Từ 1-1-2022, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực
Thực hiện Kế hoạch của Tiểu ban lý luận về pháp luật, bảo vệ an ninh, trật tự và cải cách tư pháp, ngày 10-12, tại Hà Nội, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an - cơ quan thường trực của tiểu ban tổ chức Hội thảo khoa học 'Lý luận về pháp luật phòng, chống tội phạm và những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới'.
Theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, trước tình hình ngày một phức tạp của tội phạm về ma túy cùng với sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa-xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy đã xuất hiện thì hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác phòng, chống ma túy như Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, là cơ sở pháp lý để tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, pháp luật về phòng, chống ma túy vẫn còn tồn tại những vấn đề vướng mắc cần giải quyết. Chính vì vậy, hội thảo được diễn ra nhằm tiếp tục góp phần làm sáng tỏ sâu sắc, toàn diện về lý luận và thực tiễn thi hành pháp luật về phòng, chống ma túy trong tình hình mới; nâng cao nhận thức, trình độ lý luận về công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới trong toàn lực lượng công an nhân dân; góp phần phát triển hệ thống lý luận CAND về phòng, chống ma túy trong tình hình mới làm cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện pháp luật cho công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện lãnh đạo các đơn vị trong và ngoài ngành đã cùng thảo luận, đánh giá về ưu điểm, nhược điểm, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống ma túy đối với từng lực lượng chức năng, từ đó đề xuất phương hướng hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thời gian tới nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy; nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy.
Theo Đại tá Chu Văn Phú, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Bộ Công an, hiện nay việc vận chuyển trái phép chất ma túy của các đối tượng rất tinh vi. Thủ đoạn có nhiều cái mới, nên công tác phòng, chống cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể ma túy gửi về trước đây hay gửi qua vali đóng hai đáy. Nhưng bây giờ các đối tượng lại gửi qua bưu điện ẩn vào trong các kiện hàng lớn. Trong khi đó nhiều năm vừa qua, Luật bưu chính chưa sửa đổi, gây khó khăn cho công tác phối hơp điều tra. Do đó, nên kiến nghị sửa đổi với nội dung thống nhất có người gửi và người nhận, khi gửi phải có hậu kiểm…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên khẳng định, Luât Phòng, chống ma túy năm 2021 sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022, do đó, trong quá trình triển khai sẽ cùng các đơn vị liên quan rà soát các văn bản pháp luật, chỉnh sửa bất cập, cái gì cần sẽ kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.