. Rất khó để đưa số ca nhiễm về mức 0 bởi biến chủng Delta lây lan rất mạnh và khó có thể kiểm soát.

Để sống chung với dịch, Việt Nam nên học hỏi các nước đã ở trạng thái bình thường mới như Anh, Israel. Các quốc gia này đã tập trung tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người cao tuổi, người mắc bệnh nền là nhóm có nguy cơ tử vong cao khi mắc bệnh.

Bên cạnh đó, tập trung tiêm vaccine cho nhóm có nguy cơ cao bị lây nhiễm như đội ngũ y tế, những người làm trong các ngành nghề tiếp xúc nhiều với con người và tập trung tiêm ở các khu vực đông dân cư ở các thành phố lớn.

Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine cho một số nhóm trên. Tuy nhiên, tỷ lệ được tiêm vaccine ở nhóm có nguy cơ tử vong cao hiện nay vẫn còn rất thấp.

Sau khi từng bước mở cửa nền kinh tế, Chính phủ cần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân ra sao để sớm phục hồi? Chính sách an sinh, xã hội cần hướng đến trọng tâm nào, thưa ông?

Chính phủ hiện đang đề xuất giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp và giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp trong một số ngành nghề, giảm lãi suất cho vay, miễn giảm tiền thuê đất.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần có nhiều các hỗ trợ khác có tác động trực tiếp và lớn hơn đến doanh nghiệp.

Cụ thể như giảm thuế xăng dầu, giảm giá điện, giảm thuế VAT đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và xem xét miễn đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn trong vòng 1 năm cho các doanh nghiệp. Các chi phí này chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng chi phí của doanh nghiệp.

Chính phủ đã có 2 gói hỗ trợ (gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng năm 2020 và gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng năm 2021) cho lao động và các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Tuy nhiên, việc giải ngân quá chậm và chưa thực sự hiệu quả. Do đó, thời gian tới, cần đẩy mạnh việc giải ngân 2 gói này và cũng nên xem xét thêm các gói hỗ trợ mang tính dài hạn hơn.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ts-phung-duc-tung-mo-cua-nen-kinh-te-can-co-lo-trinh-vaccine-covid-19-la-vu-khi-158782.html