Từ 1/7, hàng loạt thay đổi khi giao dịch ngân hàng: Người dân cần lưu ý

Từ ngày 1/7, nhiều quy định mới trong hoạt động ngân hàng chính thức áp dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng thẻ ATM, ví điện tử và doanh nghiệp giao dịch qua ngân hàng số.

Từ ngày 1/7/2025, nhiều thay đổi quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng chính thức có hiệu lực, ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen giao dịch của người dân và doanh nghiệp.

Nếu không kịp thời cập nhật, khách hàng có thể đối mặt với nguy cơ bị gián đoạn dịch vụ, thậm chí không thể thực hiện các giao dịch tài chính.

Người dân hãy nắm ngay những thay đổi từ 1/7 để tránh gián đoạn các giao dịch. Ảnh minh họa

Người dân hãy nắm ngay những thay đổi từ 1/7 để tránh gián đoạn các giao dịch. Ảnh minh họa

Đầu tiên, theo quy định mới, toàn bộ thẻ ATM sử dụng công nghệ dải từ sẽ bị "khai tử". Cụ thể, các thẻ từ, bao gồm cả loại thẻ kết hợp chip và từ, sẽ không còn được chấp nhận tại cây ATM, máy POS hoặc trong các giao dịch liên ngân hàng.

Điều này đồng nghĩa với việc nếu người dùng vẫn đang sử dụng loại thẻ cũ mà chưa chuyển đổi sang thẻ chip, họ có thể không thể rút tiền, chuyển khoản hay thực hiện bất kỳ giao dịch nào qua thẻ từ ngày 1/7.

Để tránh bị gián đoạn, các ngân hàng đã khuyến cáo khách hàng nên đến điểm giao dịch hoặc đăng ký trực tuyến để chuyển đổi sang thẻ chip sớm nhất có thể. Nhiều ngân hàng hiện đang hỗ trợ đổi thẻ miễn phí.

Bên cạnh đó, từ 1/7, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng buộc phải xác thực thông tin sinh trắc học của người đại diện pháp luật nếu muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ ngân hàng số. Đây là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn và bảo mật trong các giao dịch trực tuyến.

Việc xác thực có thể thực hiện trực tiếp tại ngân hàng hoặc qua các nền tảng số sử dụng căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng định danh điện tử VNeID.

Người dân nên đến điểm giao dịch hoặc đăng ký trực tuyến để chuyển đổi sang thẻ chip. Ảnh minh họa

Người dân nên đến điểm giao dịch hoặc đăng ký trực tuyến để chuyển đổi sang thẻ chip. Ảnh minh họa

Trong trường hợp chưa thực hiện xác thực, doanh nghiệp sẽ không thể chuyển tiền, thanh toán hoặc sử dụng bất kỳ dịch vụ nào qua ngân hàng điện tử kể từ ngày 1/7.

Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý, khách hàng cần cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng yêu cầu chia sẻ mã OTP hoặc thông tin cá nhân trong quá trình xác thực – điều mà các ngân hàng tuyệt đối không bao giờ yêu cầu.

Một điểm đáng chú ý khác là từ 1/7, ví điện tử sẽ chính thức được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp, tương đương với tiền mặt, thẻ ngân hàng hoặc tài khoản ngân hàng. Nhờ đó, người dùng có thể linh hoạt hơn trong giao dịch tài chính hằng ngày, như chuyển tiền giữa ví và tài khoản, giữa các ví khác nhau mà không bị hạn chế như trước đây. Việc hợp thức hóa này cũng mở đường cho nhiều dịch vụ tài chính số phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, Nghị định số 94/2024/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng cũng bắt đầu có hiệu lực từ 1/7. Đây là hành lang pháp lý quan trọng giúp thử nghiệm các mô hình mới như cho vay ngang hàng (P2P Lending), chấm điểm tín dụng, xác thực khách hàng điện tử (eKYC), mở API… trong thời hạn tối đa 2 năm.

Qua đó, tạo điều kiện cho các công ty công nghệ và ngân hàng phối hợp đổi mới sáng tạo, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát rủi ro và bảo vệ quyền lợi người dùng.

Với hàng loạt thay đổi đáng chú ý kể trên, các chuyên gia khuyến cáo người dân và doanh nghiệp cần chủ động kiểm tra tình trạng thẻ ATM, cập nhật thông tin định danh, và nắm rõ các quy định mới để không bị gián đoạn giao dịch hoặc bỏ lỡ những tiện ích từ ngân hàng số.

Việc chuẩn bị sớm không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, tránh phiền phức mà còn góp phần bảo vệ tài sản cá nhân trước nguy cơ lừa đảo công nghệ ngày càng tinh vi.

Yến Nguyễn

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/tu-1-7-hang-loat-thay-doi-khi-giao-dich-ngan-hang-nguoi-dan-can-luu-202507012303041253.html