Từ 17/1, Móng Cái tạm dừng tiếp nhận hoa quả, thủy sản đông lạnh xuất khẩu qua biên giới
Từ ngày 17/1 đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần (31/1), tỉnh Quảng Ninh sẽ tạm dừng tiếp nhận các phương tiện chở nông sản, thủy sản đến cửa khẩu, lối mở biên giới của thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đây là nội dung của văn bản số 334/UBND-XD2 của UBND tỉnh Quảng Ninh vừa được ban hành gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cụ thể, dừng tiếp nhận mặt hàng hoa quả, thủy sản đông lạnh, những mặt hàng dễ hư hỏng, khó bảo quản, những mặt hàng chưa đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 của Trung Quốc ra khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới của thành phố Móng Cái để xuất khẩu.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, việc tạm dừng này nhằm đảm bảo mục tiêu tập trung giải phóng triệt để lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hiện vẫn còn tồn đọng tại các khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh trước Tết Nguyên đán 2022 (trước ngày 31/1/2022).
Đồng thời, tránh phát sinh những rủi ro trong dịch bệnh COVID-19 làm cơ quan phía Trung Quốc tiếp tục dừng thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhân dân, doanh nghiệp.
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: DN&HN)
Tỉnh Quảng Ninh đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, hỗ trợ thực hiện thông tin rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về việc tạm dừng đưa các hàng hóa là hoa quả, thủy sản đông lạnh, những mặt hàng dễ hư hỏng, khó bảo quản; những mặt hàng chưa đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 của Trung Quốc ra khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới của thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để xuất khẩu.
Mặt khác, chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ công tác khử trùng, khử khuẩn đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm hạn chế nguy cơ virus SARS-CoV-2 còn tồn tại bên ngoài bao bì sản phẩm và đối với các lái xe, phụ xe.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan triển khai việc kết nối thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, tập trung vào các loại trái cây, nông sản đang vào vụ thu hoạch; xem xét, hướng dẫn các doanh nghiệp lựa chọn, chuyển đổi phương thức vận tải, xuất khẩu khác ngoài đường bộ như đường thủy, đường sắt nhằm giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Được biết, sau hơn một tuần khôi phục hoạt động tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân I, II và Lối mở km3+4, thành phố Móng Cái, hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa có những chuyển biến bước đầu. Tuy nhiên, nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất lớn lại đúng thời điểm cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, người lao động và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ nghỉ Tết sớm hơn mọi năm do phía Trung Quốc yêu cầu cách ly bắt buộc 21 ngày đối với những nhân viên làm ở khu vực có nguy cơ cao trước khi về quê đón Tết.
Bên cạnh đó, các cơ quan phía bạn đã thông báo chính sách khống chế lượng phương tiện nhập khẩu qua Đông Hưng, theo đó tại Lối mở Km3+4 Hải Yên chỉ cho nhập khẩu 50 xe/ngày.
Hiện tại, thành phố Móng Cái tiếp tục thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tốc độ thông quan và đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp, giảm các chi phí bảo quản hàng hóa và lưu kho bãi.
Phát biểu tại hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng đường biển, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp phải tính toán, điều tiết hàng hóa xuất khẩu qua biên giới từ nay đến Tết Nguyên đán cho phù hợp. Đồng thời, đề nghị các địa phương có nông sản, trái cây cần tập trung kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa".
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, để tiếp tục có giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, Cục Hàng hải Việt nam sẽ phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) triển khai 4 giải pháp chính.
Trong đó, cơ quan quản lý sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam làm việc với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản, các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết tạo nguồn hàng đủ lớn để ký hợp đồng vận tải dài hạn trực tiếp với hãng tàu.