TTCK tháng 10: Nhà đầu tư kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu
Thị trường chứng khoán trong nước (TTCK) tăng mạnh trong tháng 8, tháng 9 và có kết quả tốt hơn so với các thị trường chứng khoán khác như Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan... Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, diễn biến này đã phản ánh phần nào thông tin tích cực về tăng trưởng GDP quý 3 của Việt Nam so với các nước khác. Trong tháng 10, khả năng thị trường sẽ đi ngang do có nhiều thông tin khó lường.
Theo báo cáo của Nikkei Asian, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về kết quả hoạt động kinh tế với mức tăng trưởng GDP quý 3 dương (2,12%) trong khi các nước trong khu vực dự kiến sẽ có GDP thấp hơn hoặc âm. Một yếu tố đáng chú ý khác là việc công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý 3 của tất cả các cổ phiếu niêm yết trong tháng 10 sẽ làm tăng khả năng điều chỉnh của VN-Index do hiệu ứng “tin ra là bán”. Điều này sẽ tạo áp lực cho VN-Index khi một số cổ phiếu VN-30 (chủ yếu quyết định diễn biến của VN-Index) đã tăng mạnh trong tháng 8 và tháng 9 trước những tin đồn về kết quả kinh doanh khả quan trong quý 3/2020, phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, đặc biệt là ở các cổ phiếu ảnh hưởng đến VN-Index như ngân hàng.
Theo đánh giá từ các chuyên gia phân tích của VDSC, KQKD của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong quý 3/2020 sẽ không tiêu cực như dự đoán, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân bao gồm VPB, HDB, TPB, TCB khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận nới hạn mức tín dụng lên 20%. Chưa kể mới đây, NHNN đã công bố quyết định giảm lãi suất điều hành cũng như trần lãi suất tiền gửi. Mặc dù tác động thực tế của đợt giảm lãi suất lần này được cho là hạn chế khi thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn đang rất dồi dào. Dù vậy, động thái giải lãi suất từ NHNN cũng đã tăng tính hấp dẫn của TTCK và các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản.
Tuy nhiên, điều này sẽ không có tác động đáng kể do một số ngân hàng đã giảm lãi suất trước đó. Dù vậy, các chuyên gia tài chính chứng khoán kỳ vọng chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới cũng như tạo tâm lý tích cực hơn trên TTCK.
Ngoài ra, chỉ số Vietnam CDS 5Y (chỉ số thị trường vốn Việt Nam 5 năm) có xu hướng đi lên trong thời gian gần đây, cho thấy khả năng VN-Index điều chỉnh là khá cao khi 2 số liệu này thường có diễn biến trái ngược nhau trong quá khứ. Phản ứng tiêu cực của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài cũng là yếu tố quan tâm khi các NĐT tiếp tục bán ròng mạnh qua giao dịch khớp lệnh trong 4 tuần liên tiếp của tháng 9. Về mặt định giá, PE của VN-Index không quá hấp dẫn để thu hút dòng tiền (15,1 lần tại thời điểm 30/9) khi cao hơn cả trước lúc xảy ra đại dịch COVID-19 tại Việt Nam (14,5 – 15 lần trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2).
Theo các chuyên gia, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay cũng có tác động nhất định. Nguyên nhân chính là do tác động của nó đã có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến TTCK trong nước là khó lường.
Theo đó, các chuyên gia phân tích chứng khoán VDSC cho rằng, thị trường có thể đi ngang trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng và hiệu ứng “Tin ra là bán” khi các doanh nghiệp niêm yết công bố KQKD quý 3 trong tháng 10. Mặt khác, các diễn biến khó lường của thị trường chứng khoán thế giới đến từ kết quả bầu cử tổng thống, gói kích thích kinh tế mới ở Mỹ và COVID-19 chưa cho thấy tín hiệu lạc quan nào cho VN-Index. Do đó, chỉ số VN-Index có thể dao động trong khoảng từ 865 đến 920 điểm.