Từ 1-9: Gửi hàng xe khách phải khai số căn cước công dân có làm lộ lọt thông tin cá nhân?
Liên quan đến việc gửi hàng qua xe khách, theo Nghị định 47/2022/NĐ-CP, từ 1-9, lái xe và nhân viên nhà xe khi nhận hàng hóa ký gửi phải yêu cầu người gửi cung cấp 6 thông tin. Nhiều người cho rằng, quy định này là cần thiết nhưng cần có biện pháp để tránh lộ lọt thông tin cá nhân…
Đảm bảo an toàn cho cả 2 bên
Những thông tin người gửi hàng cần cung cấp là tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (CMND/CCCD), số điện thoại của người gửi và người nhận.
Được biết, trước khi có quy định trên, Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đã nêu rõ, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân khi nhận hàng hóa ký gửi trên xe ô tô tuyến cố định (người gửi hàng không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về hàng hóa và họ tên, địa chỉ, số CMND/ số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận hàng.
Bên vận chuyển không được nhận hàng cấm, hàng dễ cháy, dễ nổ, động vật sống, hàng hóa là thực phẩm bẩn. Việc bồi thường hàng hóa ký gửi khi hư hỏng, mất mát, thiếu hụt được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hoặc theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp (DN), Hợp tác xã (HTX) và người gửi hàng.
Mặc dù chỉ còn ít ngày nữa quy định về việc gửi hàng phải khai đủ 6 thông tin có hiệu lực, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải và người dân còn khá bất ngờ khi nghe thông tin này.
Anh Trần Văn Thắng - một phụ xe khách thường xuyên chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An cho biết, từ trước đến nay, hàng hóa gửi đi và nhận về ở nhà xe đều có các thông tin như tên hàng hóa, cân nặng, họ và tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận nhưng có nhiều trường hợp không cần khai số CMND/ CCCD.
“Thực tế đã có không ít vụ gửi hàng lậu, hàng cấm, khi cơ quan chức năng phát hiện không tìm ra chủ hàng nên nhà xe phải chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng, quy định bên gửi và bên nhận hàng phải khai báo đầy đủ thông tin nhằm ngăn chặn, phát hiện và truy cứu chủ của những hàng hóa cấm dễ dàng, để không làm liên lụy đến nhà xe.
Do đó, sắp tới khi Nghị định 47/2022 có hiệu lực, nhà xe sẽ thông báo công khai để hàng khách nắm được. Tuy vậy, trong thời gian đầu, với những khách gửi hàng đơn giản như thực phẩm, hàng gia dụng từ chối khai báo đầy đủ thông tin, nhà xe vẫn có thể linh động, châm chước” - anh Thắng chia sẻ.
Cần quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin của khách hàng
Theo các chuyên gia pháp lý, Nghị định 47/2022 bổ sung riêng biệt về việc quy định các hãng vận tải hành khách phải lấy thông tin khách hàng là cần thiết, mang lại nhiều lợi ích cho nhà xe và khách hàng.
Việc xác minh thông tin hàng hóa, người gửi, người nhận sẽ ngăn chặn được việc tội phạm có thể sử dụng hình thức vận chuyển này.
Bên cạnh đó, khi phát hiện hàng bị cấm, cơ quan điều tra có thể nhanh chóng tiếp cận với tội phạm, tránh phát sinh những rủi ro pháp lý cho cả nhà xe lẫn người gửi, người nhận.
Việc ban hành quy định này còn cụ thể hóa trách nhiệm của từng chủ thể tham gia giao dịch hàng hóa, đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa các bên và việc tham gia bảo hiểm hàng hóa trong quá trình vận chuyển, tránh việc mất mát hư hao phải bồi thường.
Tuy vậy, điều đáng lo ngại là thông tin cá nhân của bên gửi và nhận hàng có thể bị lộ lọt. Để khắc phục điều này cần có quy định chặt chẽ về việc các đơn vị vận chuyển phải có trách nhiệm giữ bí mật thông tin khách hàng, không được phép chia sẻ thông tin này cho bên thứ ba.
Theo ông Chu Ngọc Long - Phụ trách điều hành xe Công ty CP 27-7 Đống Đa, từ trước đến nay, trong việc nhận, gửi hàng hóa, doanh nghiệp đã giao trách nhiệm cho lái xe, phụ xe, chủ phương tiện phải nắm bắt nguồn gốc, số lượng hàng, xác nhận thông tin người gửi, người nhận và tiến hành cân đo đong đếm với 1 số loại hàng nhất định. Nghĩa là chủ phương tiện khi đã nhận hàng phải “thấy, tay sờ” món hàng. Với những hàng hóa thiết yếu có giá trị cao việc lấy thông tin luôn đầy đủ, chính xác theo quy định.
Tuy vậy, với những loại hàng dân dụng thông thường như đồ dùng trong gia đình, quần áo, lương thực thực phẩm… thì việc yêu cầu bên gửi và bên nhận khai báo đầy đủ 6 thông tin không chỉ khiến bên gửi hàng cảm thấy phiền phức mà còn làm mất thời gian của lái, phụ xe. Nghiêm trọng hơn, điều này có thể gây lộ lọt thông tin cá nhân của không ít người.
“Tôi cho rằng việc siết chặt quy định trong việc gửi hàng hóa xe khách là cần thiết. Song, trong quá trình triển khai thực hiện để quy định này khả thi trong thực tế cần có sự rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời để khắc phục những bất cập, tránh việc phát sinh những rắc rối không đáng có” - Ông Long đề xuất.
Ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Bến xe phía Nam cho rằng, trước mắt sẽ yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tại bến xe nghiêm túc thực hiện quy định tại Nghị định 47/2022/NĐ-CP về việc khai đủ thông tin khi nhận, gửi hàng hóa và đề nghị các đơn vị này tăng cường tuyên truyền cho lái, phụ xe biết. Cá nhân, đơn vị nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo thẩm quyền…