Từ 12/9, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giảm 2 đơn vị sự nghiệp
Theo quy định mới nhất về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cơ cấu tổ chức của cơ quan này chỉ còn 21 đơn vị. Số đơn vị sự nghiệp giảm từ 6 xuống còn 4 đơn vị.
Ngày 12/9, Chính phủ ban hành Nghị định 62/2022/NĐ-CP về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực cụ thể sau.
Đó là: lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội (sau đây gọi chung là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội) trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và 28 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.
Cũng theo Nghị định số 62/2022/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có 21 đơn vị.
Trong đó, có 17 đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Cụ thể là: Vụ Bảo hiểm xã hội, Vụ Bình đẳng giới, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch-Tài chính, Văn phòng, Thanh tra, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục An toàn lao động, Cục Người có công, Cục Bảo trợ xã hội, Cục Trẻ em, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Bộ còn 4 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước là Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Trung tâm Công nghệ thông tin, Báo Dân trí, Tạp chí Lao động và Xã hội.
Nghị định 62/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 12/9/2022.
Riêng với lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có những nhiệm vụ cụ thể dưới đây.
Thứ nhất, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thứ hai, xúc tiến mở rộng, ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước.
Thứ ba, xây dựng và hướng dẫn thực hiện kế hoạch tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; quy định nội dung, chương trình và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Thứ tư, quyết định việc cấp, cấp lại, điều chỉnh thông tin, thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, tổ chức, hướng dẫn việc đăng ký hợp đồng của doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân; giám sát việc thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp.
Thứ sáu, quản lý Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Theo Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (sau đây gọi tắt là Quỹ) có hiệu lực từ ngày 21/2/2022, đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Quỹ thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường, phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng đóng góp 150 nghìn đồng/người lao động/hợp đồng vào Quỹ. Khoản đóng góp này được hạch toán vào chi phí hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp.
Lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp vào Quỹ 100 nghìn đồng/người với mỗi hợp đồng.
Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg nêu rõ, người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng/trường hợp.