TS. Vũ Tiến Lộc: 'Bơi ra biển lớn', doanh nghiệp Việt phải nắm vững pháp lý
Việt Nam cần phải có nhiều hơn những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong, 'bơi ra biển lớn', sẵn sàng và kiên trì với cạnh tranh toàn cầu để thực hiện được khát vọng hùng cường của đất nước, nhưng để làm được điều này các doanh nghiệp phải nắm vững pháp lý, tránh những rủi ro khi xảy ra tranh chấp.
Chiều ngày 26/6/2024, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện VIAC SYMPOSIUM 2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức phiên nội dung với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam vươn ra quốc tế trong bối cảnh kinh tế biến động”.
Chủ tịch VIAC - Vũ Tiến Lộc dẫn lại câu nói mà ông vô cùng tâm đắc của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Không Make in Việt Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Việt Nam thì chúng ta không thể thịnh vượng”.
"Quả thực vậy, thời đại của chúng ta đang sống hiện giờ là thời đại của thế giới phẳng, là thế giới với biên giới số, đặt ra câu hỏi cho chúng ta về bản sắc Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế. Chúng ta cần phải có nhiều hơn những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong, "bơi ra biển lớn", sẵn sàng và kiên trì với cạnh tranh toàn cầu để thực hiện được khát vọng hùng cường của đất nước", ông Lộc nhắn nhủ.
Trong hoạt động thương mại xuyên biên giới, nông sản là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước với số lượng và giá cả tăng mạnh. Nông sản Việt Nam xuất khẩu trong những năm gần đây đang được nhắc đến như một bức tranh với gam màu tươi sáng, tích cực.
Trong hoạt động đầu tư, 10 năm trước đây, khi lần đầu tiên Cục Đầu tư nước ngoài công bố những đồng lợi nhuận đầu tiên được các doanh nghiệp Việt Nam, như Viettel, Hoàng Anh Gia Lai... chuyển về nước, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhắc đến chuyện đầu tư ra nước ngoài đã có những trái ngọt đầu tiên.
Và kể từ đó đến nay, những thành công của Viettel, FPT, Vinamilk... tại thị trường ngoại đã càng khẳng định tính đúng đắn của xu hướng này khi doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn, đưa trí tuệ Việt Nam quảng bá ra thế giới; mang sản phẩm dịch vụ 'Make in Vietnam' ra nước ngoài và thu ngoại tệ về cho đất nước, góp phần vào cán cân thanh toán quốc gia, ổn định tiền tệ quốc gia.
Tuy nhiên, Chủ tịch VIAC đánh giá, thị trường toàn cầu đã và đang trải qua giai đoạn biến động chưa từng có với nhiều thách thức đối với hoạt động đầu tư và kinh doanh quốc tế.
Theo Báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2024 của Liên Hợp Quốc, triển vọng kinh tế ngắn hạn hiện vẫn còn ở mức thận trọng do những điểm hạn chế của nền kinh tế vẫn tồn tại, trong bối cảnh lãi suất tiếp tục ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài và các rủi ro về biến đổi khí hậu gia tăng.
Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nói chung trong việc định hình chiến lược đầu tư ra thị trường quốc tế. Tuy vậy, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, hay nhu cầu tiêu dùng mới đang mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
"Việc nắm bắt và tận dụng những cơ hội này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, cũng như chiến lược linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng với các thay đổi của thị trường", ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIAC, cho rằng khác với thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư ra nước ngoài là quyết định đưa vốn, tài sản khác vào nước tiếp nhận đầu tư cho mục tiêu làm ăn kinh doanh lâu dài. Do vậy, việc hiểu được khung pháp lý về các cơ chế đảm bảo thực thi hợp đồng tại các quốc gia điểm đến là yếu tố cần thiết giúp nhà đầu tư có thể yên tâm thực hiện đầu tư hơn.
Khảo sát của Đại học Queen Mary năm 2018 cho thấy 92% doanh nghiệp lựa chọn trọng tài giải quyết tranh chấp xuyên biên giới.
Từ năm 1995, Việt Nam là thành viên công ước NewYork 1958 về công nhận và cho thi hành Phán quyết trọng tài nước ngoài. Hiện có khoảng 170 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên Công ước NewYork 1958 cho phép các phán quyết trọng tài của Trọng tài của VIAC có thể được công nhận và thi hành toàn cầu.