Từ 15/7/2024, mức khoán kinh phí bảo vệ rừng bình quân hàng năm như thế nào?
Chính phủ ban hành Nghị định 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó quy định mức khoán bảo vệ rừng bình quân hàng năm.
Các đối tượng được cấp kinh phí bảo vệ rừng phòng hộ
1. Ban quản lý rừng phòng hộ;
2. Ban quản lý rừng đặc dụng;
3. Doanh nghiệp nhà nước;
4. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;
5. Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê;
6. Các đối tượng khác theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 Luật Lâm nghiệp 2017.
Mức khoán bảo vệ rừng bình quân hàng năm
- Đối tượng quy định tại (1) được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng bình quân 500.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng phòng hộ được giao, ngoài kinh phí sự nghiệp thường xuyên cho các hoạt động của bộ máy ban quản lý rừng.
- Đối tượng quy định tại (2) được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 58/2024/NĐ-CP.
- Đối tượng quy định tại (3), (4) và (6) được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 58/2024/NĐ-CP.
- Đối tượng quy định tại (5) được Nhà nước cấp kinh phí quản lý, bảo vệ rừng bình quân 150.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng được giao.
- Kinh phí bảo vệ rừng đối với xã khu vực II, III bằng 1,2 lần mức bình quân, vùng đất ven biển bằng 1,5 lần mức bình quân quy định tại (i), (ii), (iii) và (iv).
- Chi phí lập hồ sơ lần đầu về bảo vệ rừng cho đối tượng tại (4) là là 50.000 đồng/ha; kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu bảo vệ rừng là 7% trên tổng kinh phí chi cho bảo vệ rừng hằng năm.
Mức trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng
- Mức trợ cấp: 15 kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối tượng được trợ cấp, mức trợ cấp, hình thức trợ cấp cụ thể theo diện tích, số khẩu phù hợp với thực tế của địa phương và thời gian trợ cấp nhưng tối đa 7 năm, đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Mức trợ cấp gạo cho hộ gia đình thực hiện trồng rừng thay thế nương rẫy trong năm căn cứ vào diện tích trồng rừng thực tế và thời gian chưa tự túc được lương thực không quá 6 tháng nhưng tối đa không quá 450 kg/năm;
- Mức gạo trợ cấp cho hộ gia đình thực hiện bảo vệ và phát triển rừng trong năm căn cứ vào diện tích thực hiện bảo vệ và phát triển rừng và trong thời gian chưa tự túc được lương thực không quá 4 tháng nhưng tối đa không quá 300 kg/năm;
- Đối với hộ gia đình thực hiện tất cả hoạt động trồng rừng thay thế nương rẫy và hoạt động bảo vệ và phát triển rừng thì được hưởng theo mức trợ cấp cho hoạt động cao hơn;
- Cách tính mức trợ cấp gạo cụ thể theo Mẫu số 08 Phụ lục kèm theo Nghị định 58/2024/NĐ-CP .