TTC Land (SCR) và câu chuyện đầu tư dàn trải
Gần 1 năm qua, giá cổ phiếu SCR của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín tăng mạnh, chủ yếu nhờ kỳ vọng từ việc 'thay máu' dàn lãnh đạo, trong khi chiến lược đầu tư dàn trải khiến kết quả kinh doanh suy giảm.
Kỳ vọng tái cơ cấu
Kể từ cuối tháng 6/2020, sau khi SCR tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông và giới thiệu Ban lãnh đạo mới, thay thế cho Ban lãnh đạo cũ, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này có diễn biến tăng mạnh.
Cụ thể, bà Nguyễn Thùy Vân thay ông Nguyễn Đăng Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Võ Quốc Khánh thay ông Vũ Quốc Thái giữ chức Tổng giám đốc. Ngoài ra, SCR thay thế hàng loạt thành viên khác của Hội đồng quản trị, cũng như Ban điều hành.
Được biết, bà Vân từ năm 2012 tới nay là Trưởng ban Kiểm soát Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (Tập đoàn TTC); từ 2017 - 2019 là thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa…
Trong khi đó, ông Khánh từng là Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kiến trúc Xây dựng Toàn Thịnh Phát, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Toàn Hải Vân, hiện giữ chức Tổng giám đốc Toàn Hải Vân.
Công ty Toàn Hải Vân là thành viên của Tập đoàn TTC, được thành lập ngày 16/4/2009.
Sau khi có Ban lãnh đạo mới, SCR xác định, 2020 là năm vừa củng cố, vừa phát triển. Từ năm 2021, Công ty sẽ tập trung vào 3 mảng kinh doanh: bất động sản dân dụng (lĩnh vực chủ lực), bất động sản cho thuê và mô hình kinh doanh phân tán.
Tính tới cuối năm 2020, SCR sở hữu 11 dự án với tổng quỹ đất khoảng 32 ha. Doanh nghiệp lên kế hoạch tiếp tục tìm kiếm quỹ đất ở các dự án thuộc các khu đô thị vệ tinh ven TP.HCM như Đồng Nai, Long An.
Đáng chú ý, nhóm công ty liên quan của SCR đã mua thêm 11% vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Long An - IDICO (LAI) ngày 18/5/2021, nâng tỷ lệ sở hữu lên 40,62%, từ đó gián tiếp thực hiện mục tiêu phát triển quỹ đất ven TP.HCM.
Được biết, LAI sở hữu tổng diện tích hơn 130 ha tại Long An liên quan đến án dự án Khu dân cư, tái định cư và nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hựu Thạnh tại huyện Đức Hòa và dự án Khu dân cư trung tâm mở rộng Phường 6, TP Tân An.
Ngoài ra, SCR đang hợp tác với Tổng công ty Tín Nghĩa để phát triển các dự án mới tại khu vực Biên Hòa, Đồng Nai, với quy mô 160 ha.
Như vậy, ước tính quỹ đất hợp tác của SCR sẽ tăng thêm 290 ha trong giai đoạn tới, so với quy mô 32 ha đang trực tiếp sở hữu.
Kết quả kinh doanh suy giảm
Trái ngược với diễn biến giá cổ phiếu tích cực trong gần 1 năm qua, tình hình kinh doanh của SCR không những không bắt kịp đà tăng của giá cổ phiếu, mà còn suy giảm.
Quý I/2021, SCR ghi nhận doanh thu 50,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 37 tỷ đồng, lần lượt giảm 63,9% và 22,1% so với cùng kỳ năm 2020; biên lợi nhuận gộp giảm từ 42,6% xuống 25,2%.
Nếu chỉ tính hoạt động kinh doanh chính (lợi nhuận gộp trừ chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp) và loại bỏ các hoạt động tài chính, hoạt động khác, lợi nhuận kinh doanh cốt lõi của SCR âm 12,2 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 34,4 tỷ đồng.
Năm 2021, SCR đặt kế hoạch đạt doanh thu 1.502 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 230 tỷ đồng. Kết thúc quý đầu năm, với lợi nhuận trước thuế đạt 37,8 tỷ đồng, doanh nghiệp hoàn thành được 16,4% kế hoạch cả năm.
Trước đó, trong năm 2020, SCR kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp âm 307,7 tỷ đồng, lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính âm 486 tỷ đồng. Doanh nghiệp chỉ thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính tăng 3 lần, lên 850,1 tỷ đồng, chủ yếu là thu nhập tài chính từ thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư 143,6 tỷ đồng (cùng kỳ không có), thu nhập từ hoạt động đầu tư tăng 5,7 lần, lên 491,1 tỷ đồng.
Năm 2020, SCR kinh doanh dưới giá vốn và biên lợi nhuận gộp quý I/2021 giảm mạnh.
Tính tới 31/3/2021, SCR có tổng tài sản 11.287,9 tỷ đồng. Trong đó, các các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn là 5.743,7 tỷ đồng, chiếm 50,9%; tồn kho là 3.352,2 tỷ đồng, chiếm 29,7% tổng tài sản.
Doanh nghiệp cho biết, tồn kho tới cuối quý I/2021 tập trung vào 11 dự án, bao gồm Jamona City với 1.139,2 tỷ đồng, Charmington Dragonic với 574,2 tỷ đồng, Charmington Tamashi Đà Nẵng với 466,5 tỷ đồng, Carillon 7 với là 587,1 tỷ đồng, Jamona Cầu Tre với 196,5 tỷ đồng…
Một số dự án có giá trị tồn kho biến động không đáng kể từ năm 2019 tới nay như Jamona Cầu Tre, Charmington Dragonic, Charmington Tamashi Đà Nẵng, Khu dân cư Phú Hữu…
Trong khi đó, không ít doanh nghiệp bất động sản cùng ngành có kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định như Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN), Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL).
Lợi nhuận của NDN và LTN tăng trưởng trong giai đoạn 2017 - 2020 nhờ chiến lược tập trung phát triển từng dự án trọng tâm, giúp doanh nghiệp liên tục gia tăng tích lũy tiền mặt.
Tính tới 30/12/2020, NDN có 1.370,5 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính, chiếm 62,2% tổng tài sản; con số này tại NTL là 288,3 tỷ đồng, chiếm 15,9% tổng tài sản. Quỹ tiền mặt lớn và dòng tiền từ nhà đầu tư mua sản phẩm giúp hai doanh nghiệp duy trì chính sách cổ tức cao cho cổ đông.
Quay trở lại với SCR, tính tới 31/3/2021, Công ty có 166,1 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính, chiếm 1,5% tổng tài sản, trong khi tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 2.726,6 tỷ đồng, chiếm 24,2% tổng nguồn vốn.
Có thể thấy, SCR với chiến lược đầu tư dàn trải cùng lúc nhiều dự án, bên cạnh chiến lược tiếp tục hợp tác với các đơn vị khác để phát triển dự án, trong ngắn hạn chưa giúp dòng tiền quay trở lại, mà dẫn tới lượng tiền mặt khiêm tốn và không thể thực hiện trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Việc giá cổ phiếu SCR tăng cao trong vòng 1 năm qua chủ yếu đến từ kỳ vọng tái cơ cấu hơn là hoạt động kinh doanh cải thiện. Ngoài ra, trong vòng gần 1 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư mới, dòng tiền được bổ sung nên thúc đẩy nhiều cổ phiếu tăng giá, bất chấp hoạt động kinh doanh chưa được cải thiện.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ttc-land-scr-va-cau-chuyen-dau-tu-dan-trai-post270601.html