TTCK chiều 26/12: Áp lực bán tháo, VN-Index đâm thủng mốc 1.000 điểm
Sau phiên sáng đuối sức, mở cửa phiên chiều ngày 26/12, thị trường chứng khoán bắt đầu lao đốc. Đến 13 giờ 30 phút, áp lực bán có dấu hiệu lớn dần khi các chỉ số tiếp tục nới rộng mức giảm điểm kèm thanh khoản tăng cao so với phiên sáng. VN-Index lúc này mất hơn 19 điểm, xuống còn 1.001 điểm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn chung, thanh khoản của các nhà đầu tư đang bắt đầu cạn kiệt nên sức mua yếu dần, lực bán bắt đầu gia tăng khiến phiên chiều càng giảm mạnh. Vì vậy, càng gần cuối phiên, VN-Index càng giảm mạnh và lao dốc không phanh.
Chốt phiên chiều, VN-Index đã đâm thủng mốc hỗ trợ 1.000 điểm sau khi đánh mất hơn 35 điểm, xuống còn 985 điểm; HNX-Index giảm nhẹ hơn với gần 7 điểm và dừng ở 198,5 điểm.
Toàn sàn đã có 157 mã giảm sàn trong tổng số 626 mã giảm, chỉ có khoảng 180 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt 767,6 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị giao dịch hơn 11.908 tỷ đồng.
Tốp 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn, góp phần kéo thị trường rớt gần 16,5 điểm phải kể đến: VHM, VIC, CTG, VPB, HPG, TCB, MSN, MWG, MBB, GVR.
Trước đó, trong phiên sáng, đà giảm đã xuất hiện và tạm kết phiên VN-Index giảm 13,46 điểm, lùi về mức 1.006 điểm; HNX-Index giảm 3,56 điểm, còn 201 điểm.
Khối lượng giao dịch của VN-Index ghi nhận trong phiên sáng đạt hơn 202 triệu đơn vị, với giá trị gần 3,3 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt gần 31 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch đạt hơn 457 tỷ đồng.
Theo phân tích biểu đồ của CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), tuần 19 - 23/12 là tuần thứ 3 liên tiếp VN-Index giảm điểm về ngưỡng hỗ trợ 1.000 điểm. Vì thế, trong tuần 26 - 30/12, VN-Index vẫn trong giai đoạn hồi phục mang tính kỹ thuật nhưng việc thị trường điều chỉnh khá sâu sau đợt phục hồi vừa qua khiến sức mạnh của sóng hồi sẽ giảm đi.
SHS kỳ vọng, VN-Index sẽ có đợt phục hồi tiếp theo trong ngắn hạn khi giữ vững vùng hỗ trợ quanh 1.000 điểm. Tuy nhiên, mức độ tin cậy đang giảm dần do đợt điều chỉnh này có biên độ khá lớn và tính chất tích lũy không còn quá tin cậy.
Xét ở góc nhìn trung hạn, đợt hồi phục và điều chỉnh vẫn đang diễn ra chỉ mang tính phục hồi kỹ thuật sau downtrend mạnh. Do đó, xu hướng trung hạn của VN-Index sẽ tạo nền giá cân bằng để tích lũy trung hạn trước khi có uptrend thực sự.
Với quan điểm đó, thị trường sẽ dần đi vào trạng thái giao động với biên độ hẹp dần với các đợt hồi phục và điều chỉnh tiếp theo sẽ có biên độ ngày càng hẹp là đặc trưng của tính lũy trung hạn. Kỳ vọng VN-Index sẽ hướng tới mốc 1.150 điểm sau điều chỉnh trong tuần này.
Trong khi đó, theo CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI), các chỉ báo kỹ thuật vẫn cho thấy xu hướng đi ngang và chưa có tín hiệu rõ ràng để xác định xu hướng thị trường.
CTCK MB (MBS) thì cho rằng, thanh khoản sụt qua từng phiên và khối ngoại chững đà mua ròng là nguyên nhân chính khiến thị trường chủ yếu đi ngang ở biên dưới vùng tích lũy trong tuần vừa qua. Về kỹ thuật, thị trường đang được hỗ trợ ở vùng 1.010 điểm, nơi có mặt của đường MA50. Trong bối cảnh thanh khoản co hẹp, dòng tiền liên tục “chuyền cành” giữa các nhóm cổ phiếu: từ ngân hàng, chứng khoán, sản xuất điện, dầu khí…
CTCK Bản Việt (VCSC) dự báo, trong phiên giao dịch tới của tuần 26 - 30/12, thị trường có thể duy trì biến động hẹp với nền tảng thanh khoản duy trì ở mức thấp. Chỉ số đại diện VN-Index có thể sẽ dao động giữa kháng cự MA5, MA10 tại 1.025 - 1.035 điểm với hỗ trợ MA50 tại vùng 1.010 - 1.015 điểm.
Tuy nhiên, nếu thanh khoản gia tăng khiến VN-Index giảm xuống dưới 1.010 điểm, chỉ số sẽ phát tín hiệu giảm điểm về hỗ trợ gần nhất quanh 985 điểm. Ngược lại, nếu lực mua đủ mạnh giúp VN-Index vượt qua mốc 1.035 điểm, chỉ số sẽ có thể khôi phục lại đà tăng điểm để hướng lên vùng kháng cự mạnh quanh 1.100 điểm.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCSC) nhận định, với diễn biến hiện tại khi thanh khoản đã xuống mức thấp, VN-Index sẽ rung lắc cũng như có thể có sự phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm ngành để tìm điểm cân bằng trước khi quay trở lại xu hướng tăng điểm mới.
Theo đó, nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, chỉ giải ngân khi thanh khoản mua chủ động quay trở lại rõ ràng xét trên từng cổ phiếu riêng lẻ, đặc biệt là những cổ phiếu đã ổn định được mặt bằng giá và giữ được trạng thái tích lũy trong nhiều phiên liền trước như ngân hàng, chứng khoán.