Từ 1/2/2022: Thù lao môi giới xuất khẩu lao động không được quá 0,5 tháng lương
Bộ LĐ-TB&XH đã có quy định ngăn chặn tình trạng loạn thu phí người xuất khẩu lao động. Theo đó, từ 1/2/2021, doanh nghiệp xuất khẩu lao động không được thu thù lao môi giới quá mức trần cho phép.
Phí môi giới xuất khẩu lao động cao cắt cổ là vấn đề gây nhức nhối thời gian qua
Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBX Quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ có hiệu lực từ 1/2/2022 tới. Một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư là đưa ra mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới.
Theo đó, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc.
Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 36 tháng trở lên thì mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động.
Với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới được quy định theo phụ lục đính kèm thông tư. Cụ thể, mức trần thu lao theo hợp đồng môi giới với một số thị trường, ngành nghề sau được quy định là 0 đồng: thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải (Đài Loan, Hàn Quốc); lao động giúp việc gia đình (Malaisia, Brunei, các nước Tây Á), mọi ngành nghề (Thái Lan).
Thông tư cũng quy định, mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể.
Đơn cử, với thị trường Nhật Bản, mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động với ngành nghề thực tập sinh kỹ năng số 3 và lao động kỹ năng đặc định là 0 đồng. Riêng với lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định thì mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động là 0,7 tháng tiền lương/mỗi 12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 2 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên.
Với thị trường Đài Loan (Trung Quốc), mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động với ngành hộ lý và y tá bệnh viên, trung tâm dưỡng lão là 0,7 tháng tiền lương/mỗi 12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 2 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên; với ngành nghề chăm sóc người bệnh tại gia đình, giúp việc gia đình, nông nghiệp, thuyền viên là 0,4 tháng tiền lương/mỗi 12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 1 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên. Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động với thuyền viên tàu cá xa bờ là 0 đồng.
Với thị trường Hàn Quốc, mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động với thuyền viên tàu cá gần bờ là 0,7 tháng tiền lương/mỗi 12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 2 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên.
Trong Thông tư mới ban hành, Bộ LĐ-TB&XH cũng quy định, doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải cử ít nhất 01 (một) nhân viên nghiệp vụ tại nước hoặc vùng lãnh thổ tiếp nhận để quản lý và hỗ trợ người lao động, bao gồm: Doanh nghiệp dịch vụ có từ 500 lao động trở lên làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ma-cao (Trung Quốc), Nhật Bản và doanh nghiệp dịch vụ có từ 300 lao động trở lên làm việc tại nước hoặc vùng lãnh thổ còn lại.
Hai năm gần đây, xuất khẩu lao động nước ta bị đình trệ do ảnh hưởng bởi Covid 19. Tuy nhiên, giai đoạn trước đây, xuất khẩu lao động diễn ra rầm rộ tại nhiều địa phương trong khi Bộ LĐ-TB&XH không quản lý được vấn đề thu phí, khiến nhiều người lao động phải trả hàng trăm triệu đồng phí môi giới.
Đầu năm nay, Thanh tra Chính phủ vừa thông báo Kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại 6 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương và Hưng Yên.
Kết luận nêu rõ giai đoạn 2013 - 2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội "chưa thực sự quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài"; "không có biện pháp giải quyết triệt để, không báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để có biện pháp đàm phán với nước ngoài nhằm giảm chi phí cho người lao động".
Trong thời gian dài, Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội "không quản lý, kiểm soát được mức thu phí, tiền môi giới của doanh nghiệp dẫn đến người lao động (thực chất là lao động nghèo khó) còn phải chi trả số tiền lớn mà chính sách của thị trường tiếp nhận là không phải chi trả (Đài Loan, Nhật Bản)".
Quy định mức phí, phí đào tạo thị trường Nhật Bản chưa phù hợp với chính sách và thỏa thuận đã ký của Nhật Bản, cũng không đúng với tình hình thực tế, gây ảnh hưởng đến lao động, là nguyên nhân cơ bản khiến nhiều người bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.
Cục QLĐNN đã không quản lý, kiểm soát được doanh nghiệp trong việc thu phí thị trường Nhật Bản, dẫn đến trong thời gian dài người lao động phải chi trả mức phí quá cao (7.000 - 8.000 USD/người).
Cũng theo Kết luận thanh tra, Cục QLLĐNN đã tham mưu ban hành văn bản quy định mức thu phí và phí đào tạo thị trường Nhật Bản không đúng với thỏa thuận đã ký và chính sách của Nhật Bản; trong thời gian dài không có biện pháp tham mưu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết vấn đề tiền môi giới thị trường Đài Loan và Nhật Bản. Tham mưu ban hành một số văn bản quy định mức thu phí và phí đào tạo thị trường Nhật Bản không đúng thỏa thuận đã ký và chính sách của Nhật Bản. Trong thời gian dài không có biện pháp tham mưu Bộ giải quyết vấn đề tiền môi giới Đài Loan và Nhật Bản.