Hàng nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình ở thủ phủ bang Texas, Ohio và Maryland phản đối kéo dài các lệnh phong tỏa bất chấp dịch bệnh đang lan rộng.
Chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cổ vũ người dân biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona, người dân tại các bang Maryland, Texas và Ohio hôm 18/4 đã đổ xuống đường để thể hiện sự chống đối các lệnh phong tỏa. Ảnh: AP.
Tại Texas, hàng trăm người đã tổ chức cuộc biểu tình tại trụ sở Thượng viện bang, hô vang khẩu hiệu "Sa thải Fauci". Ông Anthony Fauci là quan chức y tế đứng đầu nhóm công tác chống virus corona do Nhà Trắng thành lập. Trước đó, nhiều cuộc biểu tình cũng đã diễn ra ở bang Texas khi người dân mang theo súng kéo tới trụ sở tòa nhà Thượng viện hôm 15/4. Một cư dân địa phương cho biết bản thân tham gia cuộc biểu tình để buộc thống đốc "lắng nghe từ cả hai phía" trong cuộc tranh luận về thời gian duy trì các lệnh phong tỏa. Ảnh: AFP.
Tại thủ phủ Columbus của bang Ohio, hàng trăm người cũng tham gia biểu tình với khẩu hiệu "chúng tôi không phải bầy cừu" để phản đối việc kéo dài các lệnh phong tỏa. Trong khi đó, người biểu tình tại Maryland diễu hành bằng ôtô quanh thủ phủ Annapolis và bóp còi inh ỏi, yêu cầu Thống đốc Larry Hogan mở cửa lại bang này. "Chúng tôi yêu cầu thống đốc Larry Hoogan mở cửa ngay lập tức các cơ sở kinh doanh, giáo dục, tôn giáo của bang", những người tổ chức cuộc biểu tình viết trong bản kháng nghị thư trực tuyến, cho rằng sự gián đoạn kinh tế, xã hội và giáo dục mà lệnh phong tỏa mang lại sẽ gây ra "thiệt hại to lớn hơn" so với dịch bệnh. Ảnh: AP.
Theo Guardian, biểu tình yêu cầu thống đốc các bang đảo ngược các lệnh phong tỏa được cổ vũ bởi truyền thông cánh hữu cũng như Tổng thống Trump, người trước đó đã đăng tải trên Twitter cá nhân những nội dung như "Giải phóng Minnesota" và "Giải phóng Michigan", khi các cuộc biểu tình với hàng nghìn người tham dự xuất hiện. Ảnh: AFP.
"Ngay lúc này, dường như mọi thứ đều đóng cửa mà không tính toán tới những người bị thiệt hại", Tony, một huấn luyện viên thể hình 35 tuổi, cho biết. Người này cho rằng một số biện pháp hạn chế nên tiếp tục được duy trì, như cấm tụ tập đông người, đóng cửa quán bar và các sân vận động, tuy nhiên cho rằng các hoạt động kinh doanh khác nên được cho phép hoạt động trở lại. "Rất vô lý khi những địa điểm bị đóng cửa thực chất có nguy cơ tối thiểu", Tony nhận xét, cho rằng việc đóng cửa hoàn toàn các địa điểm là "thiếu cân bằng". Ảnh: AP.
Tại Texas, một số người biểu tình có quan điểm cực đoan hơn, nhiều người từ chối đeo khẩu trang bất chấp khuyến nghị từ nhà chức trách. "Tôi thấy rất nhiều người Mỹ khỏe mạnh ở ngoài kia không sợ con virus này. Nếu tôi muốn đi tới nhà hàng hay phòng tập thể hình, tôi sẽ không đeo khẩu trang", Owen Shroyer, một thành viên của nhóm InfoWars tổ chức cuộc biểu tình, cho biết. Shroyer cho rằng sự lây lan của virus không nghiêm trọng như những gì "người dân được thông báo". Ảnh: AP.
Trong khi nhiều người dân Mỹ lo ngại chính quyền các bang có thể dỡ bỏ lệnh hạn chế quá sớm, một bộ phận người dân lo ngại việc kéo dài các lệnh phong tỏa quá mức cần thiết sẽ gây thiệt hại về kinh tế, đặc biệt cho người nghèo. Theo khảo sát của hãng Pew, khoảng 1/3 người được hỏi phản đối kéo dài các lệnh phong tỏa. Bất chấp sự kêu gọi của Tổng thống Trump, các đảng viên Cộng hòa có quan điểm chia rẽ về vấn đề này, với 51% người được hỏi lo ngại các lệnh phong tỏa có thể bị dỡ bỏ quá sớm. Ảnh: AP.
Người Mỹ vác súng máy biểu tình chống lệnh cách ly vì dịch Covid-19 Do bị mất việc làm vì lệnh phong tỏa giữa dịch Covid-19, những cư dân đang sống tại tiểu bang Michigan, Mỹ đã đổ xuống đường để biểu tình. Thậm chí họ còn mang theo vũ khí.