TS, ThS được Viện IDEAS hỗ trợ, bằng không được công nhận, người học cần tìm hiểu kỹ
Từ khía cạnh người tuyển dụng, bằng cấp của các trường chưa làm thủ tục liên kết đào tạo tại Việt Nam sẽ không được luật pháp Việt Nam công nhận.
Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết:
Viện IDEAS chiêu sinh thạc sĩ quốc tế trực tuyến, độc giả có nhiều băn khoăn
Bằng chưa được công nhận, có tới 2471 ThS, TS quốc tế online được Viện IDEAS hỗ trợ
Liên quan đến nội dung bài viết trên, chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Lê Đông Phương (nguyên cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo) bày tỏ sự băn khoăn về việc quảng bá của Viện IDEAS, cùng với đó bằng cấp các đối tác liên kết có rất nhiều điều mà người học không thể xác minh được.
Thông tin về nơi cấp bằng, người học ở Việt Nam rất khó xác minh
Viện IDEAS quảng bá, chương trình đào tạo MSc AI của Swiss UMEF - đại học tư thục đầu tiên tại Geneva đạt kiểm định liên bang cao nhất Thụy Sĩ - Swiss Accreditation Council. Chương trình này có mức phí đắt nhất trong cấp độ MBA (thạc sĩ) với 11.400 CHF (đồng Thụy Sĩ, tương đương 360 triệu đồng). Trong tổng số mức học phí trên có 1.200 CHF (37,8 triệu đồng) là chi phí cho vé máy bay cho học viên tham dự lễ tốt nghiệp, nếu học viên không dự lễ sẽ được hoàn lại tiền.
Khác với quảng cáo rất kêu của Viện IDEAS, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho biết, ông có tìm hiểu tại trang web của Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Thụy Sĩ https://www.swissuniversities.ch/ thông tin, Trường UMEF (Viện khoa học ứng dụng) Thụy Sĩ thuộc các tổ chức khác của ngành giáo dục đại học, người học cần tìm hiểu kỹ.

Chương trình Executive DBA được Viện IDEAS giới thiệu, học viên tốt nghiệp sẽ là tân tiến sĩ của trường Ascencia Business School.
Về tên gọi của chương trình Executive DBA, Executive MBA do trường đối tác của Viện IDEAS đào tạo, chuyên gia giáo dục cho rằng, chương trình Executive là chương trình đào tạo rút gọn, bồi dưỡng kiến thức cho người đang đi làm.
"Vì vậy, tôi chưa thấy nơi nào công nhận văn bằng Executive là văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ", Tiến sĩ Lê Đông Phương nói.
Về nội dung thông tin, nhân viên Viện IDEAS tư vấn cho người học chương trình MSc AI của Trường UMEF có thể đăng ký interview đầu vào với đại diện của trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo Viện IDEAS cho hay, thông tin nữ nhân viên nói là không chính xác, bởi việc phỏng vấn học viên là của đại diện trường tại Thụy Sĩ, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, lãnh đạo Viện IDEAS muốn chứng minh việc hoạt động của cơ sở giáo dục đào tạo liên kết nằm ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam, như vậy sẽ nằm ngoài ràng buộc tuân thủ pháp luật của nước ta.
Tiến sĩ Lê Đông Phương cũng băn khoăn về việc quảng cáo của Viện IDEAS trên trang web là việc học chương trình DBA (bằng tiến Sĩ của trường Ascencia Business School, tổ chức giáo dục College de Paris) không cần nền tảng nghiên cứu, trong khi đó nhân viên lại nói ngược lại.

Thông tin về chương trình Executive DBA không cần nền tảng nghiên cứu.
Ông cũng băn khoăn về tiêu chuẩn đầu vào đối với các chương trình không có thông tin trong phần Thủ tục đăng ký, trong khi nhân viên nói yêu cầu đầu vào là IELTS 6.0. Việc quảng bá như vậy là rất khó hiểu.
Bên cạnh đó, thông tin quảng bá về việc giảng viên của Viện IDEAS hỗ trợ cho học viên nhưng không có thông tin công khai về đội ngũ giảng viên, trợ giảng nên rất khó chứng minh được chất lượng của giảng viên.
"Về thông tin Viện IDEAS trả lời Tạp chí rằng, việc tổ chức các lớp chuyên đề nhằm bồi dưỡng kiến thức cho các học viên khi tham gia các chương trình thạc sĩ online là thực thi đúng chức năng nhiệm vụ theo Giấy phép: 267/ĐK-KHCN, tôi cũng có băn khoăn là đơn vị nào cấp và cho phép hoạt động như Viện này phản hồi Tạp chí", Tiến sĩ Lê Đông Phương nói.

Thông tin quảng bá trên website Viện IDEAS. Ảnh chụp màn hình
Về việc quảng bá của Viện IDEAS đã hỗ trợ hơn 2.471 thạc sĩ, tiến sĩ online trong 14 năm qua, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho hay, bằng cấp của cơ sở giáo dục đào tạo online thạc sĩ, tiến sĩ cấp cho học viên được Viện IDEAS hỗ trợ sẽ không được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận. Bên cạnh đó, ông cũng băn khoăn với số lượng học viên nêu trên không phải là ít, khi trung bình một năm đào tạo hơn 170 học viên.
Trong khi đó, tại Việt Nam, một cơ sở giáo dục đại học đào tạo thạc sĩ trong một năm cũng chỉ có 30-50 chỉ tiêu.
Người học cần tỉnh táo khi lựa chọn chương trình
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Đông Phương, một cựu cán bộ tại Cục quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, với chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ online của đối tác liên kết với Viện IDEAS, văn bằng cấp phát cho học viên chắc chắn sẽ chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận. Vì vậy, học viên không thể dùng văn bằng này để phục vụ cho công việc trong những nơi uy tín, cơ quan nhà nước.
"Với chương trình đào tạo online thạc sĩ, tiến sĩ từ các trường nước ngoài chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận, vì vậy người học cần tỉnh táo khi lựa chọn chương trình học này để tránh mất tiền nhưng khi cần bằng cấp thì lại không được công nhận ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có chế tài quản lý chặt chẽ hơn với hình thức đào tạo này", cựu cán bộ Cục quản lý Chất lượng cho hay.
Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, nhìn từ khía cạnh người học, cần lưu ý là có rất nhiều chương trình tuyển sinh cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức từ xa hoặc học kết hợp trực tiếp - trực tuyến chiêu sinh đối với người học tại Việt Nam. Nếu chưa làm thủ tục liên kết đào tạo tại Việt Nam, có thể xảy ra hai tình huống.
Thứ nhất, là chương trình đạt kiểm định chất lượng ở nước ngoài, thì bằng cấp vẫn không được công nhận tại Việt Nam, mà chỉ được công nhận bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trong trường hợp đó, có thể gây thiệt thòi cho người học nếu mục đích sử dụng là ở trong nước.
Trường hợp thứ hai, bằng cấp không được kiểm định ở nước ngoài. Như vậy, bằng cấp dù có cao tới bậc tiến sĩ cũng rất ít hoặc hoàn toàn không có giá trị sử dụng. Thậm chí, không ít những trường không được đăng ký hoặc không phải cơ sở giáo dục.
Từ khía cạnh người tuyển dụng, bằng cấp của các trường chưa làm thủ tục liên kết đào tạo tại Việt Nam sẽ không được luật pháp Việt Nam công nhận, do vậy không thể dùng cho công chức hay người lao động làm việc theo hợp đồng được ký kết theo luật Việt Nam.
Các nhà tuyển dụng hầu như rất dễ nhận biết bằng cấp từ các trường vô giá trị, do vậy việc đầu tư học các khóa học lấy bằng cấp kiểu này có thể xem là vô nghĩa. Người học có thể bị lừa dối, hoặc sẽ dùng bằng cấp để lừa dối nhà tuyển dụng, hoặc thậm chí lừa dối chính mình để thỏa mãn sự "háo danh".
"Nếu người học không biết về bằng cấp của đơn vị đào tạo có giá trị tới mức nào, họ có thể mất thời gian, công sức, tiền bạc để theo đuổi những tấm bằng ít giá trị", ông Nguyên chia sẻ.
Theo Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 07/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, để được công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, người học phải tuân thủ một số điều kiện:
- Cơ sở và chương trình đào tạo phải được kiểm định chất lượng bởi cơ quan có thẩm quyền được quốc gia đó công nhận.
- Chương trình học phải đảm bảo hình thức đào tạo toàn thời gian trực tiếp (full-time, on-campus).
Vì vậy chương trình được quảng bá với khả năng đào tạo trực tuyến (online), không đáp ứng yêu cầu về hình thức đào tạo theo quy định tại Việt Nam.
Lời khuyên dành cho người học
Việc lựa chọn chương trình và cơ sở đào tạo quốc tế cần được cân nhắc cẩn trọng để đảm bảo bằng cấp có giá trị pháp lý, tránh rủi ro lãng phí thời gian và tiền bạc. Người học cần lưu ý:
- Kiểm tra danh sách các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo được kiểm định chính thức bởi các cơ quan kiểm định hợp pháp.
- Xác định khối lượng tín chỉ ECTS của chương trình thạc sĩ, đảm bảo đạt chuẩn tối thiểu 120 tín chỉ theo Bologna Process.