Từ 1-8, mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội
Luật Nhà ở 2023 so với các quy định hiện hành, sẽ tạo điều kiện trong việc mở rộng đối tượng được tiếp cận về nhà ở xã hội.
Luật Nhà ở 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, một trong những điểm mới quan trọng của Luật Nhà ở 2023 so với các quy định hiện hành là sẽ tạo điều kiện trong việc mở rộng đối tượng được tiếp cận về nhà ở xã hội.
Cụ thể, theo ThS. Ngô Gia Hoàng, giảng viên khoa Luật thương mại Trường ĐH Luật TP.HCM, nhìn chung, các đối tượng được hỗ trợ mua, thuê mua nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2023 cơ bản được kế thừa từ quy định của Luật Nhà ở 2014.
Trong đó, bổ sung một số đối tượng như “thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở”, “công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác,...
Đối với đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ, Luật Nhà ở 2023 đã loại trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở công vụ do vi phạm quy định của Luật Nhà ở. Những điều chỉnh này đã đảm bảo tính bao quát, hướng chính sách về nhà ở xã hội tập trung vào các đối tượng có thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở.
Đặc biệt, tại khoản 1 Điều 77 Luật Nhà ở 2023 quy định: Căn cứ điều kiện của địa phương, UBND cấp tỉnh có thể quy định việc hỗ trợ giải quyết bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội cho đối tượng hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Họ cũng được hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội (khoản 5 Điều 77 Luật Nhà ở 2023). Như vậy, Luật Nhà ở 2023 đã có chính sách mang tính toàn quốc quy định hỗ trợ cho người nghèo mua nhà ở xã hội, không phân biệt khu vực nông thôn hay thành thị.
Vẫn theo ThS. Ngô Gia Hoàng, Luật Nhà ở 2014, các đối tượng trên sẽ không được mua, thuê mua nhà ở xã hội, không được hỗ trợ vay vốn ưu đãi tại ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định mà chỉ được hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu về nhà ở hoặc hỗ trợ giao đất ở có miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc tặng nhà ở (Điều 50 Luật Nhà ở 2014).
Điều này, tạo ra sự phân biệt, đối xử đối với người nghèo ở khu vực nông thôn và người nghèo ở khu vực thành thị và không phù hợp với điều kiện phát triển thực tế ở nhiều địa phương. Bởi lẽ, có những đối tượng thường trú tại khu vực hành chính là xã (nông thôn) nhưng ở đó có điều kiện kinh tế phát triển với các khu công nghiệp, nhu cầu nhà ở cũng rất cao, do không được hỗ trợ nên nhóm đối tượng này rất khó khăn trong việc mua nhà.
Như vậy, việc bổ sung quy định mới của Luật Nhà ở 2023 sẽ tạo ra nhiều cơ hội để nhóm đối tượng yếu thế như là hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn được mua ở xã hội.
Từ đó, ThS.Hoàng đánh giá, với những điểm mới quan trọng trong quy định của Luật Nhà ở 2023 so với các quy định hiện hành, sẽ tạo điều kiện trong việc mở rộng đối tượng được tiếp cận về nhà ở xã hội, góp phần thúc đẩy và hỗ trợ giải quyết bài toán tiếp cận nhà ở cho người có thu nhập thấp tại các địa phương.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, mở rộng đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội đồng nghĩa với việc tăng cầu về nhà ở xã hội trong khi nguồn cung vốn rất hạn chế, do vậy sẽ đặt ra yêu cầu khâu xét duyệt đối tượng phải chặt chẽ hơn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-1-8-mo-rong-doi-tuong-duoc-mua-nha-o-xa-hoi-post800935.html