Từ 1/9/2022, chính thức xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng
Sáng nay 29/8, đã diễn ra buổi họp báo công bố Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo. Dự buổi họp còn có ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án thường trực TANDTC và đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.
Giới thiệu về một số nội dung cơ bản của Pháp lệnh, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng gồm 04 chương, 48 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/9/2022.
Theo đó, Pháp lệnh quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Nguyên tắc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 21 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Pháp lệnh quy định cụ thể hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với 03 nhóm hành vi. Cụ thể như sau:
Thứ nhất là nhóm các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự (Mục 1 Chương II), gồm: Hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật; hành vi tiết lộ bí mật điều tra; hành vi vi phạm quy định về sự có mặt theo giấy triệu tập; hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ; hành vi ngăn cản việc cấp, giao, nhận, thông báo hoặc không thực hiện trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng; hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Thứ hai là nhóm các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Mục 2 Chương II), gồm: Hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền; hành vi cản trở việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án; hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc; hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án và hành vi đưa tin sai sự thật.
Thứ ba là hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng; hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (Mục 3 Chương II), gồm: Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp và hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng.
Pháp lệnh quy định rõ việc xác định thẩm quyền xử phạt của Tòa án nhân dân, Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp (các điều từ Điều 33 đến Điều 40) theo hướng chỉ rõ đến từng điểm, khoản/hành vi mà từng chủ thể có thẩm quyền xử phạt.
Để bảo đảm nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý đúng với tính chất, mức độ vi phạm theo pháp luật hành chính và pháp luật hình sự thì Pháp lệnh quy định: Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm quy định tại Pháp lệnh này có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.
Tại buổi họp báo, các phóng viên đề cập đến một số nội dung liên quan đến xử phạt trong tác nghiệp báo chí, luật sư tại tòa, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Pháp lệnh ban hành trên tinh thần Tòa án được UBTVQH giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo. Pháp lệnh ra đời là cụ thể hóa các quy định đã được quy định trong các luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính.
Liên quan đến tác nghiệp của báo chí tại tòa, Luật cũng quy định việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa cho phép, Pháp lệnh này cụ thể hóa các hành vi vi phạm bị xử phạt nếu không tuân thủ các quy định nêu trên. Với phiên tòa dân sự, Báo chí thực hiện theo thẩm quyền, nhưng trên nguyên tắc không xâm phạm quyền của công dân, Luật cũng đã quy định cụ thể nội dung này. Vậy, việc xin phép như thế nào, bằng miệng hay văn bản? Tới đây, cơ quan soạn thảo sẽ phải có hướng dẫn cụ thể; cả cách tác nghiệp của nhà báo tại phiên tòa, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho hay.