TSKH Trương Minh: Nhớ về những ngày học tập ở nước Nga

Đối với mỗi cán bộ, kỹ sư ngành Dầu khí thuở đầu mới thành lập hầu hết đều được đào tạo bài bản tại Liên bang Xô Viết (Liên bang Nga sau này). Nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 - 27/11/2024), Tạp chí Năng lượng Mới - PetroTimes xin được trích đăng tổng hợp những hồi ức của cố TSKH Trương Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam về những kỷ niệm trong những ngày học tập tại Nga.

Học xong lớp 9, chúng tôi được ra Hà Nội, tập trung tại khu Học xá Trung ương để học tập chính trị, học lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam... Sau hơn ba tháng chỉnh huấn, học viên ngồi một tuần để tổng kiểm thảo, mỗi người phải thành thật nêu lên hết ưu khuyết của mình. Bản kiểm thảo được tập thể tham gia góp ý kiến sửa đổi hoàn thiện và được gửi về địa phương hoặc đồng hương để chứng thực. Đây là thời gian rất căng thẳng đối với lứa tuổi 15-16 của chúng tôi.

Thế rồi lớp học cũng kết thúc, một số bạn được đi học ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu. Tôi được đi Liên Xô, vượt quãng đường dài hơn mười ba ngàn cây số, qua mục Nam Quan đến Bắc Kinh, Mãn Châu Lý, Siberia rồi đến Moskva. Là những học sinh từ những vùng kháng chiến nay thật ngỡ ngàng với phong cảnh kỳ vĩ bao la của đất nước Nga.

Bước chân đầu tiên vào trường Đại học Lomonosov, ngôi trường có tòa nhà cao 32 tầng sừng sững trên đồi Lenin cho chúng tôi cảm giác hư thực như trong mơ. Ở đây, trong lớp dự bị đại học, chúng tôi được cô giáo Khruvskaia Valenchina Vasilievna dạy dỗ từng câu chữ tiếng Nga, chăm lo cho từ bữa ăn đến giấc ngủ, thuốc men khi cảm lạnh.

Korpus 7 phố Sinh viên hè 1961.

Korpus 7 phố Sinh viên hè 1961.

Rồi một năm học trôi qua, chúng tôi đã có đủ điều kiện cần thiết để vào các trường đại học. Chia tay bạn bè, chúng tôi về trường Đại học Thăm dò Địa chất Moskva mang tên Sergo Ordzhonikidze.

Khóa đầu tiên ở đây đã có anh Nguyễn Xuân Sính (RM-55), Trương Dương Tấn (RM-56), sau là các anh Hồ Đắc Hoài (RF-56), Ngô Văn Bưu (RF-56), Nguyễn Văn Chữ (RM-56), Phạm Xuân Hoàng (RM-56), Hồ Quang Phong (RM-56). Vào hè 1957, khóa thứ ba về trường có Trương Minh (RF-57), Nguyễn San (RF-57), Bùi Kiện (RM-57), Nguyễn Hòa (RM-57), Nguyễn Kim Tự, Nguyễn Đức Bảo, Đặng Minh Đức. Các anh Ngô Thường San, Nguyễn Nghiêm Minh thì từ trường Internat đến sau. Năm 1958 có các cán bộ như anh Nguyễn Thiện Giao (RF-56), anh Phan Minh Bích (RF-58), nguyên Đoàn trưởng đoàn thăm dò sắt Bảo Hà được Tổng cục Địa chất cử đi học. Đến năm 1959 còn có các anh chuyển tiếp sinh từ Đại học Bách khoa Hà Nội như anh Trương Biên (RT-57), Nguyễn Thượng Hùng (RG-57), Nguyễn Thanh (RG-57), Huỳnh Trung (PS-57)... Tiếp theo những năm sau có nhiều anh chị em tiếp tục được cử sang học, bổ sung thêm nhiều sinh viên Việt Nam vào các khoa Địa chất, Địa vật lý, Địa chất Thủy văn, Khoan khai thác, Địa chất công trình...

Đến khóa chúng tôi, nhà trường ưu tiên cho sinh viên nước ngoài ở Korpus 7 ký túc phố sinh viên. Nơi đây chúng tôi đã lưu lại suốt 5 năm ăn học với bao kỷ niệm vui buồn khó quên của một thời trai trẻ nhiệt huyết.

Thực tập đo máy địa vật lý.

Thực tập đo máy địa vật lý.

Bài giảng đầu tiên tại giảng đường 20, giảng đường chung lớn nhất của trường, sinh viên Việt Nam học cùng các bạn người Nga, Tiệp, Đức, Hungary... Chọn dãy bàn gần bảng nhất để nhìn và nghe cho rõ, nhưng với vốn tiếng Nga bì bõm, chúng tôi chỉ nghe câu được câu chăng, cố gắng ghi bài bằng tiếng Nga lẫn tiếng Việt. Tôi cố chọn ngồi gần một bạn Nga, tốt nhất là bạn nữ, cố liếc bài để bổ sung những đoạn không nghe kịp. Thế rồi khóa học cũng trôi qua, bài vở cũng được ghi chép đầy đủ, chuẩn bị cho các kỳ thi với rất nhiều môn cơ bản như toán, lý, hóa, địa chất đại cương, triết học... Rất may là chúng tôi đã được học một số môn khoa học cơ bản khá kỹ ở trường phổ thông Việt Nam nên việc học cũng có nhiều thuận lợi.

Mùa đông ở nước Nga rất lạnh nhưng hằng ngày chúng tôi vẫn phải dậy sớm, trước bảy giờ sáng, trời còn chưa sáng, chưa kịp ăn gì vội xách cặp sách vở, tóm vội nắm tuyết xoa lên mặt và chạy vội ra bến tàu điện ngầm metro đến trường. Tám giờ vào lớp mà ngoài trời vẫn tối om, trên bục thầy cứ giảng thao thao mà sinh viên thì buồn ngủ, cố căng mắt nhìn lên bảng chỉ thấy thầy mờ mờ ảo ảo, tiếng thầy thi thoảng bên tai. Thế rồi chuông báo hết hai tiết học, sinh viên vội vàng ra cổng sắp hàng mua bánh rán pirojki. Bánh rán nhân bắp cải nóng hổi mà rất thơm ngon là món điểm tâm sáng mà sinh viên rất ưa thích lúc bấy giờ.

Năm học thứ nhất với bao nhiêu bỡ ngỡ ban đầu rồi cũng trôi qua nhanh chóng, chúng tôi chuẩn bị đi thực tập ở Zagorsk. Đây là vùng ngoại ô cách Moskva hơn trăm kilômét trong cánh rừng rậm rạp, phong cảnh mùa hè với thông và bạch dương xanh tươi, không khí trong lành mát mẻ, khác hẳn mùa đông phủ đầy tuyết trắng lạnh giá. Nhà trường đã cho xây nhà ở cho sinh viên, nhà làm việc, các khu vực thực tập trên thực địa và văn phòng phân tích xử lý số liệu. Nhà xây hai tầng bằng gỗ thông dùng làm chỗ ở cho nữ sinh viên và sinh viên ngoại quốc, còn nam sinh viên Nga thì ở trong các lán trại.

Tất cả sinh viên năm thứ nhất đều phải trải qua thực tập môn trắc địa đo nivo bằng máy theodolite, thực tập địa vật lý trên máy SP-1 đo điện trở suất, máy GAK đo trọng lực... Ngày ấy, sinh viên Việt Nam mới được tiếp xúc với các thiết bị đo đạc mới hiện đại, rất bỡ ngỡ nhưng rồi cũng quen dần và học được cách sử dụng thành thạo. Sau những giờ đo đạc ngoài trời, sinh viên về làm công tác văn phòng, xử lý số liệu, vẽ bản đồ địa hình, vẽ các lát cắt địa vật lý... Thực tập ở Zagorsk như cuộc dã ngoại vừa học vừa chơi, đã cung cấp cho đầu óc trẻ của sinh viên những khái niệm ban đầu của ngành nghề thăm dò địa chất để làm cơ sở cho những năm học sau. Trong năm thứ hai, sinh viên được học các môn cơ bản của ngành nghề như địa chất đại cương, cổ địa chất, cổ sinh, kiến tạo...

Thi xong 6-7 môn học với hàng chục bài kiểm tra, kết thúc năm thứ hai, chúng tôi lại lên đường đi thực tập địa chất ở Crimea ở miền Nam nước Nga. Ở đây, trường tổ chức một khu Palygon ở vùng Bakhchysarai, gần trại thực tập của trường Đại học Tổng hợp Lomonosov. Nhà trường chưa có ký túc xá, sinh viên chia nhau từng nhóm nhỏ ở nhờ nhà dân.

Trên lộ trình vẽ bản đồ địa chất vùng Crimea.

Trên lộ trình vẽ bản đồ địa chất vùng Crimea.

Một tháng thực tập trôi qua là với nhiều trải nghiệm thực tế ban đầu của người làm địa chất. Kết thúc mùa thực tập năm thứ hai, chúng tôi chia nhau từng nhóm đi tham quan các thành phố ven bờ Biển Đen với bầu trời cao lồng lộng, biển xanh bát ngát tuyệt đẹp. Ở đây có tổ chức đón tiếp dân du lịch bình dân rất hay. Các bà già đón nhận vài ba người về nhà mình ở trọ với giá rất “sinh viên”, còn việc đi thăm quan là tùy thích. Thế rồi chúng tôi lần lượt đi qua các thành phố biển Simferopol, Sevastopol, Yanta... Mùa hè trôi qua thật tuyệt vời, vừa được học trên thực tế vừa hiểu biết thêm đất nước Liên Xô rộng lớn bao la. Kỳ thực tập hè kết thúc, sinh viên lại cõng ba lô trở về trường, chuẩn bị vào năm học mới.

Sau kiến tập năm thứ nhất, tất cả sinh viên phải tham gia đi khẩn hoang (Selina) ở Kazacstan. Sinh viên đi khẩn hoang là tham gia gặt lúa mì, phụ máy gặt đập liên hợp, người khỏe thì phụ máy cày. Công việc vất vả cả ngày, ăn uống ngoài đồng, tối về ngủ trong nhà bạt, ban ngày nắng nóng, đêm thì lạnh buốt. Công việc thật vội vàng để kịp thu hoạch trước khi mùa đông tới.

Thảo nguyên Astrakhan.

Thảo nguyên Astrakhan.

Bước vào năm thứ ba, ngoài các môn khoa học địa chất cơ bản, sinh viên được phân ban vào học các môn chuyên ngành với các kiến thức sâu. Riêng địa vật lý chúng tôi được học các môn thăm dò trọng lực, điện, địa chấn, phóng xạ, địa vật lý giếng khoan... cùng các buổi thí nghiệm, các bài za - trốt (kiểm tra), hàng chục bài thi về các môn trong hai học kỳ. Mỗi môn thi được nghỉ trong hai ba ngày, sinh viên hầu như không ngủ để ôn thi. Trên đường đi thi mắt nhắm mắt mở, trong đầu vẫn lởn vởn các công thức toán học chuyên môn.

Thế rồi năm học lướt qua trôi chảy, chuẩn bị cho một kỳ thực tập mới, thực tập sản xuất đầu tiên ở Liên đoàn địa chất Nam Ural hè 1959. Ba ngày đêm tàu hỏa chạy liên tục đến thành phố Uran, nơi giáp ranh hai miền Âu - Á của đất nước Nga rộng lớn. Về thực tập ở đây có tôi và San, bạn học cùng lớp, được trọ tại nhà dân. Hai anh em được chủ nhà bố trí ở chung một phòng, ngày đi làm ở thực địa. Mỗi sáng, chúng tôi được gia chủ gói cho ổ bánh mì với mấy quả trứng gà, khoai tây luộc cùng dưa chuột và lọ sữa bò tươi. Các thức ăn ấy không phải mua ngoài chợ mà do gia đình tự làm ra. Thời ấy tất cả nông dân Nga đều sinh sống trong nông trường tập thể hoặc nông trường quốc doanh. Hằng ngày, người ta đi làm cho nông trường, song nhà nào cũng có nuôi bò, lợn và vườn rau riêng. Sinh viên thực tập được ăn ở cùng gia đình mà không phải trả tiền. Ba tháng thực tập ngoài thực địa và làm công tác xử lý số liệu ở văn phòng, chúng tôi đã có một số kiến thức thực tế bổ sung cho những bài giảng lý thuyết ở trường.

Niên khóa 1959-1960, chương trình học năm thứ tư đi sâu vào các chuyên môn hẹp, chuẩn bị cho nghề nghiệp ra trường, đó là các môn Thăm dò Địa chấn. Lần này được đi thực tập ở Liên đoàn Địa vật lý Astrakhan trên bờ biển Kaspien. Đây là vùng thảo nguyên rộng lớn có nhiều triển vọng dầu khí ở dưới lòng đất.

Những năm ở Liên Xô miệt mài học hành cũng là thời gian mong đợi trông chờ ngày trở về quê hương. Thế rồi thời gian trôi nhanh, tôi đã tốt nghiệp đại học. Trước khi lên tàu về nước, tôi đi vòng quanh thành phố Moskva thân thương qua những năm miệt mài học tập và từ biệt các bạn học cùng trường.

Đời người thăng trầm có biết bao nhiêu niềm vui buồn khó quên, không hiểu vì sao càng về già càng nhớ nhiều tới những ký ức của cái thuở trai trẻ ấy!

Theo hồi ức của cố TSKH Trương Minh,

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/tskh-truong-minh-nho-ve-nhung-ngay-hoc-tap-o-nuoc-nga-720739.html