TSMC và bài toán Mỹ

Các công ty như TSMC và Foxconn đang dẫn đầu thị trường thế giới trong cả khâu thiết kế lẫn sản xuất chip. Washington đang tìm đủ mọi cách để thu hút các nhà sản xuất chip Đài Loan (Trung Quốc) mở nhà máy tại Mỹ.

Một trong số những thành công ban đầu của họ là dự án nhà máy chip TSMC trị giá 12 tỷ USD đặt tại thành phố Phoenix, bang Arizona. Nhưng sau 4 năm kể từ ngày công bố dự án, giấc mơ của TSMC và chính quyền Mỹ vẫn còn đang dang dở.

Hy vọng

Bruce (tên giả) là một kỹ sư ngành sản xuất bán dẫn người Mỹ. Vào năm 2020, Bruce nhận được lời mời thử việc tại TSMC. Với một kỹ sư trẻ vừa mới ra trường, đây quả là cơ hội ngàn năm có một. Bruce không ngần ngại dành hẳn một năm tại Đài Loan (Trung Quốc) để trải qua khóa huấn luyện của TSMC. Sau khi trở về Mỹ, anh cũng chuyển nhà đến Phoenix để được gần chỗ làm mới. Tuy có phần bối rối trước bao nhiêu quyết định đến dồn dập, Bruce vẫn cảm thấy tự tin về tương lai của mình.

Nhà máy của TSMC ở Phoenix, Arizona.

Nhà máy của TSMC ở Phoenix, Arizona.

Vậy nhưng sau hơn hai năm làm việc tại nhà máy Phoenix, niềm hy vọng của Bruce đã lụi tàn. Anh liên tục vấp phải rào cản ngôn ngữ, giờ giấc làm việc và bộ máy tổ chức. Nhưng điều làm Bruce phiền muộn nhất là việc chậm tiến độ dự án. Đáng lẽ ra nhà máy đã phải đi vào vận hành vào năm 2024, nhưng kế hoạch đã bị đẩy sang 2025.

Trái lại đối với những nhân viên được TSMC đưa từ Đài Loan sang, điều làm họ bất bình nhất là thái độ làm việc của đồng nghiệp Mỹ. Một quản lý cấp cao người Đài Loan giấu tên cho biết: “Người Mỹ không hề tôn trọng hệ thống cấp bậc và lịch biểu của công ty. TSMC thành công là nhờ tính kỷ luật. Tôi e rằng người Mỹ không thể đạt được thành công tương tự nếu như họ cứ giữ thái độ này”.

Đây không phải là điều gì mới mẻ. Một số chuyên gia đã tiên đoán ngay từ đầu rằng TSMC sẽ gặp khó trong việc tổ chức lao động Mỹ. Điều đáng suy ngẫm ở đây là nhà sáng lập của TSMC, ông Trương Trung Mưu, từng học tập và làm việc ở Mỹ đến 34 năm. 25 năm trong đó ông làm việc cho Tập đoàn Texas Instrument, một trong những nhà sản xuất chip đầu tiên trên thế giới. Phải đến đầu thập niên 1980 thì ông Mưu mới sang Đài Loan nhằm gây dựng ngành công nghiệp sản xuất chip theo lời mời của cố thủ tướng Tôn Vạn Tuyền.

TSMC khi mới thành lập được nhà cầm quyền Đài Loan coi là công ty trọng điểm đầu tư, nhưng chính tầm nhìn của nhà sáng lập mới đưa được TSMC đến thành công - thay vì tự mình thiết kế chip, TSMC sẽ hợp đồng với các tập đoàn bán dẫn như Texas Instrument và Intel để sản xuất thiết kế của họ. Lâu dần thì chính các tập đoàn bán dẫn trên lại trở nên phụ thuộc vào TSMC, bởi vì có rất ít nhà chế tạo chip có lực lượng chuyên gia và dây chuyền sản xuất hiệu quả như TSMC.

Không phải vô cớ mà Đài Bắc coi TSMC, một tập đoàn trị giá 660 tỷ USD, là “thần hộ mệnh”. Nếu như TSMC ngừng hoạt động, nền kinh tế toàn cầu sẽ đứng chững lại. Chính vì lý do trên mà Đài Loan tìm mọi cách để “giữ chân” TSMC như duy trì vốn đầu tư, trợ cấp về cơ sở hạ tầng, kết nối doanh nghiệp với các đại học hàng đầu, ưu tiên cân nhắc trong quá trình soạn thảo chính sách,... TSMC hiện có một nhà máy nhỏ ở bang Washington, Mỹ và hai nhà máy khác ở Trung Quốc đại lục. Cả ba cơ sở này đều chỉ sản xuất những loại chip cũ. Phần lớn dây chuyền sản xuất, lực lượng lao động và tài sản trí tuệ của TSMC không hề rời Đài Loan.

Thất vọng

Washington đã “đổi ngựa” nhiều lần, nhưng cho dù đảng phái nào nắm quyền đi nữa, chính phủ Mỹ cũng tìm mọi cách để tạo cơ hội cho TSMC. Vấn đề lớn nhất hiện nay là việc liệu TSMC có đem được văn hóa làm việc từ Đài Loan sang Mỹ không? Kỹ sư Đài Loan làm việc 12 tiếng/ ngày, 7 ngày/ tuần là chuyện bình thường. Người Đài Loan vẫn hay nói đùa rằng đi làm cho TSMC cũng khổ như đi bán chính lá gan của mình. Khó để mà công nhân và kỹ sư người Mỹ chịu được hay chấp nhận điều kiện làm việc gian khổ đến như vậy.

Tuy Trương Trung Mưu không còn làm chủ tịch TSMC, nhưng ông vẫn là cố vấn và gương mặt đại diện cho ngành sản xuất bán dẫn Đài Loan. Còn nhớ khi chủ tịch hạ viện Mỹ Nancy Pelosi viếng thăm Đài Loan năm 2022, ông Mưu đã nói thẳng với bà Pelosi về việc thiếu lao động Mỹ có đủ trình độ và kỷ luật. Ông nhận xét: “Nếu một cỗ máy bị hỏng giữa đêm thì kỹ sư Mỹ sẽ sửa máy vào sáng hôm sau. Kỹ sư Đài Loan thì sẽ bỏ ngủ để sửa máy ngay lập tức. Vợ anh ta sẽ không hề phàn nàn gì cả”.

Hãy quay trở lại câu chuyện của kỹ sư Bruce. Ngay từ khi còn đang được huấn luyện tại Đài Loan, Bruce và nhiều kỹ sư Mỹ khác đã vấp phải rào cản ngôn ngữ. Đúng ra thì mỗi học viên người Mỹ sẽ được cặp đôi với một người Đài Loan biết hai thứ tiếng. Vấn đề là những người Đài Loan quá bận bịu nên học viên Mỹ phải tự tìm cách xoay xở.

Bruce cho biết: “Không có bất kỳ thiết bị, phần mềm nào có thể dịch từ tiếng Quan Thoại sang tiếng Anh chính xác 100%. Một số học viên định dùng Google Translate để dịch, nhưng TSMC cấm mọi nhân viên không được đăng tài liệu lên Google, vậy nên họ phải dùng bút phiên dịch nhận dạng chữ viết còn thiếu chính xác hơn cả Google”.

Một mục tiêu khác của khóa huấn luyện Đài Loan là tạo tác phong làm việc mới cho học viên người Mỹ. Những người tham gia khóa huấn luyện cho biết họ thường xuyên được giao nhiệm vụ phải hoàn thành trong tuần. Nếu họ làm được thì quản lý sẽ nói cho họ biết là thứ họ làm được không có gì quan trọng. Nếu họ không làm được thì quản lý sẽ nói học viên ngay trước những người khác.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/tsmc-va-bai-toan-my-i733874/