TTCK tiên phong trong quá trình chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã cho thấy vai trò, đóng góp hiệu quả trong từng chặng đường phát triển của nền kinh tế đất nước; khẳng định là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cùng các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh tại buổi Lễ kỷ niệm 25 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam
Kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp
Từ phiên giao dịch đầu tiên chỉ có 2 cổ phiếu niêm yết, đến nay, sau 25 năm phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, thanh khoản, chất lượng. Nếu như trong những ngày đầu, thị trường chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết, 4 công ty chứng khoán, vốn hóa chỉ 0,28% GDP, thì đến tháng cuối tháng 6/2025, thị trường đã có tới 1.600 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu đạt gần 100% GDP; thanh khoản bình quân thị trường cổ phiếu 6 tháng đầu năm 2025 đạt trên 21.000 tỷ đồng/phiên… TTCK Việt Nam được các chuyên gia kinh tế nhận định là một trong những thị trường sôi động, với quy mô vốn hóa và thanh khoản thuộc top đầu khu vực ASEAN.
Là đại diện doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên thị trường, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty Cơ Điện Lạnh (mã chứng khoán: REE) chia sẻ: Năm 2000, bà đã đặt niềm tin rằng thị trường chứng khoán không chỉ là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp mà còn giúp nhà đầu tư linh hoạt lựa chọn danh mục, tạo thanh khoản cho cổ phiếu, thúc đẩy nền kinh tế.
Chủ tịch REE đánh giá trải qua 25 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng phát triển. Hiện nay, các kênh huy động vốn trên thị trường đã đa dạng hơn (gồm ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và phát hành cổ phiếu qua thị trường chứng khoán). Với kênh phát hành cổ phiếu qua thị trường chứng khoán, Chủ tịch REE cho rằng đây là phương thức huy động vốn an toàn, minh bạch và bền vững. Nhà đầu tư trên thị trường luôn yêu cầu cao về tính minh bạch, chiến lược rõ ràng và đồng hành lâu dài với doanh nghiệp. Điều này tạo động lực để doanh nghiệp phát triển lành mạnh hơn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng hạng. Bà Thanh đánh giá đó là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh đất nước đang bước vào một kỷ nguyên mới với khát vọng phát triển, niềm tin mạnh mẽ và sự quyết tâm cao độ.
Chia sẻ về triển vọng phát triển TTCK trong thời gian tới, ông Don Lam, đồng sáng lập và Tổng giám đốc Quỹ VinaCapital cho biết trong suốt 25 năm qua, thị trường chứng khoán đã đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam.
Nhìn về tương lai, vai trò của thị trường chứng khoán sẽ càng trở nên quan trọng hơn trong việc giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu dài hạn, bao gồm sự phát triển mạnh mẽ của khu vực tư nhân và tự chủ tài chính quốc gia.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán TPHCM (HSC) ông Trịnh Hoài Giang đánh giá, với một thị trường chứng khoán mới như Việt Nam thì 25 năm qua là một sự phát triển rất đột phá. Nhiều doanh nghiệp đã thông qua thị trường chứng khoán để huy động vốn và gia tăng vốn hóa. Điều quan trọng nữa là các DN niêm yết đã hình thành được văn hóa, cơ chế để quản trị doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Đặc biệt, theo nhiều dự báo của các chuyên gia, Việt Nam có thể được FTSE Russell thông báo nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 9 tới đây. Khi được nâng hạng, Việt Nam có thể thu hút thêm nhiều khoản đầu tư từ các quỹ chỉ số và từ quỹ chủ động.
Đồng bộ các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK lên mới nổi
Ở góc độ quản lý Nhà nước, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết, ngành Chứng khoán cam kết sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả, chủ động, sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ được giao, hoàn thiện khung khổ pháp lý, nâng cao chất lượng quản lý, giám sát, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số mạnh mẽ, tăng cường minh bạch, kỷ cương, kỷ luật thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, nhà đầu tư tham gia thị trường; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi.
"Phía trước là chặng đường mới với nhiều thời cơ và không ít thách thức. Vì vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính; sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương và sự chung tay của tổ chức, thành viên thị trường, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư", bà Vũ Thị Chân Phương nhấn mạnh.